Xe ôm đổ máu: Khốc liệt 'miếng cơm manh áo'

03/10/2017 08:37 AM | Xã hội

Tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống đánh nhau liên tiếp. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi các đại gia taxi như Mai Linh, Vinasun cũng đang nhảy vào chiếm thị phần ở phân khúc này. Việc cạnh tranh, giành khách nhiều lúc đã xảy ra những cuộc ẩu đả khiến không ít người bị chảy máu, thương tích.

Dùng bạo lực để giữ kế sinh nhai

Mới đây, một nhóm xe ôm truyền thống xô xát với một nam thanh niên là tài xế Grabike ngay trước bến xe An Sương (TP.HCM). Theo chia sẻ của người bị đánh: “Hôm đó tôi đến bến xe đón khách và bị nhóm xe ôm truyền thống ở đây gây sự. Họ cho rằng tôi tranh giành khách với họ nhưng điều này không phải”.

Trước đó, một vụ xô xát giữa nhóm xe ôm truyền thống với nhóm tài xế GrabBike tại bến xe Miền Tây, quận Bình Tân, TP.HCM đã diễn ra khá ầm ĩ và có nguy cơ lan thành hỗn chiến, khiến lực lượng chức năng phải nổ 2 phát súng chỉ thiên để giải tán đám đông.

Theo đại diện GrabBike Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung. Điểm nóng ở phía nam là các bến xe An Sương, Miền Đông, Miền Tây, sân bay.

Dùng bạo lực để giành khách
Dùng bạo lực để giành khách

Tại Hà Nội, nhiều vụ việc tương tự cũng xảy ra. Đơn cử như việc người đàn ông mặc áo vàng là xe ôm truyền thống đã đuổi đánh để không cho thanh niên đi Grab bắt khách ở quận Thanh Xuân.

Ông này cầm gậy hung hăng đuổi đánh và liên tiếp vụt vào thanh niên đi Grab, khiến người này phải bỏ chạy.

Công nghệ mới ra đời đã lấy đi “miếng cơm manh áo” của không ít lái xe ôm. Chính vì nhìn thấy cảnh khách hàng dửng dưng, lái xe ở đâu lại tới đón đã khiến đội ngũ xe ôm “nóng mặt”, dẫn tới ẩu đả xảy ra. Không chỉ bị đâm, bị chém, cánh tài xế GrabBike thường xuyên bị đe dọa mất mạng nếu đến các khu vực xe ôm truyền thống đón khách.

Thực tế, sự đổ bộ của Uber, Grab không chỉ làm khuynh đảo thị trường taxi mà xe ôm cũng đang chịu số phận chung. Theo chia sẻ của một lái xe ở Giáp Bát, trước kia anh có thể thu nhập đến 400 nghìn đồng, nay giảm một nửa.

Xe ôm truyền thống chỉ còn một lượng khách nhỏ là những người từ quê ra, chưa biết đến loại hình vận tải mới, hoặc một số ít khách quen. Nhiều người ở quê lên đã phải bỏ nghề vì không còn đủ tiền.

Thị phần giảm, áp lực cạnh tranh tăng lên khiến một bộ phận xe ôm truyền thống có thái độ cực đoan với tài xế Uber, Grab, khiến họ e dè, từ chối khách ở các bến xe. Ngược lại, một số tài xế xe ôm truyền thống nghĩ ra cách hóa trang thành GrabBike/UberMotor.

Trong khi đó, nhiều lái xe Grab vẫn ngang nhiên đón khách bên ngoài không qua ứng dụng, giành khách trực tiếp với các lái xe ôm. Điều này đã dẫn tới mâu thuẫn, nảy sinh các “cuộc chiến đẫm máu”.

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt

Có mặt tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), bất kỳ ai cũng dễ dàng thấy sự áp đảo của đội mũ lái xe công nghệ mặc đồng phục áo xanh, đứng cạnh các lái xe ôm đang vẫy tay mời khách.

Thị phần dịch vụ vận chuyển bằng xe máy hiện chia làm ba nhóm: Xe ôm truyền thống, xe ôm chạy theo công tơ mét có đồng phục và xe ôm công nghệ Uber, Grab. Trong đó, Uber và Grab đang chiếm ưu thế.

Trước thời Uber, Grab, loại xe ôm có tổ chức, hay còn gọi là xe ôm niêm yết giá, với giá cước thống nhất đã ra đời với kỳ vọng sẽ đẩy lùi những vấn nạn kinh niên của xe ôm truyền thống như “chặt chém” khách, đi lòng vòng, hay tình trạng trạng cướp của, giết người.


Cạnh tranh giữa các loại hình vận tải ngày càng gay gắt

Cạnh tranh giữa các loại hình vận tải ngày càng gay gắt

Mô hình xe ôm - taxi bắt đầu phát triển từ năm 2012 tại TP.HCM, sau đó phổ biến tại Hà Nội. Tuy nhiên, loại hình này đang sớm lâm vào cảnh chợ chiều và đến nay hầu như đã mất hút vì... không thể cạnh tranh nổi về giá cả và tính tiện lợi so với mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, họ hầu như bế tắc trong khâu tiếp cận khách hàng.

Grab là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ đặt xe từ điện thoại và phát triển mạng lưới đối tác tại Việt Nam. Số lượng lái xe Grabbike đã lên tới vài nghìn người. Sau đó, Uber đã chính thức tham gia thị trường với cước phí 3.700 đồng/km + 200 đồng/phút, mức giá tối thiểu một hành trình là 10.000 đồng.

Đại diện Uber cho biết, bên cạnh việc thanh toán bằng thẻ, người dùng có thể trả bằng tiền mặt. Hiện Uber và Grab đã thành công trong việc thiết lập đối tác lái xe lên đến hàng chục nghìn người. Cuối tháng 6/2017, GrabBike tuyên bố số lái xe của họ đã đạt 50.000, còn UberMotor cũng cho biết số lái xe của họ đã đạt 20.000.

Trước sự thống lĩnh của các đại gia ngoại ở loại hình vận chuyển bằng xe máy, các đại gia trong nước cũng nóng lòng muốn nhảy vào phân khúc này. Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc đang ngỏ ý bổ sung ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy. Nội dung này đang được Mai Linh xin ý kiến cổ đông. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2017.

Trước đó, Vinasun cũng cho biết hãng đang nghiên cứu thị trường để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Dự kiến dịch vụ này sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay.

Mặc dù Mai Linh và Vinasun chậm chân, nhưng dự báo cuộc chơi sẽ còn khó khăn hơn khi các đại gia tuyên chiến sẽ tham gia cạnh tranh với Uber, Grab và xe ôm truyền thông vốn quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam từ lâu.

Theo Nam Hải

Cùng chuyên mục
XEM