Xây dựng thành phố thông minh: khả thi hay không?

22/03/2018 13:30 PM | Kinh doanh

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất 3 thành phố thông minh trong giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tuy vẫn còn đó những rào cản về nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, chi phí triển khai cho đến nhân lực…

Nhưng nếu tận dụng hợp lý những xu hướng công nghệ từ nước ngoài như kinh tế chia sẻ - sharing economy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này.

“Dò dẫm” tìm đường

Xây dựng thành phố thông minh – smart city đang được đề cập nhiều trong các đề án phát triển đô thị cả nước nhằm đón đầu những thành tựu do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, Việt Nam lại gặp phải vô vàn khó khăn, rào cản.

Theo bộ TT&TT, khó khăn lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp đà phát triển của đô thị, dẫn đến những hậu quả như: tắc nghẽn giao thông, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng nước thải, nước mưa, rác thải ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành phố thông minh đòi hỏi nguồn nhân lực CNTT rất lớn, trong khi Việt Nam lại thiếu hụt. VietnamWorks ước tính, nếu cứ tiếp tục tăng trưởng nhân lực CNTT ở mức 8% như hiện nay, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT.

Mặt khác, định nghĩa, tiêu chuẩn về smart city tại Việt Nam còn khá mơ hồ. Dù thế giới đã có bộ tiêu chuẩn ISO dành cho Smart city, gồm 18 chỉ số thuộc 6 lĩnh vực: Người dân thông minh, Kinh tế thông minh, Môi trường sống thông minh, Chính quyền số thông minh, Đời sống thông minh và Giao thông, liên lạc thông minh nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn chính thức đối với việc triển khai smart city tại Việt Nam (đề phù hợp với đặc điểm riêng về văn hoá, kinh tế, xã hội…). Smart city chỉ được hiểu một cách chung chung là “việc sử dụng CNTT ở mức độ cao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” nên việc triển khai phần nào vẫn còn nhiều lúng túng. Ngoài ra, Hội nghị Quốc tế về Thành phố Thông minh 2017 cũng xác định: kinh phí quá lớn cũng là khó khăn lớn khi triển khai smart city.

Hỗ trợ từ nền kinh tế chia sẻ

Dù còn gặp nhiều khó khăn và đang ở giai đoạn dò dẫm tìm đường cho việc xây dựng thành phố thông minh nhưng tín hiệu khả quan là: sự phát triển của các mô hình kinh tế mới tận dụng xu hướng công nghệ từ nước ngoài đang phần nào hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện mục tiêu này.

Điển hình có thể kể đến xu hướng “kinh tế chia sẻ” - mô hình thị trường dựa trên yếu tố công nghệ kết hợp với các tài nguyên có sẵn (xe hơi, xe máy, nhà cửa, đồ dùng…) và hình thành nên phương thức kinh doanh mang tính “chia sẻ”. Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” mới thịnh hành từ 5-6 năm nay khi có những đại diện của nền kinh tế này xuất hiện tại Việt Nam như Uber, AirBnB, Triipme… mang đến những lợi ích lớn lao cho xã hội, đẩy mạnh tốc độ công nghệ hóa của nền kinh tế. Uber - dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) hàng đầu thế giới đã “cách mạng hoá” việc đi lại của người dân Việt Nam. Với một ứng dụng điện thoại có khả năng xử lý hàng nghìn, hàng triệu thông tin cùng một lúc, Uber giúp kết nối những phương tiện nhàn rỗi trong dân với người có nhu cầu đi lại, làm giảm lượng xe lưu thông trên đường, đặc biệt là ô tô, giải tỏa phần nào áp lực lên cơ sở hạ tầng.

Xây dựng thành phố thông minh: khả thi hay không? - Ảnh 1.

Nền kinh tế chia sẻ đã mang đến diện mạo mới mẻ, tiến bộ hơn cho việc đi lại của người dân đô thị lớn tại Việt Nam

Trên thế giới, mô hình này không mới và nó đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các nền kinh tế lớn. Theo một báo cáo của Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc, khoảng 600 triệu người dân nước này tham gia vào loại hình kinh tế chia sẻ trong năm 2016 với giá trị trao đổi 3.450 tỷ Nhân dân tệ (510 tỷ USD). Nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc bao trùm nhiều lĩnh vực, từ đi chung xe đạp, xe có động cơ, đến chia sẻ không gian sống và không gian làm việc và thậm chí là kiến thức, kỹ năng và lao động… Ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam tạm thời chỉ dừng lại ở lĩnh vực giao thông vận tải là chủ yếu nhưng hứa hẹn mang đến những thay đổi đáng kể cho diện mạo các thành phố. Kết quả nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) do Uber ủy thác thực hiện cũng đã chỉ ra rằng: Riêng TP.HCM, hạ tầng đô thị đang bị quá tải với số lượng phương tiện lưu thông lên đến gần 8,2 triệu, trung bình mỗi ngày, người tham gia giao thông tiêu tốn đến 51 phút vì ùn tắc. Nhưng nếu chia sẻ phương tiện trở thành hình thức đi lại phổ biến chỉ sau xe cá nhân thì lượng ô tô lưu thông trên đường sẽ giảm đến 27%.

Ảnh hưởng tích cực của kinh tế chia sẻ đến các đô thị lớn cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, đón đầu những làn sóng kinh tế - công nghệ lớn trên thế giới là bước đi đúng đắn trong việc tiến tới xây dựng thành phố thông minh ở nước ta.

Chia sẻ - “Từ khóa” làm nên smart city

Nhìn rộng hơn về hai chữ “chia sẻ”, cần phải thấy được tầm quan trọng của việc công khai dữ liệu. Sự liên thông và quy mô của kho dữ liệu cũng như giá trị dữ liệu mà chúng ta cung cấp là một trong những yếu tố quyết định các thành phố của chúng ta có thể vươn đến định nghĩa smart city hay không.

Tại diễn đàn cấp cao CNTT Việt Nam – ICT Summit năm 2017, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bản chất là chia sẻ - kết nối, phải kết nối để tạo sức mạnh trong cách mạng công nghiệp 4.0”. Cũng tại hội nghị này, ông Đặng Thanh Hưng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu smart city của VNPT đã nói: “Hiện nay, mọi người thường nhắc nhiều tới thành phố chia sẻ, nền kinh tế chia sẻ. Bản thân đô thị thông minh có các phần dữ liệu về chính quyền cũng phải chia sẻ, tức là open data, phải chia sẻ cho người dân và doanh nghiệp cùng sử dụng dịch vụ trên đó để cùng phát triển, cùng kinh doanh.” Chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu sẽ là giải pháp hiệu quả cho việc xây dựng thành phố thông minh.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiêu chuẩn và lộ trình rõ ràng về smart city từ chính phủ. Trong đó, hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất là việc chưa có một tiêu chuẩn cụ thể về smart city cho Việt Nam và vấn đề tương thích giữa các giải pháp, liên thông dữ liệu trong quá trình triển khai. Nếu cùng lúc giải quyết được các vấn đề này, cộng với sự giúp đỡ từ các xu hướng công nghệ mới mẻ; Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới xây dựng thành công thành phố thông minh như mục tiêu đã đề ra.

A.D

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM