Xây cao tốc Bắc - Nam: Vì sao đề xuất 4 - 6 làn xe để lại lo quá tải?

06/11/2017 09:35 AM | Xã hội

Liên quan tới quy mô làn đường của dự án cao tốc - Bắc - Nam, một số chuyên gia cũng cho rằng tại sao không triển khai làm 6-10 làn xe mà chỉ đề xuất làm 4-6 để rồi dự tính quá tải sau 10 năm.

Tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, giai đoạn 1 (2017-2020) dự kiến đầu tư trước khoảng hơn 650 km, chia thành 11 dự án thành phần, đi qua 13 tỉnh thành. Trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đầu tư công.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng, tổng diện tích giải phóng mặt bằng tái định cư khoảng 3,736 ha. Quy mô từ 4-6 làn xe.

Liên quan tới quy mô làn đường của dự án, một số chuyên gia cũng cho rằng tại sao không triển khai làm 6-10 làn xe mà chỉ đề xuất làm 4-6 để rồi dự tính quá tải sau 10 năm?

Theo lý giải của ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư - Bộ Giao thông vận tải, lý do Bộ lựa chọn 4 - 6 làn xe là dựa trên nghiên cứu của JICA khi nghiên cứu, phân tích tất cả các loại hình vận tải, từ đó phân bổ cho từng loại hình vận tải để tránh lãng phí.

"Trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam Chính phủ phê duyệt, đến 2030 sẽ đưa tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh vào khai thác. Trong khoảng cách dưới 300km, đi đường sắt chắc chắn sẽ thuận tiện hơn đường bộ rất nhiều. Do đó, lúc đó nhu cầu đường bộ sẽ giảm xuống. Đây là lý do chúng tôi quyết định chỉ làm 4 làn xe", ông Huy nói.

Theo vị này, ở nước ngoài, đường liên tỉnh, liên bang cũng chỉ 4 - 6 làn xe, chỉ có đường kết nối giữa các đô thị lớn trong bán kính khoảng 100-200 km thì mới có đường 10 làn xe.

"Nếu nhu cầu lên 10 - 12 làn xe, sẽ phải chuyển sang phương thức vận tải khác phù hợp hơn", ông Nguyễn Danh Huy nói.

Trong báo cáo thẩm tra tờ trình dự án, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.

Liên quan tới việc bổ sung tuyến đường sắt cao tốc vào năm 2030, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ cùng một số bên đang phối hợp nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Hiện Chính phủ đang giao Bộ nghiên cứu tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

"Thực hiện đúng quy hoạch, chúng tôi đang đặt mục tiêu cố gắng đến năm 2019 – 2020 sẽ trình Chính phủ dự án đường sắt tốc độ cao, đoạn Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang. Bởi sau 2030 thì đường cao tốc cũng sẽ đạt tới ngưỡng quá tải", vị này cho biết.

Trước đó, tình bày báo cáo thẩm tra tờ trình dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông hôm 3/11, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định cao tốc Bắc - Nam có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các ý kiến này.

Theo N Mạnh

Cùng chuyên mục
XEM