‘Xâm chiếm’ quán rong, siêu thị chưa đủ, ứng dụng thanh toán Alipay chính thức ‘đổ bộ’ vào các nhà tù Trung Quốc

17/01/2019 10:54 AM | Kinh doanh

Đại diện Alipay cho biết dù ứng dụng của hãng khá tiện lợi nhưng họ hy vọng không nhiều người phải ngồi tù và dùng dịch vụ này để thanh toán.

Hiện nay ở Trung Quốc, có một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết: Chỉ chấp nhận thanh toán qua smartphone và QR code. Từ người bán hàng rong đến các nhà hàng và siêu thị đều từ chối tiền mặt.

Theo ước tính, mỗi ngày có hàng triệu người tiêu dùng sử dụng điện thoại của mình để trả tiền cho bất cứ thứ gì họ mua: một bát mỳ tại quán đồ ăn vỉa hè, rau quả, phí đường cao tốc, vé xe bus hay tiền phạt vi phạm giao thông. Thậm chí, những người ăn xin ở Bắc Kinh còn thu hút đông đảo sự chú ý với tấm bảng ghi "Chấp nhận thanh toán qua WeChat Pay".

‘Xâm chiếm’ quán rong, siêu thị chưa đủ, ứng dụng thanh toán Alipay chính thức ‘đổ bộ’ vào các nhà tù Trung Quốc - Ảnh 1.

Người ăn xin ở Trung Quốc chấp nhận thanh toán qua QR code.

Hai ứng dụng thanh toán di động phổ biến nhất ở đất nước tỷ dân thời điểm hiện tại là Alipay và WeChat Pay. Bên cạnh đó là rất nhiều ứng dụng tương tự cho thấy cuộc chiến thanh toán di động khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Và giờ đây, "đấu trường" đó đã được mở rộng tới một nơi không tưởng: Nhà tù.

Ngày 14/1 vừa qua, Alipay xác nhận rằng họ đã đưa ra một tính năng mới cho phép các tù nhân nhận và sử dụng tiền. Cục Quản lý nhà tù Bắc Kinh đặt tên cho dịch vụ này là "thanh toán trong tù" và bắt đầu triển khai tính năng này từ cuối năm ngoái, cho phép người nhà gửi tiền cho tù nhân để mua đồ sinh hoạt hàng ngày.

Theo Beijing News, các thành viên gia đình sẽ cần xác minh danh tính để chứng minh mối quan hệ với tù nhân và mỗi lần họ sẽ được phép chuyển 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu đồng)/tháng. Theo quy định, tổng số dư tài khoản của mỗi tù nhân không được vượt quá 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng).

Bắc Kinh là thành phố duy nhất ở Trung Quốc áp dụng dịch vụ trên của Alipay tuy nhiên với mức độ cạnh tranh của thị trường thanh toán di động như hiện nay, nhiều khả năng các thành phố khác cũng sẽ sử dụng dịch vụ tương tự trong tương lai gần.

Đối thủ đáng gờm nhất của Alipay là WeChat Pay được điều hành bởi tập đoàn Tencent. Hai ứng dụng đình đám này đã cùng nhau xử lý tới 93% tất cả các giao dịch di động không dùng tiền mặt ở Trung Quốc.

‘Xâm chiếm’ quán rong, siêu thị chưa đủ, ứng dụng thanh toán Alipay chính thức ‘đổ bộ’ vào các nhà tù Trung Quốc - Ảnh 2.

Alipay là "ông lớn" trong lĩnh vực thanh toán di động ở Trung Quốc.

Trong năm 2017, tổng số tiền này là 15,4 nghìn tỷ USD, cao gấp 40 lần con số ở Mỹ. Bằng cách xây dựng một nền tảng tích hợp giữa mạng xã hội, thương mại và ngân hàng, hai gã khổng lồ công nghệ đang tỏ ra chiếm ưu thế so với các ngân hàng truyền thống và đảm nhiệm vai trò ngày càng quan trọng trong các giao dịch hàng ngày của hàng trăm triệu công dân Trung Quốc.

Ở Mỹ, tù nhân của một số cơ sở cải tạo liên bang cũng có tài khoản và sử dụng để mua vật phẩm thiết yếu. Tiền có thể được gửi vào tài khoản điện tử của họ thông qua các dịch vụ chuyển tiền như MoneyGram hay Western Union. Tùy thuộc vào số tiền, phí giao dịch có thể lên tới 35% đến 45% trong khi đó, Alipay vẫn chưa thu phí đối với dịch vụ này ở Bắc Kinh.

Theo nhận định của chuyên gia, việc tung ra tính năng thanh toán trong tù của Alipay đã góp phần khẳng định vị thế hàng đầu của ứng dụng này tại thị trường thanh toán di động tiềm năng của Trung Quốc. Trong một tuyên bố gần đây, đại diện công ty phát biểu: "Tuy dịch vụ mới khá tiện dụng nhưng chúng tôi hy vọng bạn sẽ không phải dùng đến nó thường xuyên".

Gia Vũ

Từ khóa:  alipay
Cùng chuyên mục
XEM