World Bank sẽ đào tạo 600.000 giáo viên và hiệu trưởng cấp 3 để cải thiện giáo dục VN

30/06/2016 14:14 PM | Kinh tế vĩ mô

World Bank vừa rót 95 triệu USD vốn ODA cho chương trình đào tạo 600.000 giảng viên và hiệu trưởng cấp 3 – khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Việc không khớp giữa các cấp giáo dục là một trong những nguyên nhân khiến người Việt học giỏi hơn các nước giàu nhưng làm việc kém hơn các nước nghèo.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa phê duyệt Chương trình Tăng cường Đào tạo Giáo viên nhằm hỗ trợ nỗ lực đổi mới giáo dục Việt Nam qua việc đào tạo nghiệp vụ thường xuyên cho giáo viên và hiệu trưởng.

Chương trình sẽ hỗ trợ trên 600.000 giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông, chiếm khoảng 80% tổng số giáo viên trong cả nước.

Hệ thống quản lý học tập sẽ không chỉ hỗ trợ học tập từ xa mà còn thực hiện vai trò như là một cổng giao tiếp với một thư viện lớn, một nền tảng mạng xã hội cho giáo viên và hiệu trưởng, một lớp học dựa trên nền web, và một bộ phận hỗ trợ. Chương trình cũng giúp thành lập một hệ thống đánh giá nhu cầu học tập nhằm điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của giáo viên.

Chương trình sẽ giúp đào tạo một đội ngũ gồm 28.000 giáo viên nòng cốt và 4.000 cố vấn hiệu trưởng. Những người này sẽ làm việc tại cấp trường nhằm hỗ trợ và đào tạo cho cán bộ trong trường theo đúng nhu cầu. Đưa chuyên gia vào trường học và hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên và hiệu trưởng được coi là thông lệ quốc tế tốt nhất.

Chương trình được hỗ trợ bởi một khoản tín dụng trị giá 95 triệu USD do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) cấp. Đây là nhánh cho vay các nước nghèo nhất của Nhóm World Bank.

Trước đó, lãnh đạo World Bank nhiều lần bày tỏ quan ngại khi mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đang theo xu thế giảm dần trong vài năm gần đây.

“Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam chưa đến 4% và đang có xu thế giảm, trong khi mức tăng năng suất lao động tại Trung Quốc là trên 7%, tại Hàn Quốc là trên 5% vào thời điểm các nước đó ở cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay”, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch World Bank khu vực Đông Á Thái Bình Đương từng cho biết.

“Tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay sẽ không đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó Việt Nam có thể đi theo quĩ đạo như các nước Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)”.

Theo báo cáo của World Bank, Việt Nam đã thành công với việc đào tạo kỹ năng cơ bản nhưng công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được công việc được trả lương cao hơn, với năng suất lao động cao hơn vẫn chưa đạt yêu đầu.

Tình trạng này là kết quả của 6 cái “không khớp” sau:

- Các cấp giáo dục không khớp với nhau. Giáo dục trung học phổ thông là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Hiện tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông đã giảm mạnh từ 80% xuống còn 60% có lẽ vì lý do chi phí cơ hội (học phí, không bắt buộc, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể kiếm được việc làm).

- Ngành đào tạo không khớp với nhu cầu thị trường lao động. Hiện nay, các cơ sở dạy cho học viên những nghề không còn tồn tại hoặc không có tương lai.

- Phương pháp sư phạm không khớp với thực tế làm việc. Các khóa học chú trọng quá nhiều vào lý thuyết, ít chú ý tới thực hành.

- Cơ sở giáo dục và đào tạo không khớp với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ít khi tham gia tích cực vào việc thiết kế các chương trình đào tạo hay công tác giảng dạy. Giữa sinh viên, nhà trường, doanh nghiệp có ít trao đổi, giao lưu. Điều này làm hạn chế khả năng phát hiện tài năng, định hướng chương trình và khuyến khích sáng tạo.

- Hệ thống thông tin thị trường lao động không khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên và cơ sở đào tạo.

- Công tác nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu không khớp với đòi hỏi của nền kinh tế. Các trường đại học hiếm khi tham gia vào tiếp nhận công nghệ hay nâng cấp. Chương trình nghiên cứu của họ cũng không quan tâm đến các vấn đề ưu tiên tại địa phương.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM