World Bank: Gần 9 triệu người Việt Nam khó thoát nghèo do không có tiền đi học THPT

06/04/2018 08:43 AM | Xã hội

Đây là nội dung được quan tâm đặc biệt tại Hội thảo Công bố báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” diễn ra chiều 05/4.

Báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" được hỗ trợ kỹ thuật bởi Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, từ năm 2014, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm khoảng 4% xuống còn 9,8% vào năm 2016.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên là tăng trưởng kinh tế cao đi cùng với những chính sách xã hội hợp lý. Ông Obert Pimhidzai, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của WB đánh giá, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đã lớn mạnh (chiếm 13% dân số) và đang hướng tới chất lượng sống cao hơn. Đây là "tầng lớp tiêu dùng" và sự chi tiêu của họ giúp nền kinh tế tăng trưởng, tạo việc làm. Trong tương lai, "tầng lớp tiêu dùng" sẽ ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 9 triệu người nghèo. 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, và phần lớn họ sống tại vùng cao. Họ có thu nhập từ lương nên vấn đề không phải là tạo việc làm, mà là chất lượng việc làm.

"Người nghèo đang làm những công việc có năng suất lao động thấp. Họ không được tiếp cận cơ hội kinh tế đồng đều. Chỉ 7% người nghèo có trình độ sau phổ thông. Trong khi những việc tốt nhất ở Việt Nam yêu cầu được dạy nghề, học đại học. Điều kiện gia đình đã khiến họ không thể học lên đến cấp THPT. Những người học lên cao được là do gia đình chi trả cho việc đi học thêm. Những hộ nghèo không có cơ hội chi trả nên cơ hội thành công không nhiều" - ông Obert Pimhidzai nói.

Chuyên gia kinh tế của WB khuyến nghị, Chính phủ cần tạo việc làm tốt hơn cho mọi người. Việc làm tốt hiểu theo nghĩa rằng người lao động có cơ hội nhận được thu nhập cao hơn. Muốn vậy, năng suất lao động phải tăng lên, hướng tới nền sản xuất có giá trị gia tăng cao. Trước mắt, giáo dục sẽ là vấn đề quan trọng cần giải quyết. Giáo dục sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận công bằng hơn, trong khi người sử dụng lao động cũng sẽ không phàn nàn về tình tạng thiếu kỹ năng của nhân sự.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, giáo dục vẫn luôn là vấn đề được chú trọng. Ủy ban Dân tộc đã nhiều năm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chính sách mở trường bán chú ở những vùng khó khăn, hỗ trợ gạo và sữa để học sinh đến trường.

"Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đã được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chủ trương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc. Chúng tôi cũng tập trung giải quyết việc làm. Hỗ trợ những người có khả năng học lên đại học, cao đẳng. Sau đó, họ cũng nhận được hỗ trợ về việc làm ở khu đô thị với thu nhập cao và được pháp luật bảo vệ" - ông Phan Văn Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, tập trung nguồn lực vào những vùng nghèo nhất sẽ là giải pháp phù hợp trong bối cảnh suy giảm các nguồn viện trợ. Ủy ban Dân tộc đang phối hợp cùng với WB để hoàn thành các nghiên cứu. Trong cuối năm nay sẽ có báo cáo tổng hợp để kịp thời xây dựng chính sách cho giai đoạn tiếp theo.

World Bank: Gần 9 triệu người Việt Nam khó thoát nghèo do không có tiền đi học THPT - Ảnh 1.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ghi nhận những kết quả của Việt Nam trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Việc tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả đáng khích lệ.

"Những nỗ lực cần tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài. Không thể bỏ qua khát vọng của những người có ít cơ hội" – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Theo DQ

Cùng chuyên mục
XEM