'Workaholic' - Kiểu ứng viên bị triệu phú nổi tiếng loại thẳng khi tuyển dụng: Làm việc 25 tiếng/ngày chỉ khiến bạn kém hiệu quả hơn

07/05/2022 08:49 AM | Kinh doanh

"Khi thấy một người nghiện công việc, tôi không muốn thuê người đó", Kevin O’Leary nói.

Kevin O’Leary là một nhà đầu tư, ngôi sao truyền hình và doanh nhân sở hữu khối tài sản trị giá 400 triệu USD. Tuy nhiên, triệu phú 67 tuổi này lại không coi mình là người nghiện công việc.

Mới đây, chia sẻ với CNBC, ông cho biết khi xem xét các hồ sơ xin việc, ông không đánh giá cao những ứng viên dành toàn bộ thời gian chỉ cho công việc.

"Khi thấy một người nghiện công việc, tôi không muốn thuê người đó. Làm việc 25 tiếng một ngày (nói quá) khiến bạn rất không hiệu quả", Kevin nói.

Workaholic - Kiểu ứng viên bị triệu phú nổi tiếng loại thẳng khi tuyển dụng: Làm việc 25 tiếng/ngày chỉ khiến bạn kém hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Thay vào đó, điều mà ông muốn thấy là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của ứng viên. Đó có thể là theo đuổi sở thích hay đam mê khác ngoài công việc. Đối với Kevin, công việc và cuộc sống giống như "âm – dương", cần đạt được sự cân bằng.

"Điều giúp bạn làm việc tốt hơn là dành thời gian để… không làm việc. Nó có thể giúp bạn nảy ra những ý tưởng tuyệt vời nhất", Kevin cho biết.

Thời gian rảnh rỗi, triệu phú thường nấu ăn, chơi guitar và sưu tầm đồng hồ. "Những hoạt động ngoài công việc giúp tâm trí của bạn thả lỏng, từ đó, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn. Tôi từng đạt được nhiều kết quả tốt với tư cách là doanh nhân và nhà đầu tư trong khi chơi guitar hay đánh bóng những chiếc đồng hồ của mình".

Kevin nói rằng ông tôn trọng sở thích của mọi người. Đó có thể là tập luyện thể dục thể thao hay tham gia vào một vở kịch. Đối với ông, quan trọng nhất là sự cân bằng. "Doanh nhân, giám đốc và nhân viên tuyệt vời nhất là những người đạt được sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi muốn thuê những người như vậy chứ không phải những người chỉ biết cắm mặt vào công việc".

Workaholic - Kiểu ứng viên bị triệu phú nổi tiếng loại thẳng khi tuyển dụng: Làm việc 25 tiếng/ngày chỉ khiến bạn kém hiệu quả hơn - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc làm thêm giờ hầu như chẳng có lợi ích gì. Nó không chỉ gây tổn hại đến công việc mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống tinh thần của người lao động.

Theo các nhà khoa học, sau một thời điểm nhất định trong ngày, làm việc nhiều hơn hay ít hơn sẽ đều cho kết quả là mỗi giờ làm việc kém hiệu quả hơn so với trước đó. Trong khi đó, nếu tập trung làm việc, bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn duy trì được các hoạt động giải trí, rèn luyện.

Quan trọng hơn cả, người cuồng công việc đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch và trầm cảm cao hơn so với người đạt được sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống.  

Đây không phải lần đầu tiên Kevin chia sẻ về cách chọn ứng viên khi tuyển dụng. Năm ngoái, ông cho biết có một điều mà ông coi là "báo động đỏ" khi xem xét đơn xin việc.

"Đó là việc ứng viên nhảy việc khắp nơi trước khi nộp đơn tại công ty của tôi. Tôi và nhiều nhà tuyển dụng khác không thực sự đánh giá cao điều này. Khi tuyển bạn, công ty phải đầu tư khá nhiều trong quá trình đào tạo và cung cấp trang thiết bị để bạn làm việc.

Thậm chí, trong bối cảnh nhiều nơi vẫn phải làm việc tại nhà như hiện nay, một số công ty còn gửi máy móc đến tận nhà để nhân viên có thể làm việc từ xa. Nếu bạn chỉ làm việc ở đó vài tháng rồi nghỉ, đó sẽ là một sự lãng phí hoàn toàn đối với họ", O’Leary cho biết.

Triệu phú nhấn mạnh rằng khi ứng tuyển vào một vị trí mới, bạn nên chuẩn bị tinh thần để làm việc lâu dài tại đó. "Hãy tự đặt ra cam kết với bản thân rằng dù thích công việc này hay không, bạn cũng nên cống hiến ít nhất là 2 năm. Nếu cảm thấy không được, tốt nhất bạn đừng nên làm để tránh lãng phí nguồn lực cho công ty".

Nguồn: CNBC

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM