#Why Vì sao trang phục nữ có cúc bên trái còn của nam lại bên phải?

15/03/2017 19:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Các nhà sản xuất sẽ không muốn thêm tính năng mới, hoặc thay đổi sản phẩm nếu điều này làm tăng giá trị hay lợi ích của công ty cao hơn mức chi phí bỏ ra.

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Trong ngành công nghiệp thời trang, các nhà sản xuất cũng có những tiêu chuẩn nhất định dù họ phải thiết kế nhiều kiểu dáng khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Dẫu vậy, có một tiêu chuẩn khá ngược đời là các hàng cúc trên trang phục nữ thường nằm bên trái, còn của nam lại nằm bên phải, trong khi hầu hết mọi người đều thuận tay phải.

Tại sao lại như vậy?

Hãy quay ngược trở về thế kỷ 17 khi cúc áo được phát minh và hầu hết chỉ được những người giàu mới có điều kiện để sử dụng.

Theo phong tục thời đó, đàn ông tự mặc quần áo còn phụ nữ thì được người hầu giúp. Vì vậy thiết kế nút bên trái của trang phục nữ khiến những người hầu-đa số thuận tay phải- dễ dàng cài cúc hơn.

Ngoài ra, việc để hàng cúc ở bên phải của trang phục nam cũng khiến đàn ông thời đó rút kiếm đeo ở hông trái mà không bị vướng vào áo.

Ngày nay, rất ít phụ nữ cần người hầu giúp đỡ mặc quần áo những mọi người vẫn áp dụng quy chuẩn thiết kế đó, bởi chúng quá khó để thay đổi.

Phụ nữ đã quen với cách cài cúc áo bên trái nên họ sẽ gặp khó khăn với kiểu áo cúc phải. Hơn nữa, một số phụ nữ có thể sẽ cảm thấy e ngại khi mặc áo có cúc bên phài, do lo sợ mọi người nhầm tưởng họ mặc... đồ nam.

Tuy nhiên, nếu nói lịch sử là nguyên nhân duy nhất có lẽ không chính xác. Một lý do nữa khiến trang phục phụ nữ giữ nguyên cúc áo bên trái là do nguyên lý về chi phí và lợi ích của các doanh nghiệp.

Theo đó, các nhà sản xuất sẽ không muốn thêm tính năng mới, hoặc thay đổi sản phẩm nếu điều này chẳng làm tăng giá trị hay lợi ích của công ty cao hơn mức chi phí bỏ ra.

Ví dụ hãng Apple sẽ chẳng buồn làm iPhone 7 to thêm nữa nếu doanh thu của loại sản phẩm mới này không vượt quá hoặc cao hơn không nhiều so với số tiền mà công ty bỏ ra cho thay đổi này.

Điều này cũng đúng với trang phục nút trái của nữ giới. Nếu thay đổi này không làm công ty thu được lợi ích cao hơn chi phí thay đổi mẫu thiết kế, thay đổi trong quá trình sản xuất, chi phí marketing... thì chắc chắn các nhà sản xuất chẳng muốn làm điều đó.

Trong hầu hết các trường hợp, thiết kế của sản phẩm phải đảm bảo cân đối giữa việc tích hợp những tính năng làm khách hàng hài lòng cao nhất, mà vẫn giữ được giá bán cạnh tranh.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM