#Why: Vì sao dù thị trường hàng không Việt Nam chỉ có 3 doanh nghiệp tham gia nhưng vẫn tốt cho người tiêu dùng?

05/04/2017 16:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Nếu hàng không Việt Nam trở thành một thị trường theo kiểu độc quyền nhóm thì rất có thể 3 hãng bay Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air sẽ cạnh tranh quyết liệt không khoan nhượng với nhau, qua đó giúp chúng ta được mua vé dễ hơn và với giá rẻ hơn.

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Câu chuyện cạnh tranh giữa 3 hãng hàng không hàng đầu Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air từ lâu đã là một chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Gần đây, thông tin về việc sẽ có mức giá sàn mua vé máy bay lan rộng đã khiến cuộc cạnh tranh này lại được nhắc đến. Mức giá sàn trên, nếu xuất hiện sẽ gây không ít bất lợi cho các hãng hàng không giá rẻ nội địa như Vietjet Air.

Vì sao các nhà kinh tế cho rằng dù thị trường chỉ có 3 doanh nghiệp nhưng điều này vẫn là lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dung?

"Thị trường độc quyền nhóm" với thế chân vạc Vietnam Airlines - Jetstar - Vietjet Air

Từ cái nhìn kinh tế học, thị trường hàng không Việt Nam lúc này có thể được xem như một "thị trường độc quyền nhóm" (Group Monopoly Market).

Về định nghĩa thì đây là nơi mà hàng hóa sẽ chỉ được cung cấp bởi một số lượng nhỏ các công ty rất lớn. Các công ty nhỏ hơn, hay mới gia nhập thị trường sẽ thường rất khó để làm nên chuyện bởi lẽ rảo cản gia nhập thị trường là quá lớn. Một ví dụ là thị trường bóng tennis ở Mỹ, nơi chỉ có đúng 4 công ty là Wilson, Penn, Dunlopm, Spalding nhưng sản xuất gần như toàn bộ số bóng bán ra trên thị trường.

Quay trở về Việt Nam thì tổng miếng bánh thị phần của cả 3 hãng Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air hiện là gần 100%. Con số này đủ to để bất cứ một hãng bay lạ hoắc nào cũng phải từ bỏ giấc mơ chen chân vào giữa thế chân vạc vững chắc này.

Cùng với đó, nếu quy định giá sàn được chính thức thực hiện thì sẽ không còn bất cứ hãng bay nào được gọi với cái tên ‘giá rẻ’. Từ đó, sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các hãng bay sẽ toàn diện hơn ở khía cạnh sản phẩm chứ không còn chỉ ở giá nữa. Chính đặc điểm này càng làm nổi bật lên tính "độc quyền nhóm" của thị trường hàng không Việt Nam.

Vậy, câu hỏi đặt ra là kết cục của "thị trường độc quyền nhóm" gồm Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air sẽ như thế nào ? Theo các nhà kinh tế học, sẽ có thể xảy ra 2 kịch bản xảy ra.

Có thể 3 hãng bay sẽ liên minh lại và rút cục người mua vé sẽ thiệt thòi rất nhiều ?

Kịch bản đầu tiên với một thị trường "độc quyền nhóm" là các công ty sẽ liên kết với nhau thành một liên minh kinh tế. Kinh tế học gọi một liên minh kiểu này là một các-ten (cartel).

Ở nền kinh tế thật, có rất nhiều thị trường bị chi phối bởi một nhóm các nhà cung cấp, và vì thế, sự xuất hiện của các các-ten không phải là lạ. Một các-ten nổi tiếng trên thế giới là OPEC, nơi quy tụ các nước xuất khẩu một lượng dầu lớn và thống trị toàn bộ giá cả, sản lượng của thị trường dầu thế giới.

Quay về với câu chuyện hàng không thì sẽ có một lựa chọn cho cả 3 hãng bay là cùng liên kết với nhau với nhau để tạo ra một các-ten giống như OPEC. Liên minh này sẽ độc quyền cung cấp dịch vụ bay tại Việt Nam, với bất cứ giá nào mà người mua vé máy bay buộc phải chịu.

Thực ra, lý thuyết là vậy, còn thực tế thì điều này rất khó xảy ra. Bởi lẽ, các các-ten thường có thể bán ra hàng hóa với giá rất cao và ép người mua buộc phải mua (vì họ không thể mua ở đâu khác).

Vì thế, các bộ luật bảo vệ người tiêu dùng thường ra sức ngăn cản việc tồn tại của các các-ten. Thậm chí, ở nhiều sách vở, các các-ten còn được chỉ đích danh là nguyên nhân làm triệt tiêu sự tồn tại của kinh tế thị trường.

Ở Việt Nam, Luật cạnh tranh 2014 có những quy định để ngăn cản các liên minh độc quyền sống sót ví dụ như Điều 9 quy định về Hành vi thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Vì thế, khả năng có một các-ten giữa Vietnam Airlines, Jetstar và Vietjet Air có lẽ sẽ rất khó xảy ra.

Nhưng có thể các hãng sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn và rút cục người mua được hưởng lợi rất nhiều

Một kịch bản dễ xảy ra hơn là cả 3 hãng bay sẽ cạnh tranh quyết liệt với nhau trên thị trường độc quyền nhóm. Theo các nhà kinh tế, sự cạnh tranh này sẽ dẫn đến một điểm cân bằng mà chính người mua vé chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Tại sao lại thế ? Hãy thử xem một ví dụ rằng trong thành phố chỉ có 2 người A, B làm dịch vụ cung cấp nước sạch. Như vậy, thị trường cung cấp nước sạch trong thành phố chính là một thị trường độc quyền nhóm (nhị quyền).


Càng nhiều hàng được sản xuất thì giá càng rẻ là do quy luật của nguồn cung

Càng nhiều hàng được sản xuất thì giá càng rẻ là do quy luật của nguồn cung

Bàng ở trên đây cho thấy những chỉ số của thị trường cung cấp nước sạch này. Hãy xem bây giờ A và B sẽ tính toán thế nào trong cuộc cạnh tranh lẫn nhau.

Nhìn vào bảng có thể thấy tổng doanh thu thị trường sẽ được tối đa hóa tại sản lượng 60 thùng và giá 60 nghìn/thùng (3,6 triệu tổng doanh thu toàn thị trường). Do vậy, cả A và B sẽ quyết định sản xuất và bán tại mức giá này.

Giả sử rằng A dự đoán B sản xuất 30 thùng (một nửa sản lượng thị trường). A sẽ lập luận rằng: “Ta cũng có thể làm 30 thùng. Tổng cộng 60 thùng được bán trên thị trường với giá 60 nghìn/thùng, doanh thu của ta là 1,8 triệu (30 thùng x 60 nghìn)".

Tuy nhiên, A nghĩ thêm: "Nhưng ta có thể làm đến 40 thùng. Khi đó sẽ có tổng cộng 70 thùng nước được bán với giá 50 nghìn/thùng. Doanh thu của ta sẽ là 2 triệu (40 thùng x 50 nghìn), cao hơn trước. Vậy cứ làm 40 thùng đi".

Tất nhiên B cũng đủ thông minh để nghĩ tương tự. Từ đó, cả A và B cùng cung ứng 40 thùng nước cho thành phố. Tổng lượng bán ra sẽ là 80 thùng, giá giảm xuống còn 40 nghìn/thùng và mỗi người thu doanh thu 1,6 triệu (80 thùng x 40 nghìn)

Đến lúc này, cả A, B sẽ dừng lại mà không cạnh tranh nữa bởi cả 2 cùng nghĩ: "Doanh thu đang 1,6 triệu. Nếu mình tăng lên 50 thùng thì cả thị trường có tổng cộng 90 thùng được bán với giá 30 nghìn/thùng. Như vậy, doanh thu của ta chỉ là 1,5 triệu (50 thùng x 30 nghìn), ít hơn trước. Thế thôi, dừng không sản xuất nữa".

Kết cục của cuộc cạnh trạnh độc quyền giữa A và B là cả 2 sẽ dừng ở mức mỗi người sản xuất 40 thùng với giá 40 nghìn/thùng. So với lúc trước là mỗi người sản xuất 30 thùng và giá thị trường là 60 nghìn/thùng thì đúng là người dân trong thành phố đã được mua nhiều nước sạch hơn với giá rẻ hơn.

Kinh tế học gọi điểm cân bằng trên thị trường này là cân bằng Nash (Nash equilibrium).

Tương tự về 3 hãng bay tại Việt Nam mà chúng ta đang nói đến thì rất có thể, sự cạnh tranh khốc liệt không khoan nhượng sẽ giúp người mua chúng ta được mua vé dễ dàng hơn (nhiều vé hơn) và với mức giá rẻ hơn.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM