#Why: Tại sao mùng 8/3 này bạn nên tặng gấu son môi, mỹ phẩm, váy áo... thay vì nói 'thẻ đây, em cầm mà shopping nhé'?

06/03/2017 15:33 PM | Kinh tế vĩ mô

Một "chiến thuật tặng quà" được đưa ra trong kinh tế học sẽ giúp bạn biết bạn cần tặng quà ra sao trong ngày 8/3 này. Đồng thời, một chiến thuật nhân sự mà các công ty có thể áp dụng cũng thế thấy từ chiến thuật này.

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...

CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.


Đây là những nghịch lý của ngày 8/3:

Mùng 8/3, các anh con trai không hề tặng mẹ, vợ hay bạn gái của mình những món quà mà bản thân các anh vốn rất thích như một đôi giày thể thao mới, một chiếc đồng hồ mới, mà thay vào đó là tặng son môi, mỹ phầm hay một chiếc váy mới.

Hơn nữa, các anh con trai cũng có vẻ "mù quáng" khi sẵn sàng bỏ ra một số tiền bằng cả tháng lương của mình để mua quà 8/3, khi mà bình thường, để mua những món đồ mới cho mình, các anh chẳng bao giờ tiêu quá 1/10 số tiền đó.

Trớ trêu thay, với số tiền đó, các chị phụ nữ cũng có lẽ cũng sẽ chẳng bao giờ dám tiêu để mua một món đó cho mình, đơn giản vì họ "xót tiền". Nhưng khi được người khác bỏ tiền mua cho mình món đồ, họ lại tỏ ra rất vui.

Một chiến thuật cho các anh mua quà cho các cô ngày 8/3

Đó chính là những điều thú vị trong hành vi tặng quà và nhận quà con người.

Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao khi các thành viên trong gia đình hay bạn bè tặng quà cho nhau, bạn sẽ tặng cho anh mình chiếc cà vạt mà anh ấy có thể chẳng bao giờ đeo trong khi bạn chắc rằng anh ấy sẽ tiêu món tiền tương đương giá trị chiếc cà vạt vào món đồ anh ấy thực sự thích ?

Có người sẽ trả lời rằng tặng tiền thì quà đơn giản và không tình cảm bằng việc bỏ thời gian và công sức đi mua quà. Cách lý giải này có thể phù hợp với những món quà nhỏ, tuy nhiên bạn sẽ nói gì khi giờ đây các công ty cũng dùng một chiến thuật tương tự để khuyến khích nhân viên của mình: tặng hiện vật thay vì tăng lương cho nhân viên.

Trong kinh tế, có một "chiến thuật tặng quà” mà nhà kinh tế học Richard Thaler đã đưa ra, mà đảm bảo người được tặng sẽ rất vui khi thấy món quà của bạn: những món quà tuyệt vời nhất thường là những thứ chúng ta không muốn mua cho chính mình.

Đúng là như vậy, hãy để ý một người đàn ông sẽ vui thích như thế nào khi vợ tặng ông ta bộ gậy đánh gofl bằng titan trị giá 1.000 bảng mà không đụng đến tài khoản chung của hai người.

Thực ra, ông ta thực sự thích bộ gậy đó nhưng không muốn chi tiêu quá nhiều. Khi để người khác quyết định thay, ông ta có thể dùng gậy mới mà không áy này gì. Vì thế, chuyện ông vui là chuyện dễ hiểu.

Như vậy, lối suy nghĩ về việc tặng quà này có thể giúp đưa ra lời khuyên khá hợp lý khi các anh chàng đang tìm mua món quà cho bạn gái của mình ngày 8/3.

Đến một chiến thuật nhân sự của các công ty: Tặng quà hơn là tặng tiền

Khi một công ty không thể tuyển dụng và giữ chân những nhân viên giỏi, giải pháp tức thì xét từ góc độ kinh tế là: tăng lương.

Tuy nhiên, giờ đây một số công ty áp dụng chính sách khác. Ví dụ, Arcnet – một công ty viễn thông mạng không dây tại New Jersey mong muốn giảm bớt chi phí tuyển dụng và đào tạo bằng cách trao cho mọi nhân viên có hợp đồng ít nhất một năm một chiếc BMW miễn phí. Nhiều công ty khác cũng thành công với những ưu đãi tương tự.

Tất nhiên, chiếc xe không thật sự được tặng miễn phí. Mỗi chiếc tốn khoảng 9.000 USD mỗi năm cho phí thuê xe và bảo hiểm. Nhân viên nhận xe phải thông báo số tiền đó với cơ quan thuế như là một khoản thu nhập tăng thêm. Ở đây chúng ta vấp phải một vấn đề nan giải: nếu công ty không giao xe hơi mà tăng lương thêm 9.000 USD một năm thì chẳng ai bị thiệt cả, thâm chí một số người còn được lợi hơn.

Dù sao đi nữa, nhân viên nào thật sự muốn dùng xe BMW đều có thể trả thêm tiền để thuê một chiếc. Tuy BMW là một hiệu xe tốt, nhưng những nhân viên không thích xe vẫn sẽ được lợi vì có 9.000 USD để tiêu cho mục đích khác. Vậy thì vì sao công ty lại cấp xe thay vì cho tiền ?

Cách lập luận tương tự như chuyện tặng quà bàn gái có thể áp dụng để lý giải vì sao Arcnet và các công ty khác đều đua nhau tặng xe BMW trong trường hợp này.

Người được công ty tặng, hẳn là thường ngày vẫn phải bối rối khi kể với cha mẹ vốn thường chi tiêu khá dè sẻn rằng bạn đã mua một chiếc xe hơi có giá gấp đôi chiếc Toyota Camry. Hoặc bạn có thể lo lắng hàng xóm láng giềng nghĩ bạn chơi nổi. Hoặc bạn luôn muốn có một chiếc BMW nhưng vợ/chồng bạn cứ muốn dành tiền sửa sang căn bếp trước đã.

Một chiếc xe BMW do công ty tặng sẽ xóa tan những lo lắng kiểu như vậy. Anh ta muốn mua BMW, nay công ty thưởng tài sản đo mà không ảnh hưởng đến lương của anh, hẳn người nhân viên ấy sẽ vui hơn nhiều khi so sánh với việc công ty lại thưởng anh một cục tiền như cách truyền thống.

Ngày nay, hình thức tưởng thưởng bằng hiện vật đã ngày càng phổ biến đối với những chủ doanh nghiệp có những nhân sự lành nghề. Đó là những công ty thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, họ đang cố gắng tuyển dụng và giữ chân những nhân viên có hứng thứ với những phần thưởng sang trọng.

Hiệu ứng Diderot: Vì sao chúng ta luôn tốn tiền vào những thứ không thực sự cần?

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM