WHO cảnh báo: Việt Nam có gần 1 triệu ca nhiễm virus viêm gan C, cần chủ động phòng ngừa ngay các con đường dễ lây nhiễm

29/09/2019 08:45 AM | Xã hội

Trong số 1 triệu ca nhiễm bệnh thì chỉ có hơn 80.000 người được chẩn đoán và chỉ có 35.000 người có khả năng điều trị bởi chi phí điều trị viêm gan C rất cao.

Viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng gan có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng. Bệnh do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra, virus này có thể gây ra cả viêm gan cấp tính và mãn tính, nặng hơn có thể gây xơ gan và thậm chí viêm gan C là nguyên nhân chính gây ung thư gan.

Viêm gan C là loại viêm gan được đánh giá rất nguy hiểm, bởi hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên toàn cầu, ước tính 71 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mãn tính. Và một số lượng đáng kể những người bị nhiễm mạn tính sẽ bị xơ gan hoặc ung thư gan. WHO ước tính trong năm 2016, có khoảng 399.000 người chết vì viêm gan C, chủ yếu là do xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).

 WHO cảnh báo: Việt Nam có gần 1 triệu ca nhiễm virus viêm gan C, cần chủ động phòng ngừa ngay các con đường dễ lây nhiễm  - Ảnh 1.

Theo thống kê của WHO, vào năm 2017, Việt Nam có gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C, trong đó có hơn 80.000 người được chẩn đoán và chỉ có gần 35.000 người có điều kiện điều trị bởi chi phí điều trị cho người bệnh chưa chuyển sang giai đoạn xơ hoặc ung thư gan, dao động khoảng 30 - 70 triệu đồng.

Con đường lây nhiễm của viêm gan C

Viêm gan C lây lan khi máu nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào máu của bạn thông qua tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Bạn có thể tiếp xúc với virus viêm gan C từ các trường hợp sau:

- Lây qua đường máu: dùng chung kim tiêm, vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo, đồ cắt móng tay...

- Quan hệ tình dục không an toàn.

- Từ mẹ sang con.

 WHO cảnh báo: Việt Nam có gần 1 triệu ca nhiễm virus viêm gan C, cần chủ động phòng ngừa ngay các con đường dễ lây nhiễm  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, những trường hợp sau lại không gây lây viêm gan C:

- Cho con bú (trừ khi núm vú bị nứt và chảy máu).

- Giao tiếp hàng ngày: trò chuyện, ôm, bắt tay...

- Ho, chảy nước mũi.

- Muỗi đốt.

- Ăn uống chung.

Các triệu chứng của viêm gan C

Nhiều người bị viêm gan C mà không có triệu chứng. Nhưng trong khoảng từ 2 tuần đến 6 tháng sau khi virus xâm nhập vào máu của bạn, bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu như: phân màu xám, nước tiểu sậm màu, sốt, mệt mỏi, vàng da và tròng trắng mắt, đau khớp, ăn không ngon, buồn nôn, đau bụng, nôn.

 WHO cảnh báo: Việt Nam có gần 1 triệu ca nhiễm virus viêm gan C, cần chủ động phòng ngừa ngay các con đường dễ lây nhiễm  - Ảnh 3.

Chủ động phòng ngừa viêm gan C hiệu quả

Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa viêm gan C, do đó, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm viêm gan C chủ yếu phụ thuộc vào việc tự bảo vệ bản thân là chính. Sau đây là những lưu ý giúp phòng ngừa viêm gan C đúng cách:

- Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như đồ cắt móng, dao cạo, dụng cụ ngoáy tay, bàn chải đánh răng... Chú ý dùng dụng cụ mới hoặc đã tiệt trùng đúng cách đối với các trường hợp có tiếp xúc máu như tiêm ngừa, xăm hình, xăm chân mày, xăm môi, xỏ khuyên tai...

- Quan hệ tình dục an toàn đối với người không rõ về tình trạng sức khỏe.

- Hạn chế tối đa các chất có thể gây hại gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích...

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và có hướng can thiệp kịp thời.

Source (Nguồn): WHO, Webmd

Theo Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM