WeWork sẽ không phải hoãn IPO còn Adam Neumann không bị đá khỏi ghế CEO nếu Masayoshi Son không định giá startup này quá 'nhiều' và quá ‘liều’?

27/09/2019 07:30 AM | Kinh doanh

Cựu chủ tịch SoftBank đã tìm hiểu khá kỹ càng về WeWork và khuyên Son không nên đầu tư vào startup này năm 2016. Tuy nhiên, vị tỷ phú lại tỏ ra thích thú với động cơ của Neumann và nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của WeWork.

Toàn bộ sự xuống dốc của WeWork, từ hoãn IPO cho đến việc loại bỏ Adam Neumann khỏi vị trí CEO đã có thể tránh được nếu SoftBank chỉ đơn giản coi đây là một doanh nghiệp bất động sản chứ không phải là một startup công nghệ tăng trưởng cao.

Phải chăng cả CEO của SoftBank, tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son và cộng sự của ông đã định giá WeWork không chính xác ở mức 47 tỷ USD – con số mà nhiều nhà đầu tư cho là quá cao so với thực tế.

Theo một số nguồn thạo tin, câu trả lời là sự kết hợp giữa sự lạc quan quá mức của Son, chủ tịch SoftBank - Ron Fisher và giám đốc quỹ Vision - Rajeev Misra. Bên cạnh đó, các quan điểm bất đồng với Son cũng bị loại bỏ.

SoftBank đã rót tiền vào WeWork nhiều lần, bao gồm khoản đầu tư 4,4 tỷ USD năm 2017 khi startup này được định giá 20 tỷ USD. Reuters đưa tin cách đây 2 tuần rằng giá trị thị trường của công ty đã có lúc giảm xuống còn 10 tỷ USD.

Kế hoạch IPO của WeWork là ví dụ mới nhất về thực tế tài chính không đồng nhất với tầm nhìn 300 năm của Masayoshi Son và mục tiêu đầu tư dài hạn của quỹ Vision 100 tỷ USD của ông.

Một số người trong cuộc cho biết từng có thời điểm sự lạc quan quá mức của Son về WeWork đã bị nhiều người phản đối như cựu chủ tịch SoftBank - Nikesh Arora và giám đốc Alok Sama. Năm 2016, Arora quyết định rời SoftBank sau khi Son nói rằng ông không có kế hoạch thôi giữ chức CEO SoftBank trong từ 5 đến 10 năm nữa.

Sama cũng rời đi vào đầu năm nay sau khi không được làm việc tại quỹ Vision, kết quả của một chiến dịch bí ẩn tìm cách hất cẳng cả ông và Arora, theo Wall Street Journal đưa tin.

Dù quỹ Vision có nhiều chủ ngân hàng và nhà đầu tư kỳ cựu như Deep Nishar, Jeff Housenbold và Michael Ronen trong những năm gần đây nhưng ý kiến của Son mới là thứ có trọng lượng nhất.

Được biết, Arora và Sama đã tìm hiểu khá kỹ càng về WeWork và khuyên Son không nên đầu tư vào startup này năm 2016 với mức định giá 8 tỷ USD. Tuy nhiên, Fisher và Son lại tỏ ra thích thú với động cơ của Neumann và nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng của WeWork. Họ tin rằng công ty sẽ trở thành một khoản đầu tư tốt của quỹ Vision.

WeWork đã nhắc đến Trung Quốc 173 lần trong bản cáo bạch IPO của mình, hầu hết trong số đó liên quan đến liên doanh ChinaCo của họ. Trong khi hầu hết các công ty công nghệ Mỹ đều thất bại trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc thì WeWork lại có tới 115 tòa nhà tại 12 thành phố ở quốc gia này, khoảng 15% tổng số văn phòng của công ty này trên thế giới.

Triển vọng tăng trưởng đã khiến SoftBank "mạnh tay" định giá WeWork. Đối thủ cạnh tranh của họ là IWG có vốn hóa thị trường khoảng 3,6 tỷ USD trên doanh thu 12 tháng là 2,7 tỷ USD trong khi doanh thu tương đương của WeWork chỉ ở mức 2,6 tỷ USD.

Theo Business Insider, sau này, năm 2018, Mirsa cũng đồng ý với Fisher và Son rằng WeWork sẽ trở thành "công ty trị giá 100 tỷ USD trong vòng vài năm tới".

Từ năm 2016 đến 2018, doanh thu của WeWork đã tăng hơn gấp 4 lần lên 1,82 tỷ USD. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, con số này là 1,53 tỷ USD. Mặc dù vậy, khoản lỗ cũng tăng lên đáng kể. Tính đến 31/12/2016, WeWork đã mất 429 triệu USD trên 436 triệu USD doanh thu. Năm 2017, khoản lỗ tăng lên 890 triệu USD trên doanh thu 886 triệu USD. Và năm ngoái, con số này đã tăng lên 1,6 tỷ USD trên doanh thu 1,8 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty lỗ thêm 690 triệu USD trên doanh thu 1,5 tỷ USD.

Các nhà đầu tư khác ngoài Son bắt đầu lo ngại về tình hình hoạt động của WeWork. Quỹ đầu tư công cộng Ả Rập bày tỏ sự không hài lòng về việc rót quá nhiều tiền của quỹ Vision cho WeWork. Điều này khiến Son rút lại khoản đầu tư trị giá 16 tỷ USD được đề xuất năm nay và thay vào đó là khoản tiền trị giá 2 tỷ USD.

Ngoài quỹ Vision đầu tiên, SoftBank cũng đang cố gắng huy động thêm hàng tỷ USD cho quỹ Vision thứ 2. Chính vì thế, việc "hào phóng" định giá WeWork ở mức 47 tỷ USD sẽ giúp họ thực hiện mục đích trên dễ dàng hơn.

Son tuyên bố các đối tác của quỹ Vision đã kiếm được 45% tiền lãi từ quỹ Vision 1 vào đầu năm nay. Thế nhưng, trên thực tế, quỹ Vision hiện đang vật lộn với 2 khoản đầu tư lớn nhất của mình là Uber và WeWork.

Những người thân cận với Son nói rằng niềm tin của ông vào WeWork không phải dựa trên định hướng sai lầm và nó khiến vị tỷ phú tin rằng công ty này sẽ trở thành một thành công về tài chính lớn theo thời gian. CNBC cùng một số tờ báo khác cũng xác nhận J.P Morgan, Goldman Sachs và Morgan Stanley đều từng nói với Son và Neumann rằng họ có thể tìm được người đồng ý mua WeWork trong khoảng từ 60 tỷ USD đến 100 tỷ USD.

Một giảng viên tài chính tại Đại học New York cho biết ông định giá WeWork ở mức 14 tỷ USD sau khi tính đến các khoản nợ và nguy cơ suy thoái kinh tế. Ông lưu ý rằng IWG có tỷ suất hoạt động gần đây khoảng 11% và nếu lợi nhuận biên của WeWork đạt con số tương tự trong những năm tới thì vẫn ít có khả năng startup này được định giá gần 40 tỷ USD.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM