Wall Street Journal: Mỹ "bật đèn xanh" cho Samsung và TSMC tiếp tục mở rộng nhà máy ở Trung Quốc

13/06/2023 10:47 AM | Kinh doanh

Việc Trung Quốc đang là khách hàng lớn cũng như đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng bán dẫn khiến nhiều tập đoàn công nghệ khó lòng từ bỏ.

Wall Street Journal: Mỹ "bật đèn xanh" cho Samsung và TSMC tiếp tục mở rộng nhà máy ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Mỹ đang lên kế hoạch cho phép những nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc và những thị trường khác tiếp tục hoạt động cũng như mở rộng nhà máy ở Trung Quốc mà không chịu bất cứ chế tài nào.

Dẫn nguồn tin từ Thứ trưởng thương mại Mỹ Alan Estevez, tờ WSJ cho biết động thái này của chính quyền Washington được cho là sẽ làm suy yếu các biện pháp siết chặt xuất khẩu công nghệ của Mỹ với Trung Quốc trong cuộc chạy đua hiện nay.

Hiện phía Mỹ đang lên kế hoạch mở rộng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ, bao gồm việc cấm bán chip tiên tiến hoặc các thiết bị sản xuất chip cho phía Trung Quốc. Vào tháng 10/2022, dù đã ban hành lệnh cấm đầu tiên trong mảng bán dẫn nhưng Mỹ vẫn để 1 năm ngoại trừ cho một số tập đoàn công nghệ như Samsung hay TSMC, vốn đã đầu tư hàng tỷ USD xây nhà máy tại Trung Quốc.

Wall Street Journal: Mỹ "bật đèn xanh" cho Samsung và TSMC tiếp tục mở rộng nhà máy ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Những trường hợp ngoại lệ này sẽ hết hạn vào tháng 10 năm nay nhưng trong cuộc họp của Liên đoàn công nghiệp bán dẫn Mỹ, các doanh nghiệp nhận định chính quyền Washington nhiều khả năng sẽ nới rộng thời hạn tùy vào tình hình thực tế.

Tờ WSJ nhận định các doanh nghiệp công nghệ hiện đang theo dõi rất sát sao quyết định của Mỹ với các tập đoàn sản xuất chip vốn đã đầu tư quá lớn vào Trung Quốc và khó có thể dịch chuyển trong tương lai gần. Những bước đi mới của chính quyền Washington sẽ tạo nên tín hiệu rằng các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ sẽ ngày càng chặt chẽ hơn hay sẽ giảm bớt, qua đó định hình các kế hoạch phát triển của tập đoàn trong tương lai.

Trả lời WSJ, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết tình hình hiện nay khá phức tạp bởi Mỹ không thực hiện lệnh giới hạn này một mình mà còn thuyết phục nhiều đồng minh tham gia, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hà Lan.

Trớ trêu hơn, hàng loạt hãng công nghệ Mỹ cũng như những nước đồng minh khác đều không thực sự đồng tình với động thái giới hạn này của chính quyền Washington khi Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn, khách hàng lớn cũng như đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Ngay cả chính phủ Châu Âu và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á cũng không thực sự mặn mà với lệnh cấm do Mỹ phát động.

Trong đó, tờ WSJ nhận định Hàn Quốc là nước phân vân nhiều nhất khi Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế này. Chính quyền Seoul cũng khá thận trọng trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để không làm mất lòng cả 2 bên.

Theo WSJ, khả năng Mỹ tiếp tục nới lỏng cho Samsung và TSMC hoạt động tại Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ nhiều chính trị gia.

Vào cuối tháng 5/2023, nghị sĩ Marco Rubia của bang Florida đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng thương mại Gina Raimondo nhằm hối thúc Mỹ siết chặt các lệnh kiểm soát hơn nữa.

“Bạn không thể kiểm soát công nghệ khi 2 tập đoàn lớn trong ngành lại có thể tự tung tự tác được”, chuyên gia Derek Scissors của Viện AEI nhận định.

Về phía Samsung, hãng cho biết đã hạn chế một số hoạt động tại Trung Quốc. Người phát ngôn của hãng nói rằng công ty hiện chỉ còn sản xuất những dòng chip nhớ không phải tiên tiến nhất tại Trung Quốc.

Wall Street Journal: Mỹ "bật đèn xanh" cho Samsung và TSMC tiếp tục mở rộng nhà máy ở Trung Quốc - Ảnh 3.

Theo WSJ, Mỹ cũng đang gây áp lực lên các doanh nghiệp công nghệ khác ở Châu Á với chương trình hỗ trợ sản xuất Chip trị giá 53 tỷ USD của mình nhằm thu hút các nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc đến Mỹ.

Trớ trêu thay, Hàn Quốc và một số tập đoàn lớn đang đề nghị chính quyền Washington xem xét lại động thái này. Trong khi đó một số chuyên gia nhận định nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có thể sẽ từ bỏ chương trình hỗ trợ của Mỹ để tiếp tục với thị trường Trung Quốc béo bở hơn. Nếu điều này thành sự thực thì đây sẽ là cú sốc lớn cho cuộc chạy đua công nghệ Mỹ-Trung.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM