Vượt xa Mỹ, hơn 1/5 số người trẻ Việt Nam nuôi khát vọng làm chủ

12/09/2018 08:23 AM | Xã hội

Tại Việt Nam, tinh thần tự doanh cho thấy 19% số người làm việc cho chính mình và 22% số người có ý định này trong tương lai.

Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Tương lai Việc làm và Thanh thiếu niên ASEAN, Việt Nam và các nước Đông Nam Á bỏ xa Mỹ về tinh thần tự doanh. Ở Đông Nam Á, cứ 4 người thì có 1 người muốn thành lập doanh nghiệp hay làm chủ các hoạt động làm ăn của bản thân. Nó trái ngược hoàn toàn so với ở Mỹ, nơi tinh thần tự doanh rất thấp.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đang tồn tại ở Đông Nam Á chính là số lượng người muốn làm chủ quá nhiều. Đa phần những người được hỏi đều không có nhu cầu làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thanh niên muốn thành ông chủ không muốn làm việc cho các công ty khởi nghiệp hay doanh nghiệp quy mô bé. Nó gây ra tình trạng thiếu hụt lao động có chất lượng, kéo tụt khả năng phát triển của doanh nghiệp.

Câu trả lời cho vấn đề này là Công nghệ số, giúp nâng cao hiệu suất làm việc nhằm bù đắp lại những thiếu hụt về nhân sự.

Trong khi đó, giới trẻ Đông Nam Á cũng rất lạc quan về tác động của công nghệ đối với tương lai việc làm. Khoảng 52% số người dưới 35 tuổi được hỏi cho biết họ tin công nghệ sẽ làm tăng số lượng việc làm trong khi 67% cho biết nó sẽ tăng khả năng kiếm được thu nhập cao.

Cuộc khảo sát trên quy mô 64.000 người thông qua các tài khoản Garena và Shopee được WEF thực hiện với sự cộng tác của công ty Internet Sea, đơn vị chủ quản của hai nền tảng trên. Phần lớn người trả lời là công dân Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.

Kết quả thống kê cũng có sự khác biệt ở những quốc gia khác nhau, trong đó có những nước lạc quan nhưng lại có những nước tỏ ra bi quan trước CMCN 4.0. Thanh niên Philippines là những người lạc quan nhất. Về số lượng việc làm, hơn 60% số người trẻ tin rằng CMCN 4.0 sẽ mang đến cho họ thêm việc làm. Trong khi đó, Singapore là quốc gia bi quan nhất với hơn 30% số người tin rằng CMCN có thể tạo ra việc làm mới.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Thanh thiếu niên và tác động của công nghệ với việc làm ở Đông Nam Á, tồn tại những sự khác biệt rất lớn giữa những đối tượng được khảo sát.

Thứ nhất là theo độ tuổi. Người càng trẻ lại càng tỏ ra lạc quan về tương lai. Những người trên 30 tuổi lại tỏ ra bi quan hơn. Điều nay cho thấy những người được sinh ra trong kỷ nguyên số coi công nghệ là cơ hội. Trong khi đó người già thấy mình cần phải thích nghi với cái mới và cảm thấy bị tụt hậu.

Thứ hai là những khác biệt về trình độ văn hóa, đào tạo. Người càng học cao lại càng tỏ ra bi quan. Điều này khá bất ngờ. Tuy nhiên, lực lượng lao động được đào tạo càng cao lại càng có nhiều thông tin về ảnh hưởng của công nghệ với việc làm, giúp họ hiểu rõ hơn về mặt tiêu cực của nó tới việc làm.

Ngoài ra, người được đào tạo cao thường dành nhiều năm để phát triển kỹ năng làm việc trong nhà máy, ngân hàng, siêu thị... khiến họ quen với sự ổn định trong thời gian dài. Trong khi đó, những người làm việc tự do phần lớn là làm việc cho mình, giúp họ có khả năng thích ứng tốt hơn.

Một ví dụ có thể cho thấy rõ ràng xu thế này. Với những người làm việc trong siêu thị hay các chuỗi bán lẻ, Thương mại điện tử bùng nổ có thể làm họ mất đi việc làm. Tuy nhiên, với nhiều người, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, đây sẽ là cơ hội. Bạn có thể bán hàng xuyên quốc gia từ phòng ngủ nhà mình. Thương mại điện tử giúp người bán hàng qua mạng có doanh số cao gấp nhiều lần dù chẳng cần gặp khách hàng.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM