Vướng tranh chấp với nhà thầu Coteccons, chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang tuyên bố "phá sản" kế hoạch nâng thêm 4 tầng

08/12/2017 08:53 AM | Bất động sản

Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc tranh cãi đúng - sai trong việc chấp dứt hợp đồng giữa chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang và công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) vẫn đang rất gay gắt, khi mỗi bên đều liên tục tung ra những luận điệu cho rằng phần đúng đều thuộc về mình. Thậm chí, tại cuộc gặp mặt báo chí mới đây do hai đơn vị này tổ chức, những lời công kích mạnh mẽ nhất vào nhau cũng được sử dụng một cách triệt để.

Việc nâng thêm 4 tầng mới là... ý định!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) được chọn làm nhà thầu chính thiết kế và thi công dự án Panorama Nha Trang, do Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (VNT) là chủ đầu tư.

Khoảng đầu tháng 10/2017, hai bên xảy ra mâu thuẫn và đỉnh điểm khi Coteccons bất ngờ gửi công văn (số 2990/2017/CV-TGĐ) tới Công ty VNT, Cục Giám định (Bộ Xây dựng); Sở Công an; Sở Xây dựng Khánh Hòa "tố" chủ đầu tư vi phạm các quy định hợp đồng như: Đơn phương thay đổi phạm vi công việc của nhà thầu, giao hạng mục hoàn thiện và cơ điện cho nhà thầu khác với lý do "chào giá rẻ hơn" mà không thỏa thuận với Coteccons.

Đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất làm "bùng nổ" cuộc tranh chấp chưa có hồi kết này chính là việc CTD cho rằng chủ đầu tư đã có những văn bản đề xuất thay đổi thiết kế dự án, cụ thể là nâng thêm 4 tầng trong khi Giấy phép xây dựng được cấp chỉ là 39 tầng.

Xung quanh vấn đề này, chiều ngày 7/12 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), công ty VNT đã tổ chức một cuộc gặp mặt nhiều cơ quan báo đài trong và ngoài địa bàn nhằm thông tin một cách chính thống về những nhùng nhằng đang diễn ra giữa 2 bên.

Tại đây, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề có hay không việc chủ đầu tư, mà cụ thể là Tư vấn Artelia đã thay mặt mình gửi nhiều văn bản về việc đề xuất nhà thầu thay đổi thiết kế, nâng tầng dự án, chủ đầu tư muốn thay đổi chủng loại vật liệu xây dựng; nếu kế hoạch xây thêm tầng thành hiện thực thì việc xin phép, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế có làm dự án chậm tiến độ hay không...?

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch VNT cho biết từ khi bắt tay "vạch" ra dự án, công ty không hề nghĩ gì đến việc thay đổi thiết kế, nhưng trong quá trình xây dựng, một quản lý đã "rỉ tai" ban lãnh đạo cho rằng xu thế phát triển mô hình condotel (căn hộ khách sạn) hiện nay cần có không gian dành cho nhà hàng, phòng khách sạn... Từ đó, công ty VNT mới có ý tưởng phác thảo thêm một số tầng để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi trả lời một số câu hỏi của phóng viên, chính đại diện Tư vấn Artelia cũng khẳng định rằng chưa hề có bất kỳ một văn bản nào thể hiện quyết định của chủ đầu tư trong việc triển khai nâng thêm 4 tầng tại dự án. Khi các phóng viên trưng ra một số văn bản và bản phác thảo thiết kế cho thấy đơn vị tư vấn đã nhiều lần gửi đến công ty CTD các văn bản đều có nội dung đề xuất kế hoạch xây thêm 4 tầng, trong đó chủ đầu tư đang tiến hành thử tải, sức chịu lực của công trình... thì đơn vị tư vấn cho rằng đó mới chỉ là ý định!

Theo lý giải của nhà thầu tư vấn, để thực hiện được kế hoạch nâng tầng thì buộc phải có sự hợp tác của tổng thầu CTD, từ đó mới tiến hành các bước nghiên cứu, báo cáo thay đổi thiết kế, lập hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngay lập tức công ty CTD đã từ chối những đề xuất này và dẫn đến việc hai bên chấm dứt hợp đồng, làm bùng nổ các cuộc tranh chấp liên quan.

Phía CTD lại cho rằng, là đơn vị thiết kế và thi công của dự án nên hiểu rõ yêu cầu này là không khả thi và gây rủi ro cao cho an toàn của dự án, đặc biệt yêu cầu này vi phạm giấy phép xây dựng, quy hoạch chung được phê duyệt bởi cơ quan quản lý Nhà nước.

Khi được hỏi về việc vì sao chủ đầu tư cũng đã yêu cầu nhà thầu CTD thay đổi vật liệu xây dựng từ gạch đỏ sang tấm nhựa nhẹ từ tầng 15 trở lên, bởi đây cũng là dấu hiệu cho thấy việc nâng tầng có khả năng xảy ra, ông Đức cho rằng do thời gian gần đây TP. Nha Trang thường xuyên gặp mưa bão, thời tiết diễn ra thất thường nên nhà đầu tư muốn chuyển đổi sang loại vật liệu nhẹ để đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình.

Về vấn đề một khi cuộc tranh chấp với nhà thầu CTD đã nổ ra do họ từ chối đề xuất của chủ đầu tư, thì kế hoạch nâng thêm tầng sẽ tiếp tục được nghiên cứu triển khai hay không, ông Đức cho biết thêm thời điểm này doanh nghiệp chỉ muốn đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án đúng thời gian cam kết, chấm dứt mọi ý định, ý tưởng hay kế hoạch xây thêm tầng bởi quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.

Trao đổi với chúng tôi sáng 7/12, ông Lê Chí Nguyện - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết cơ quan chức năng trên địa bàn đã nắm bắt được tình hình cuộc tranh chấp này, ngay cả Sở Xây dựng cũng đã triệu tập một cuộc họp có mặt đại diện của chủ đầu tư và nhà thầu nhưng chưa đâu vào đâu. "Sở xây dựng đến thời điểm này chưa hề nhận được bất kỳ một văn bản nào về việc chủ đầu tư xin thay đổi thiết kế, nâng thêm 4 tầng dự án. Tư vấn dù có muốn đề xuất gì đi nữa thì cũng phải làm việc với chủ đầu tư để họ chính thức gửi văn bản chứ Tư vấn không đủ chức năng để xin thay đổi thiết kế", ông Nguyện nói thêm.

Số tiền 120 tỷ đồng: Ai nợ ai?

Coteccons mới đây đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa “kêu cứu” về những tranh chấp xảy ra, khi công nhân nhà thầu này đã bị "trục xuất" khỏi công trường, trong khi máy móc thiết bị có trị giá 70 tỷ đồng vẫn còn ở công trường. Trong đó, theo CTD, giá trị công việc mà nhà thầu đã hoàn thành hiện đến thời điểm hiện tại lên đến 120 tỷ đồng bao gồm tiền lương công nhân, vật tư thiết bị của hàng chục nhà cung cấp, nhà thầu phụ...vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán.

Đáp lại, ông Đức đã dẫn một loạt báo cáo, số liệu để chứng minh đã trả các khoản tiền theo tiến độ thi công "đúng hạn" cho Coteccons và khoản 120 tỷ đồng đó là tổng các khoản tiền phải trả cho việc thiết kế, thi công cho cả dự án và nhiều khoản trong số đó chưa đến hạn trả do chưa triển khai, nghiệm thu công việc. "Nếu không muốn dùng từ vu khống chĩa thẳng vào công ty VNT thì chính nhà thầu đang còn nợ chúng tôi hàng chục tỷ đồng", ông Đức phát biểu một cách mạnh mẻ.

"Tôi không biết họ lấy ở đâu ra con số 120 tỷ đồng này, nhưng tôi biết rằng họ đã kê vào một khoảng cực kỳ vô lý: chi phí các trang thiết bị phục vụ thi công đến cuối công trình và khối lượng đã được chốt bởi các bên. Nhưng, lúc này họ đã bỏ dở công trình, chưa được ai chốt lại các khoảng chi phí này cả. Những phần nào họ trình thanh toán thì chúng tôi đã thanh toán rồi, các phần thi công dở dang thì chả có cơ sở gì để thanh toán. Tôi khẳng định lại rằng 120 tỷ đồng này chẳng có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cả", ông Đức nói thêm.

Còn theo các luật sư của công ty VNT, căn cứ vào quy trình thanh toán giữa các bên thì sau khi hoàn thành các hạng mục thi công, nhà thầu phải gửi yêu cầu thanh toán đến chủ đầu tư. Từ đó, các bên liên quan cùng ký xác nhận khối lượng thi công của nhà thầu thì mới có cơ sở để chủ đầu tư thanh toán. Trong 120 tỷ này có 3 khoản cần phải thanh toán cho nhà thầu đến nay vẫn chưa được xác nhận, trong đó chủ đầu tư giữ lại 5% cho đến khi hoàn thiện toàn bộ công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công trình chưa hoàn thiện thì không có cơ sở nào để biết được số tiền chủ đầu tư đang nợ nhà thầu là bao nhiêu.

Đối với vấn đề VNT phát hành thông báo chấm dứt hợp đồng và trục xuất công nhân của Coteccons ra khỏi công trường vào ngày 25/10/2017, trong khi thông báo chấm dứt hợp đồng của nhà thầu lại có hiệu lực thi hành (tức vào ngày 26/10/2017). Chúng tôi đặt vấn đề: Vậy bên nào đã đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng được cho là đúng luật?

Với câu hỏi trên, luật sư của VNT cho biết chủ đầu tư đã nhận được văn bản số 2990 của công ty CTD vào ngày 12/10/2017 về việc thông báo chấm dứt hợp đồng tổng thầu, và thời điểm có hiệu lực là vào ngày 26/10/2017, tức là sau 14 ngày theo quy định. Trong khi văn bản của công ty VNT đưa ra từ ngày 25/10/2017, Về nguyên tắc, khi đưa ra thông báo thì trong 14 ngày tiếp theo nhà thầu vẫn phải tiếp tục thi công, nhưng ngay ngày thứ 13 thì Coteccons đã có động thái rút toàn bộ công nhân ra khỏi công trường, tháo biển thi công...

Từ đó, căn cứ vào điều 15.2 của Hợp đồng (Quyền của chủ đầu tư): Khi nhà thầu có thái độ và ý định dừng thi công, VNT đã sử dụng quyền chủ đầu tư để tuyên bố chấm dứt hợp đồng vào ngày 25/10.

Ông Nguyễn Xuân Thùy - Chủ tịch Hiệp hội BĐS tỉnh Khánh Hòa:

Theo tôi, nguyên cớ để xảy ra những mâu thuẫn như thế này thật sự không lớn nhưng không hiểu vì sao cả 2 bên đều muốn làm to chuyện lên, rồi phải dẫn đến chuyện tố nhau như hôm nay.

Quan điểm của tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp thành viên hiệp hội đã hội ý trước buổi gặp mặt phóng viên do VNT tổ chức này, điều mong muốn nhất hiện nay là cần khoanh lại cái đúng cái sai của hai doanh nghiệp, tập trung thao dở giàn cẩu sập để tránh gây ra tai nạn chết người.

Thứ 2, dù ai đúng ai sai chúng ta chưa nói đến bởi chắc chắn phải cần đến tòa trọng tài kinh tế, nhưng dự án cần phải được đẩy nhanh tiến độ thi công để hàng trăm khách hàng đã mua nhà không bị ảnh hưởng, không gây tác hại lớn đến cuộc sống.

Chúng tôi chưa được tiếp xúc trực tiếp với các bên mà chỉ tiếp nhận thông tin trên báo chí, thật đáng tiếc cho ngành xây dựng chúng ta nếu thường xuyên xảy ra những sự việc như thề này.

Theo Nhóm PV

Cùng chuyên mục
XEM