Vương Thủy Lệ - Nữ doanh nhân - nhà khoa học gốc Việt hiếm hoi trong ngành agtech, độc quyền công nghệ sản xuất dầu gấc ở Mỹ

05/06/2018 08:56 AM | Kinh doanh

Sự khan hiếm nữ giới trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp là bởi vì ngành này không có sự bóng bẩy và sáng tạo của ngành thời trang hay kiến trúc, mà cũng không có vẻ gì là uy tín như ngành y hay giáo dục.

Doanh nhân gốc Việt Vương Thủy Lệ là nữ sáng lập viên kiêm CEO Fishrock Labs, một startup ra mắt năm 2012 ở Davis, California (Mỹ), nay là Công ty Redmelon. Sản phẩm chủ lực của công ty này là dầu gấc, chiết xuất từ một loại cây phổ biến ở khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Loại dầu này rất giàu chất carotenoids và chất chống oxy hóa, thường được dùng như một loại màu thực phẩm tự nhiên, chất chống oxy hóa, thực phẩm bổ sung và rất nhiều thành phần có lợi khác. Công ty Redmelon sử dụng phương pháp chiết xuất giữ lại chất dinh dưỡng từ cây trồng và hạn chế sử dụng các dung môi hữu cơ.

Bà Vương Thủy Lệ có bằng Tiến sĩ Dinh dưỡng với chuyên ngành dinh dưỡng lâm sàng và hóa thực phẩm của Đại học California, ở Davis. Bà cũng là một trong số ít các doanh nhân nữ ở lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (Agtech). 

- Bà có thể nói một chút về bản thân?

- Thời đi học, tôi được cha khuyên vào trường y, nhưng 2 năm sau đó tôi đã thay đổi chương trình học và lấy bằng cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa California. Sau đó tôi lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của đại học California Lutheran.

1 thập kỉ sau, tôi lại quyết định trở lại trường y và nhận bằng Tiến sĩ dinh dưỡng với chuyên ngành dinh dưỡng lâm sàng và hóa thực phẩm ở trường UC Davis. Tôi làm điều này vì vài lí do, trong đó một phần là các vấn đề về sức khỏe của con gái tôi. Tôi đã rất thất vọng về kiến thức mình có khi tìm hiểu về hệ thống trao đổi chất của con người. Tôi cũng có đam mê với đồ ăn nữa.

- Bà đã làm việc bao lâu trong ngành công nghệ nông nghiệp?

- Nếu đếm theo năm làm Tiến sĩ của tôi, thì tôi sẽ nói là 20 năm.

- Tại sao bà lựa chọn theo đuổi ngành công nghệ nông nghiệp và nông nghiệp?

- Tôi luôn yêu cây, hoa và thích thử nghiệm các loại thực phẩm. Lớn lên ở Việt Nam, nơi xung quanh là rất nhiều hoa trái, cây trồng và vật nuôi, tôi thích cách mà cuộc sống tiếp diễn với sự hiểu biết cùng các loại thực phẩm tốt. Tôi tin tưởng sâu sắc vào ý tưởng "hãy để thức ăn làm thuốc của bạn". 

Nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp là những lĩnh vực nơi tôi có thể áp dụng kiến thức mình có để thỏa mãn sở thích của chính mình, và có lẽ sẽ tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của nhiều người khi việc tiếp cận với các thực phẩm tốt vẫn là một thách thức lớn.

- Tại sao bà lại thành lập công ty này, trách nhiệm mà bà gánh vác là gì?

Vương Thủy Lệ - Nữ doanh nhân - nhà khoa học gốc Việt hiếm hoi trong ngành agtech, độc quyền công nghệ sản xuất dầu gấc ở Mỹ - Ảnh 1.

Bà Vương Thủy Lệ.

- Lớn lên ở Việt Nam và chứng kiến những chi phí của bệnh suy dinh dưỡng, đề tài cho luận án tiến sĩ của tôi là tìm ra giải pháp thực phẩm cho vấn đề thiếu vitamin A ở trẻ em và bà mẹ trẻ ở nông thôn Việt Nam.

Sau khi tiến hành các khảo sát và phân tích nhân khẩu học, tôi đã xác định được nguồn vitamin A từ một loại thực vật bản địa ở khu vực. Tiếng Việt gọi là Gấc. Tôi sử dụng một phương pháp không dùng đến dung môi để chiết xuất dầu từ trái gấc, với nồng độ beta-carotene cao và đặt tên là dầu gấc. 

Sau đó, tôi thực hiện thử nghiệm lâm sáng lớn để xem liệu việc sử dụng dầu gấc hàng ngày có cải thiện được tình trạng suy dĩnh dưỡng của trẻ thiếu vitamin A hay không.

Kết quả tích cực đến mức tôi đã quyết định thành lập một công ty để đưa dầu gấc ra thị trường. Tôi đưa ra quy trình chiết xuất, công thức của sản phẩm và làm việc với người trồng gấc để cải thiện số lượng và cất lượng sản phẩm của mình. 

- Lợi thế cạnh tranh của công ty là gì?

- Chúng tôi là công ty duy nhất ở Mỹ sản xuất dầu gấc bằng cách sử dụng quy trình đã được cấp bằng sáng chế của chúng tôi. Các sản phẩm khác từ quá trình sản xuất này bao gồm bột gấc, và một loạt các nguyên liệu được ứng dụng trong các lĩnh vực như mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung và thức ăn chăn nuôi. 

Quy trình sản xuất của chúng tôi không sử dụng các loại dung môi độc hại, thậm chí không dùng đến cả cồn, và có thể giữ lại tất cả các chất dinh dưỡng từ gấc như vitamin E, axit béo thiết yếu (omega 3-6-9) và các hợp chất carotenoid khác như lutein và lycopene.

Dầu gấc có thể được dùng như một loại thực phẩm bổ sung hoặc cho thêm vào các thực phẩm khác như một chất chống oxy hóa tự nhiên hay màu thực phẩm. Vitamin A và các hoạt chất liên quan đến tình trạng thiếu máu vẫn là vấn đề lớn ở nhiều quốc gia đang phát triển. Dầu gấc với beta-carotene và lutein cao có thể giải quyết các vấn đề về thiếu máu và thoái hóa điểm vàng gây giảm thị lực. 

- Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của công ty là gì? 

- Đảm bảo nguồn gấc trong vòng 5 năm tới và hợp tác với các công ty khác để mở rộng kênh phân phối và thị phần. 

- Các bước đi tiếp theo của công ty là gì?

- Gọi vốn để mở rộng quy mô sản xuất.

- Tại sao bà cho rằng đây là thời điểm hợp lí tham gia ngành công nghiệp này? 

- Hơn lúc nào hết, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và công nghệ nông nghiệp chắc chắn đang thu hút sự chú ý. Khi dân số phát triển, mọi người muốn sống lâu hơn và có cuộc sống lành mạnh, có nghĩa là công việc cải thiện hệ thống thực phẩm của chúng tôi là rất quan trọng. Tôi rất vui vì mình đang có mặt ở đây. 

- Thách thức lớn nhất đối với các startup công nghệ nông nghiệp là gì?

- Trong phát triển dược phẩm, thách thức chủ yếu là rào cản pháp lí khi tiến hành đem các hợp chất từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Còn với công nghệ nông nghiệp, việc đưa ý tưởng từ phòng thí nghiệm đến bàn ăn là quá trình chuyên sâu, không chỉ gồm việc tiếp thị và phân phối, mà còn là việc kiểm soát nguồn thực phẩm, chất lượng cây trồng và quy trình sản xuất.

Vương Thủy Lệ - Nữ doanh nhân - nhà khoa học gốc Việt hiếm hoi trong ngành agtech, độc quyền công nghệ sản xuất dầu gấc ở Mỹ - Ảnh 2.

- Tại sao lại có ít phụ nữ tham gia ngành công nghệ nông nghiệp vậy?

Theo tôi, sự khan hiếm nữ giới trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp là bởi vì ngành này không có sự bóng bẩy và sáng tạo của các lĩnh vực như thời trang hay kiến trúc, mà cũng không có vẻ gì là uy tín như ngành y hay giáo dục. Tuy nhiên mọi thứ đang thay đổi. Lĩnh vực này giờ đây còn rộng hơn và bao hàm nhiều ngành khác như công nghệ thông tin, thiết kế hay dệt may. Tôi hình dung trong tương lai sẽ có ngày càng nhiều phụ nữ được thu hút bởi ngành công nghệ nông nghiệp.

Trở thành người phụ nữ hiếm hoi trong một lĩnh vực bị chi phối bởi nam giới, thách thức mà bà phải đối mặt là gì và bà đã giải quyết chúng ra sao?

Thách thức mà tôi phải đối mặt với tư cách một nữ doanh nhân gốc Á trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, đó là hầu hết các đồng nghiệp của tôi đều là nam giới. Do đó tôi nghĩ mình sẽ cư xử như một người đàn ông hoặc được đối xử như một người đàn ông. 

Tôi từng được mời đến dự một cuộc họp ở Hàn Quốc. Khi xuống sân bay, 2 cô gái trẻ được công ty chỉ định đón tiếp đã đưa tôi đến một khách sạn chọn sẵn cho tôi. Căn phòng chỉ có thể khóa từ bên trong và sau đó tôi phát hiện ra rằng nó chỉ được thuê theo giờ. Ai cũng cho rằng là CEO một công ty agtech thì tôi phải là một người đàn ông. 

Một tình huống khác, cũng ở Đông Nam Á. Tôi có lịch họp với một ủy ban phụ trách bệnh viện ở một tỉnh. Khi tôi đi vào phòng họp, bên trong có cả chục người đàn ông mà không có người phụ nữ nào. Tôi thấy tất cả ánh mắt đều dán chặt vào màn hình tivi ở góc phòng đang chiếu cảnh các cô gái sexy ở kênh Playboy. Một trong số những người đàn ông ở trong phòng thậm chí còn hỏi tôi có thể phiên dịch lại cho họ không.

Cách giải quyết vấn đề là cho các đồng nghiệp nam thấy rằng: tôi cam kết với công việc của mình ra sao và tôi có khả năng thực hiện công việc của mình thế nào. Vì có rất ít phụ nữ trong lĩnh vực này, nên phụ nữ được xem là không có khả năng hoặc không có "sự thô ráp và cứng cáp" để đối phó với các nhiệm vụ vốn được cho là của đàn ông. Quan điểm này càng được nâng cao ở châu Á, mặc dù từ lâu phụ nữ ở đây đã là những người trồng trọt và thu hoạch mùa màng. 

- Bà cho rằng điều gì sẽ thay đổi quan điểm đó?

- Khi có ngày càng nhiều hơn phụ nữ bước vào lĩnh vực này và thể hiện khả năng của mình, sẽ dễ thay đổi nhận thức số đông hơn. Có nhiều phụ nữ trong lĩnh vực này cũng sẽ tăng cơ hội tương tác để chia sẻ kiến thức và mạng lưới  với nhau, tiếp tục củng cố tầm quan trọng của nữ giới trở thành doanh nhân, nhà đầu tư, cố vấn, đối tác kinh doanh và nhà lãnh đạo tổ chức. 

* Tham khảo: Agfundernews

Đại Phong

Cùng chuyên mục
XEM