Chuyện tái cơ cấu ở Hoa Sen: Cắt giảm 1.100 nhân sự trong 1 năm, mở thêm chi nhánh từ 371 lên 491 điểm, chuyển trọng tâm về nội địa

07/01/2019 11:32 AM | Kinh doanh

Công ty chứng khoán HSC vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình tái cấu trúc của Hoa Sen và triển vọng thị trường thép năm 2019.

Tái cấu trúc chi nhánh

Từ Đại hội cổ đông năm ngoái, Hoa Sen đã trình cổ đông kế hoạch tinh giản hệ thống phân phối. Cụ thể, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, tại mỗi tỉnh, công ty sẽ lựa chọn một chi nhánh là chính nhánh tỉnh. Khi đó, các chi nhánh còn lại ở cùng tỉnh đó sẽ trở thành đại lý phân phối trực thuộc trụ sở chính.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Hoa Sen vẫn chưa hoàn thành kế hoạch chi tiết và tính đến ngày 31/12/2018, Hoa Sen đang sở hữu 491 chi nhánh, so với 371 chi nhánh vào 1 năm trước đó. Khi quá trình tái cơ cấu hoàn tất, theo hệ thống mới, số lượng chi nhánh thực tế sẽ giảm xuống khoảng 65 chi nhánh, và 426 chi nhánh còn lại trở thành các đại lý.

Bên cạnh đó, vào cuối tháng 10/2018, công ty cũng công bố Nghị quyết HĐQT về kế hoạch tái cấu trúc. Cụ thể, Hoa Sen sẽ đàm phán và làm việc với Công ty THNN Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (HSIG) để nhận chuyển đổi các chi nhánh thuộc sở hữu, quản lý và khai thác của HSIG tại một số tỉnh thành phía Bắc và Trung Bộ.

Theo đó, tất cả các chi nhánh sẽ thuộc sở hữu 100% của Hoa Sen. Trái lại, Hoa Sen sẽ chuyển một số chi nhánh tại một số tỉnh thành phía Nam sang cho HSIG.

Hoa Sen cho biết, sản lượng sản xuất của Tập đoàn đã đạt gần 2 triệu tấn/năm, do đó phải mở rộng hệ thống phân phối để đáp ứng quy mô sản xuất của Tập đoàn.

Bước đi đầu tiên của Hoa Sen trong chiến lược này là việc chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Dĩ An - Bình Dương và Châu Thành - Tiền Giang.

Được biết, trước đây Tập đoàn Hoa Sen đã triển khai mô hình nhượng quyền thương mại với một số đơn vị. Tuy nhiên, mô hình này lại không thành công do các đơn vị chuyển sang kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Do vậy, Tập đoàn phải mở nhanh các chi nhánh mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Hoa Sen.

Đến hiện tại, quá trình chuyển đổi và bàn giao chi nhánh đã hoàn tất và Hoa Sen đã nhận 100 chi nhánh đồng thời chuyển 24 chi nhánh sang cho HSIG. HSIG hiện nắm 24,33% cổ phần của Hoa Sen và sở hữu hơn 200 chi nhánh trên toàn quốc cho phân phối các sản phẩm của Hoa Sen.

Giảm nhân sự, giảm nợ vay, giảm tồn kho

Bên cạnh việc tái cấu trúc các chi nhánh, Hoa Sen còn đang giảm quy mô lực lượng lao động và giảm vay nợ ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu. Tại thời điểm cuối năm tài chính 2018 của Hoa Sen, công ty có lực lượng lao động là 7.062 người, giảm từ 8.200 người tại cuối tháng 9/2017 (giảm 14%). Công ty chủ yếu giảm nhân sự khối văn phòng và khối sản xuất tại nhà máy.

Hoa Sen cũng tích cực giảm vay nợ ngân hàng thông qua việc giảm các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Nhờ đó, tại thời điểm cuối tháng 9/2018, vay ngân hàng (cả vay ngắn hạn và vay dài hạn) tổng cộng là 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ nhưng giảm 15,9% so với mức đỉnh vào tháng 12/2017. Đồng thời, tồn kho đạt 6,6 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ và giảm 33,3% so với mức đỉnh là 9,9 nghìn tỷ đồng vào tháng 3/2018.

Triển vọng u ám của ngành thép

Theo đánh giá của HSC, triển vọng của ngành thép dẹt có vẻ khó khăn cả ở thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu do tình trạng thừa cung. Trong đó, thị trường xuất khẩu gặp phải vấn đề thuế chống bán phá giá còn thị trường trong nước cũng không khả quan do có doanh nghiệp mới tham gia ngành cùng với sự mở rộng mạnh mẽ công suất của các doanh nghiệp hiện hữu trong những năm gần đây.

Để đối phó với chính sách áp thuế chống bán phá giá, Hoa Sen đã chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa vào những năm gần đây. Những công ty khác trong ngành cũng đang làm điều tương tự, chẳng hạn như Nam Kim và Đông Á. Hoa Sen đã tích cực mở mới chi nhánh hàng năm nhằm nâng thị phần trên thị trường nội địa, thể hiện ở sự tăng mạnh sản lượng tôn mạ tiêu thụ trong 6 tháng cuối năm tài chính 2018 của Hoa Sen.

Trên thực tế, để thực hiện chiến lược này, Hoa Sen đa phải giảm giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng, chính là cách mà Hoa Sen đã làm trước đây đối với sản phẩm ống nhựa và khiến hoạt động kinh doanh chính chịu lỗ nặng.

Mới đây, Hoa Sen đã công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 với kế hoạch doanh thu giảm 8,5% xuống 31.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 22% lên 500 tỷ đồng. So với các năm trước, đây là năm đầu tiên Hoa Sen tăng trưởng doanh thu âm.

Chuyện tái cơ cấu ở Hoa Sen: Cắt giảm 1.100 nhân sự trong 1 năm, mở thêm chi nhánh từ 371 lên 491 điểm, chuyển trọng tâm về nội địa - Ảnh 1.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM