Vừa mua thịt vừa nơm nớp sợ chết!

24/03/2016 09:55 AM | Sống

Nhiều bà nội trợ lo lắng rằng không mua thịt thì chẳng lẽ ăn cá mãi mà ăn thịt thì cứ lo mình và người thân bệnh, chết bất cứ lúc nào.

Đưa Salbutamol vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt Truy tận gốc nơi cung cấp chất tạo nạc Nới chất cấm, nguy cơ tràn lan thịt bẩn? Đình chỉ công ty dược nhập 'chui' kháng sinh Salbutamol

Thông tin từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Hiện có khoảng sáu tấn salbutamol (chất tăng trọng, tạo nạc) trôi nổi trên thị trường, nhiều đối tượng vẫn bất chấp quy định cấm, lén lút sử dụng trong chăn nuôi” đang gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa (Xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM):

Sáu tấn salbutamol “trôi’ nơi đâu?

Bây giờ xách giỏ đi chợ, tôi rất lo lắng không mua thịt chẳng lẽ ăn cá hoài, mà cá cũng chưa chắc đã an toàn. Nhưng chỗ nào cũng bán thịt ít mỡ, nạc nhiều, làm sao tôi phân biệt được thịt ấy có chất tạo nạc hay không và đã “xả” hết tồn dư trước khi đưa ra chợ hay chưa. Thịt mua về, lúc nấu lên thấy lại ra nước rất nhiều, có khi kho mà không cần dùng nước; tôi càng hoang mang không biết người ta bơm nước hay dùng hóa chất nào đó. Từ lâu, tôi đã biết quan tâm đến sức khỏe qua bữa ăn nhưng thật sự tôi không biết làm sao để tránh thực phẩm độc hại. Bảo chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm dịch, ừ thì tôi cũng đang làm như thế. Nhưng các nơi đều bán thịt có dấu, vậy thì sáu tấn chất tạo nạc mà ông bộ trưởng lưu ý đã trôi về đâu?

Có một điều tôi thắc mắc: Tên tuổi những công ty nhập salbutamol về đều có. Vậy sau khi nhập sáu tấn chất tạo nạc ấy đã được phân phối cho ai, tại sao lại không truy đến tận cùng, từng bước một để xác định nó đã rơi vào khu vực nào, lò mổ nào? Không phải tự nhiên mà kho hóa chất khổng lồ lại “trôi nổi” trên thị trường như thế.


Người tiêu dùng khó phân biệt được thịt sạch hay có lẫn chất tạo nạc khi mua ngoài chợ. Ảnh: HTD

Người tiêu dùng khó phân biệt được thịt sạch hay có lẫn chất tạo nạc khi mua ngoài chợ. Ảnh: HTD

Chị Lê Hoài An (Quận 12, TP.HCM):

Ước gì nhịn ăn mà sống được…

Tôi luôn muốn nấu những bữa ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng cho người nhà mình. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều thông tin thực phẩm như rau, củ quả bị ngâm hóa chất khiến tôi vô cùng lo lắng. Mới đây nỗi lo của tôi tăng thêm gấp bội khi đọc báo thấy trong sáu tấn chất tạo nạc đã được đưa ra thị trường, chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định. Với rau, củ thì tôi còn có chút kinh nghiệm để phân biệt sạch hay không sạch nhưng với thịt, tôi biết làm sao? Mua thịt thì chỉ biết xem thịt có đỏ hồng không hay đã tái xanh và bốc mùi… chứ bằng mắt thường làm sao phân biệt được thịt có chất này, chất kia. Giờ đi ra đường, nghe người ta kể mà thấy sợ, người có độ tuổi 40-50 hễ bị bệnh, đi khám có thể phát hiện bệnh ung thư. Nói thật, nếu con người không ăn mà sống được thì tôi cũng nguyện sẽ không ăn chứ miệng ăn mà lòng nơm nớp thì thật khổ!

Chị Võ Thị Cẩm Nhung (Phường Hòa Thành, quận Tân Phú, TP.HCM):

Nhọc nhằn vì bữa ăn mỗi ngày

Cuối tuần hoặc thỉnh thoảng tụ họp bạn bè, gia đình ra ngoài cùng ăn uống với nhau, tôi rất thích. Nhưng khi nghĩ đến chất lượng nguyên liệu món ăn, tôi lại lo, ngay cả đó là những quán ăn lớn, nhà hàng. Để có lợi nhuận một số người chăn nuôi, buôn bán thức ăn không ngại dùng mọi cách. Vì thế, tôi tự mình hạn chế đi ăn ở ngoài. Lúc mua thịt, tôi cũng tìm chọn những quầy bán hàng có chứng nhận kiểm dịch. Tuy nhiên, tôi cứ lo ngay ngáy vì lâu lâu lại nghe thông tin phát hiện cơ sở chăn nuôi dùng chất cấm. Nói ra thì nghi ngờ nhau nhưng tôi không thể biết được ngoài số thịt có nguồn gốc hẳn hoi, hàng thịt có trộn lẫn trong đó thịt từ các nguồn khác hay không; chỗ gọi là tin tưởng cũng chưa chắc đã an toàn. Vừa rồi, tôi vừa nghĩ ra một mô hình “ăn sạch” cho gia đình mình là nhờ những người ở quê đáng tin cậy nuôi heo, gà và trồng rau để gửi lên TP.HCM rồi chia nhau dùng. Tuy vậy, cũng có lúc nguồn thực phẩm cung ứng không kịp, đành phải xách giỏ đi mua, thấy mình sao mà nhọc nhằn vì bữa ăn quá đỗi.

Theo, qua thống kê trong năm 2015, đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng ba tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên sáu tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10 kg được sử dụng đúng quy định. Chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra, tình trạng sử dụng salbutamol trong các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn đã giảm hẳn. Tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn lén lút đưa chất cấm này về vùng nông thôn và miền núi.

Đại tá PHAN MẠNH THÔNG, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an

Salbutamol nhập khẩu có giá rất rẻ. Giá nhập khẩu ở mức 1,5-1,6 triệu đồng/kg nhưng bán tới tay người tiêu dùng lên tới 15 triệu đồng/kg. Lợi nhuận cực kỳ lớn nên chắc chắn sẽ có người vẫn cố làm, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và lò mổ. Trong khi đó, một con heo cho ăn chất này sẽ có lãi thêm 0,5-1 triệu đồng nữa.

Ông NGUYỄN VĂN VIỆT, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT

Cùng chuyên mục
XEM