"Vua mía đường" Đặng Văn Thành ráo riết chống đường lậu, quyết san bằng giá thành so với đường Thái Lan vào năm sau

06/07/2017 09:43 AM | Kinh doanh

2018-2019 là năm sống còn của ngành đường.

Đó là chia sẻ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công TTC, trong một sự kiện gần đây về mía đường, một lĩnh vực quan trọng của TTC.

Chủ tịch TTC tiết lộ rằng TTC đang ráo riết để san bằng giá thành đối với đường của Thái Lan. TTC phải làm và phải làm cho bằng được.

“Năm 2018, 2019 sẽ là năm sống còn của ngành mía đường Việt Nam. Chúng tôi sẽ trở lại cái gốc của vấn đề, đó là chống đường lậu. Cái gốc của chống đường lậu là giá thành. Giá thành liên quan đến vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu ở đây là cánh đồng mẫu lớn. Cánh đồng mẫu lớn thì phải cơ giới hóa, áp dụng khoa học.

Đến 2018 - 2019 thì giá của chúng tôi sẽ tương đương Thái Lan. Chúng tôi có lợi thế hơn ở chỗ số dân nước mình 90 triệu. Đến năm 2020, TTC sẽ chuyển dịch qua ngành năng lượng và trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về năng lượng sạch”, ông Đặng Văn Thành nói.

Chủ tịch Thành Thành Công nói thêm rằng TTC đang làm việc với một đối tác cơ khí nông nghiệp lớn để đầu tư khoa học kỹ thuật vào cánh đồng mẫu lớn. Họ cũng đã chọn TTC làm đối tác.

Cụ thể, tỉ lệ cơ giới hóa của TTC trong lĩnh vực mía đang là gần 50%. “Bắt buộc trong thời gian tới, phải cơ giới hóa 100% vì tiến tới, lao động phổ thông cũng không có để đi đốn mía đâu”, doanh nhân Đặng Văn Thành chia sẻ.

Đường lậu đang hoành hành như thế nào?

Ngành mía đường Việt Nam đang phải chống chọi với 2 đối thủ nặng ký là đường Thái Lan và Lào với giá thành rẻ, sản lượng lớn và thâm nhập thị trường trong nước từ chính ngạch tới nhập lậu.

Hầu như tất cả những chủ cửa hàng cà phê, nước giải khát , sinh tố trái cây... ở Sài Gòn đều đến một nơi để mua đường pha chế là khu đường Lê Tấn Kế (thuộc chợ Bình Tây) ở quận 6. Giá một “cây” đường đóng trong bao giấy 12 kg vào khoảng 180.000 - 190.000 đồng tùy loại, tính ra 1 kg tương đương 15.000 - 16.000 đồng.

So với đường đóng bao 1 kg do các công ty trong nước sản xuất hiện đang bày bán trong chợ, siêu thị, tiệm tạp hóa thì rẻ hơn từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Tất nhiên, giá rẻ có thể là do mua sỉ số lượng nhiều nhưng cũng có những người am hiểu thì cho biết phần lớn trong số đó là đường Thái Lan nhập lậu từ biên giới.

Hồi tháng 7 năm ngoái, thông tin về việc trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (còn gọi là Tỷ đường) cùng đồng phạm ra hầu tòa đã làm nức lòng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đường chân chính. Trước khi xộ khám, Tỷ đường thao túng đến 35% tổng số đường lậu nhập vào Việt Nam. Và theo số liệu được Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham khảo từ Tổ chức Đường quốc tế thì hàng năm có khoảng 400.000 – 500.000 tấn đường nhập lậu vào nước ta.

Sau khi trùm buôn lậu đường sa lưới, tưởng chừng hoạt động buôn lậu đường sẽ giảm đi nhưng thực tế thì đã không như vậy. Theo thông tin trên báo Hải Quan, năm 2016 hàng ngàn tấn đường lậu đã bị bắt giữ. Nguyên nhân là do khi đường dây "khủng" của Tỷ đường bị chặt đứt cũng là lúc các đường dây nhỏ hơn bắt đầu “trỗi dậy” vì nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao và khan hiếm hàng.

Trước khi Tỷ đường bị bắt, địa bàn Tây Ninh, Long An hầu như không có đường lậu hoạt động. Tuy nhiên sau đó, hoạt động buôn lậu đường đã vươn vòi sang địa bàn này kèm với thủ đoạn phức tạp không kém An Giang. Điều thuận lợi hơn là hai tỉnh này giáp với TP.HCM - thị trường tiêu dùng lớn nhất phía Nam.

“Việc ngăn chặn chỉ là một trong nhiều biện pháp để đẩy lùi đường lậu. Trong khi đó, biện pháp căn cơ nhất để chấm dứt là đường nội địa phải chiến thắng ngay trên sân nhà thì vẫn chưa làm được!”, báo Hải Quan đưa ra nhận định.

Đế chế mía đường TTC

Thành Thành Công được ông Đặng Văn Thành sáng lập cách đây 27 năm, với xuất phát điểm là một doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ. Ngày nay, TTC đã là tập hợp của 25 doanh nghiệp lớn hoạt động trên nhiều lĩnh vực như mía đường, bất động sản, du lịch, giáo dục, năng lượng.

Tuy vậy, mía đường vẫn là lĩnh vực chủ lực, cũng là thế mạnh của tập đoàn này.

TTC chính là nhà cung cấp đường cho hàng loạt các “ông lớn” trong ngành giải khát, bánh kẹo như Pepsi, Vinamilk, Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Trung Nguyên,…

Hiện tập đoàn này đang sở hữu một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn bao gồm Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), SEC Gia Lai, CTCP Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà,... Các doanh nghiệp mía đường của TTC đều có quy mô lớn hàng đầu trong ngành mía đường Việt Nam.

Sở hữu trong tay hàng loạt các doanh nghiệp lớn, nên một điều hiển nhiên là TTC được đánh giá là một trong những “ông trùm” ngành đường Việt.

Mới đây, doanh nghiệp của ông Đặng Văn Thành đã đặt tên mới cho công ty mía đường Hoàng Anh Gia Lai, sau khi hoàn tất thương vụ mua bán trị giá hơn 1.330 tỷ đồng.

Khi mua doanh nghiệp đường của bầu Đức, TTC sẽ được hưởng lợi lớn. Đó là, theo quy định của Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào, đường từ nhà máy này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0%.

Việc thâu tóm công ty mía đường của bầu Đức sẽ giúp TTC có thêm sức mạnh để ra biển lớn, để cạnh tranh với các đối thủ trong nước và nước ngoài. Và để thực hiện kế hoạch san bằng giá với đường Thái Lan vào năm 2018, 2019.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM