Vua Khoai Tây Simplot: 14 tuổi đi bụi với 80 USD, nuôi heo, làm trang trại khoai tây, bán rau củ sấy cho quân đội Mỹ, cung ứng khoai đông lạnh cho McDonald's, nghỉ hưu với 3,2 tỷ USD

23/09/2019 15:40 PM | Kinh doanh

Sự trung thành với một loại sản phẩm then chốt, cũng như tính nhạy bén với nhu cầu thị trường đã giúp Vua Khoai Tây Simplot dựng nên khối tài sản trị giá 3,2 tỷ USD. Sự nỗ lực không ngừng đã khiến "bất cứ thứ gì hễ vào tay thương gia thì đều trở thành hàng hóa" (Kinh Thánh Talmud của người Do Thái)

Chăn nuôi sinh ra ý tưởng kinh doanh

Nhu cầu ăn, mặc và ở của xã hội là gần như là cơ hội kinh doanh vô tận đối với người Do Thái. Đặc biệt, nhu cầu ăn uống là cơ hội kinh doanh tốt nhất vì đối tượng khách hàng luôn rộng mở. Nhỏ như một que kem, lớn như những bữa tiệc nhà hàng sang trọng đều trở thành "mỏ vàng" cho các thương gia Do Thái đầu tư khởi nghiệp.

Vua khoai tây John Richard Simplot là một doanh nhân Do Thái giàu lên nhờ kinh doanh khoai tây và góp mặt vào danh sách 100 người giàu nhất thế giới cũng bằng triết lý như vậy.

Sinh ra trong một gia đình Do Thái di dân đến Mỹ đầu thế kỷ XX, gia đình ông sở hữu một trang trại nhỏ ở Dubuque, bang Iowa, Mỹ. Năm 1923, sau một biến cố, Simplot bỏ nhà ra đi với 80 USD trong túi. Lúc đó ông chỉ mới 14 tuổi.

Simplot đến thành phố Deco (bang Iowa) và nhận làm việc vặt để sống qua ngày. Tại đây, Simplot bắt đầu đánh chứng khoán và nhanh chóng có đủ tài sản để vay ngân hàng Iowa 600 USD lập trang trại nuôi heo.

Ban đầu, 500 con heo lúc nào cũng kêu đói. Có lúc, Simplot phải đích thân đi săn thú hoang, bán da, luộc thịt và nấu khoai tây cho heo ăn. Nhờ nấu khoai tây, ông thấy rằng khoai tây có sức chống chịu sâu bệnh và không cần vỗ béo. Tất cả chỉ cần giống tốt, tưới nước và bón phân đều đặn. Quan trọng hơn, thị trường đang thiếu nguồn cung khoai tây chất lượng cao.

Nghĩ xa hơn việc nấu khoai nuôi heo, ông bắt đầu liên hệ với đối tác cung ứng khoai tây và đề nghị được mua lại giống khoai tây của họ. Sau đó, ông thuê một khoảnh đất tốt nhất ở Idaho để trồng giống khoai tây chất lượng cao này.

Ngoài cây giống và đất, Simplot còn mua thêm hệ thống phân loại khoai tây chạy điện được xem là tiên tiến nhất thời bấy giờ. Khác với cơ chế phân loại khoai tây dùng sức người, máy phân loại khoai tây cho năng suất cao gấp 8-10 lần. Như thế ông tiết kiệm được một số nhân công và dùng khoản tiền đó đầu tư thêm cho trang trại.

Nhờ khoai tây chất lượng cao, trang trại mới của Simplot ăn nên làm ra nhanh chóng. Đến năm 1940, ông đã sở hữu 33 kho khoai tây dọc theo đồng bằng sông Snake, trải dài từ Idaho Falls đến Valre, bang Oregon.

Người Do Thái thường kinh doanh với quy mô lớn, họ có thể mở nhà hàng, khách sạn nếu vốn lớn, ở quy mô vừa họ mở quán ăn, quầy rượu, ở quy mô nhỏ hơn nữa có thể là tiệm trái cây, sạp rau quả, tiểu thương trong chợ… Đấy là chưa kể những lĩnh vực không cung cấp trực tiếp thức ăn cho khách hàng mà làm trung gian giữa nông trại và nhà hàng.

Vua Khoai Tây Simplot: 14 tuổi đi bụi với 80 USD, nuôi heo, làm trang trại khoai tây, bán rau củ sấy cho quân đội Mỹ, cung ứng khoai đông lạnh cho McDonalds, nghỉ hưu với 3,2 tỷ USD  - Ảnh 1.

Bên ngoài một nhà máy của Simplot


Tìm thấy cơ hội trong khó khăn, liên tục cải tiến để nâng cao giá trị

Bước ngoặt đến với ông vua khoai tây là khi nước Mỹ tham gia Thế chiến II, quân đội Mỹ cần rất nhiều nguồn cung thực phẩm để dùng trên chiến trường, đặc biệt là rau củ quả sấy khô. Tuy nhiên không nhiều công ty đáp ứng được loại sản phẩm đặc thù này vì họ chưa đủ khả năng chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ thực phẩm tươi sang thực phẩm sấy khô.

Sau vài tháng tìm hiểu, Simplot quyết tâm bắt tay vào sản xuất không chỉ hành tây sấy khô, khoai tây sấy mà cả các loại rau củ quả khác nữa. Những mẫu chào hàng đến các nhà thầu quân đội Mỹ đã được hoan nghênh nồng nhiệt.

Đơn đặt hàng dồn dập đến với nhà máy và Simplot thu được hơn 500 nghìn USD trong năm 1942. Công ty Simplot trở nhà thầu tư nhân lớn nhất cung cấp rau củ quả sấy khô cho quân đội Mỹ trong suốt giai đoạn thế chiến.

Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1945, công ty Simplot mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thực phẩm đóng hộp và đông lạnh. Lúc đó, một kỹ sư hóa học đã phát minh ra khoai tây chiên đông lạnh dạng sợi. Nhưng sản phẩm này lại không được đánh giá cao vì lượng nước trong khoai tây chiếm đến hơn ¾ khối lượng khoai tây, nếu đông lạnh khoai tây sẽ trở nên mềm nhũn.

Tuy nhiên, Simplot lại có cách nhìn rất độc đáo với phát minh này. Ông cho rằng khoai tây chiên đông lạnh có thể bảo quản lâu, cho phép tiêu thụ không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Thế là Simplot nhanh chóng đề nghị hợp tác với kỹ sư này để cải tiến và sản xuất khoai tây chiên đông lạnh với số lượng lớn.

Vua Khoai Tây Simplot: 14 tuổi đi bụi với 80 USD, nuôi heo, làm trang trại khoai tây, bán rau củ sấy cho quân đội Mỹ, cung ứng khoai đông lạnh cho McDonalds, nghỉ hưu với 3,2 tỷ USD  - Ảnh 2.

Một sản phẩm của Simplot

Thương vụ đầu tư lần này trùng khớp với thời điểm chuỗi nhà hàng McDonald’s đang phất lên như diều gặp gió trong thập niên 1950-1960. Đương nhiên, công ty Simplot trở thành nhà cung cấp khoai tây chiên đông lạnh chính cho McDonald’s.

Sau đấy, ông lại phát hiện ra rằng, khoai tây chiên dạng sợi vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Bởi khoai tây sau khi trải qua những khâu sơ chế như phân loại, gọt vỏ, cắt sợi và loại bỏ những vết thâm bằng máy cảm biến ánh sáng thì sụt giảm gần một nửa khối lượng. Tất cả những phế phẩm đều phải đổ bỏ.

Không cho phép lãng phí, các kỹ sư của Simplot thử trộn những phế phẩm khoai tây với các loại ngũ cốc khác nhau và phát triển thành thức ăn gia sức, rồi thu được hàng nghìn đơn đặt hàng trên khắp nước Mỹ.

Cuối năm 1973, cuộc khủng hoảng dầu mỏ bùng nổ trên thế giới. Việc tìm nguồn năng lượng thay thế là một yêu cầu cấp bách. Công ty Simplot lại nắm bắt nhanh chóng cơ hội này. Ông dùng khoai tây để chế tạo ra các chất phụ gia nhiên liệu để sản xuất cồn. Chất phụ gia nhiên liệu giúp gia tăng trị số Octan trong xăng, đồng thời làm giảm mức độ ô nhiễm do quá trình đốt cháy của xăng gây ra.

Simplot về hưu năm 1973 song vẫn giữ chức chủ tịch tập đoàn J.R.Simplot. Ông cho phép công ty đầu tư vào một số công ty công nghệ để bắt kịp bước tiến của thời đại. Một trong số đó là nhà sản xuất chip Micron Technology với doanh thu 20 tỷ USD (năm 2018) mà ông nắm 40% cổ phần.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM