Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn: Đi tiên phong lúc nào cũng lỗ đầu, lúc nào cũng thiệt hại

30/11/2016 08:57 AM | Kinh doanh

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dù người đi tiên phong sẽ chịu nhiều thiệt hại, nhưng nếu không tiên phong thì không có người mở đường và không bao giờ phát triển được.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên VTV1 mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có những chia sẻ về câu chuyện kinh doanh hàng hiệu và trở thành "Vua hàng hiệu" như ngày nay.

PV: Nhìn lại suốt 30 năm sự nghiệp, từ việc mở đường bay kết nối Việt Nam với thế giới rồi xây dựng các siêu thị và các Trung tâm thương mại, và gần đây nhất là kinh doanh hàng hiệu, thì ông đều là người tiên phong, vậy làm người tiên phong có khó không?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Cái khó mà mình giải quyết được, mới là thành công. Chính vì mở đường bay mới có đổi mới và mở cửa. Cái đó là cái khó đầu tiên. Cái khó thứ hai là khi đưa hàng hiệu vào Việt Nam, thuế suất khi đó quá nặng, đội giá hơn Singapore, các khu vực miễn thuế tới 50%, như vậy làm sao bán nổi?

Nhưng, sau khi có được sự đồng ý của các thương hiệu, họ hạ giá xuống, lúc đó giá bán của chúng tôi chỉ còn cao hơn 10-15% so với nước ngoài. Đây là đi tiên phong. Đi tiên phong lúc nào cũng bị lỗ đầu, đi tiên phong lúc nào cũng bị thiệt hại, nhưng nếu không tiên phong thì không có người mở đường, thì không bao giờ phát triển được.

Như vậy, tại sao lại là hàng hiệu mà không phải là một lĩnh vực nào khác?

Ở Châu Âu, du khách đến Channel, LV, Hermes, Cartier xếp hàng rất dài. Nếu một đất nước hội nhập, thì điều đầu tiên bất cứ du khách nào cũng sẽ hỏi "Shopping ở đâu?", và nếu không có hàng hiệu, thì họ sẽ chê.

Và bây giờ cũng có nhiều doanh nghiệp họ cũng kinh doanh những mặt hàng cao cấp, vậy thì có thể nói thị trường bán lẻ Hà Nội phân khúc cao cấp đã trở nên khốc liệt hơn không và có đẩy ông vào vị thế khó khăn hơn?

Trước kia, có 6 công ty cạnh tranh với nhau, lấy các thương hiệu về. Quyết định của chúng tôi đã quá đúng đắn ngay từ đầu, đó là trả thuế đầy đủ, lãi ít, với sự chia sẻ của các thương hiệu hàng đầu, chúng tôi bền vững tiến.

Trong khi đó, các công ty khác có lợi nhuận rất lớn, lên tới hàng chục triệu USD. Thế nhưng cuối cùng, họ bị cơ quan thuế tới gõ cửa. Các thương hiệu sau khi biết thông tin đó đã chấm dứt hợp đồng và qua làm việc với chúng tôi.

Tại sao không phải là xây dựng thương hiệu Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới, mà là mang những thương hiệu nổi tiếng thế giới đến Việt Nam?

Mỗi người một lĩnh vực, hàng Việt tôi đi tiên phong là có sự hỗ trợ của các thương hiệu. Do đó, chúng tôi cũng tạo dựng được thương hiệu và định hướng, mình biết cái gì mình làm được, cái gì mình không làm được.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trả lời phỏng vấn

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM