Vừa được Shark Hưng khen nức nở mô hình tiềm năng vào tháng 10, nay BBI Việt Nam đã vội vã lên tiếng "hai ta không còn là người nhà”

13/12/2019 16:11 PM | Kinh doanh

Theo thông cáo báo chí mới nhất từ BBI Việt Nam cũng như Cengroup, hoạt động đầu tư vào BBI Mall được Shark Phạm Thanh Hưng thực hiện dưới vai trò cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, Shark Hưng đã thoái vốn khỏi BBI.

Thông tin Shark Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup có liên quan tới công ty bị nghi là đa cấp biến tướng BBI Việt Nam đã xôn xao dư luận trong nhiều tháng qua. Theo thông tin từ VTV24, khi tham gia mô hình này, thay vì mua bán hàng hóa thật, người dùng tự giao dịch các đơn hàng ảo, sau đó chuyển tiền vào tài khoản BBI để từ đó nhận lãi suất theo từng ngày.

Mức lãi suất được cho là lên tới hơn 180%/năm. Quan trọng hơn, càng huy động nhiều thành viên tham gia, người dùng càng nhận về khoản thu nhập cao.

Từ thời điểm đầu năm nay, hình ảnh Shark Phạm Thanh Hưng liên tục xuất hiện trong các chương trình, sự kiện của BBI Mall. Theo đó, vào tháng 1, Shark Hưng đã ký kết thỏa thuận với ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Tại một sự kiện khác vào tháng 3, cá mập đến từ Cengroup còn hân hoan thừa nhận "hôm nay tôi đã trở thành người nhà của BBI rồi".

Hay mới đây nhất, tại sự kiện sinh nhật BBI Việt Nam tổ chức vào 16/10, Shark Hưng còn xuất hiện và có bài chia sẻ khoảng 10 phút. Trong đó, Shark Hưng nhìn nhận thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam hết sức tiềm năng và BBI hoàn toàn có thể tận dụng tiềm năng đó để phát triển.

"Tôi với ban lãnh đạo BBI đặt mục tiêu sinh nhật sang năm sẽ có 10 triệu người dùng".

"Mặc dù mới chỉ là giai đoạn chạy thử nghiệm nhưng tôi rất mừng là cách đây 1 tháng, BBI đã nhận giấy phép hoạt động TMĐT, có cơ sở pháp lý đầy đủ để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 10 lần, 20 lần. Mục tiêu đó không quá tham vọng, chưa kể rằng chúng tôi sẽ sớm phát triển ra thị trường quốc tế, trước mắt là trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Tôi tin sẽ có cửa để chiếm lĩnh những thị trường mới mẻ này bằng những cái chúng ta đang phát triển ở đây", Shark Hưng chia sẻ với khán giả phía dưới.

Vừa được Shark Hưng khen nức nở mô hình tiềm năng vào tháng 10, nay BBI Việt Nam đã vội vã lên tiếng hai ta không còn là người nhà” - Ảnh 1.

Shark Hưng tại sự kiện của BBI vào tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên thật bất ngờ, trong ngày 13/12, nghĩa là chưa đầy 2 tháng sau bài diễn văn trên, Shark Hưng và BBI Malll đã "đường ai nấy đi".

Theo thông cáo báo chí từ phía BBI Mall, Shark Phạm Thanh Hưng là một trong những nhà đầu tư thiên thần của công ty ở giai đoạn đầu. Hiện tại Shark Hưng đã thoái vốn đầu tư, không còn liên quan đến BBI Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Một thông cáo khác từ phía Cengroup phát ra trong ngày 13/12 cũng khẳng định việc đầu tư vào BBI Mall là hoàn toàn của cá nhân Shark Hưng, không liên quan gì tới Cengroup. Thông cáo này cũng nhấn mạnh Shark Phạm Thanh Hưng đã thoái vốn khỏi BBI.

"Quan điểm của anh Phạm Thanh Hưng rất rõ ràng: Starup đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình, nếu không quản trị được thì các startup sẽ không giữ chân được nhà đầu tư.

Anh cũng chia sẻ thêm về vụ việc này như sau: Với mong muốn hỗ trợ, mentor cho các startup, tôi đã từng rót vốn đầu tư với vai trò là nhà đầu tư thiên thần cho một số start up, trong số đó có BBI - ứng dụng mua sắm online. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tôi đã thoái vốn đầu tư và không còn liên quan đến BBI Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tôi đầu tư nhiều công ty, đa số các công ty giai đoạn đầu khởi nghiệp nên còn nhiều lỗ hổng cần hoàn thiện. BBI Mall là một mô hình startup non trẻ, đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, nên trong thời gian đoạn này sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến pháp lý cần điều chỉnh và khắc phục trong tương lai", thông cáo báo chí của Cengroup dẫn lời Shark Phạm Thanh Hưng.

Trước đó, theo VTV24, nhiều chuyên gia nhận định công ty BBI Việt Nam đã rất tinh vi khi đưa ra mô hình ứng dụng mua sắm online BBI Mall với chiêu thức mang tên "thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử", phù hợp với xu hướng mua sắm qua mạng hiện nay nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Nhưng thực tế đây chỉ là "vỏ bọc" mà mục đích của người tham gia không phải là mua hàng mà là tham gia việc đầu tư, đổ tiền vào hệ thống. Tiền đầu tư thì được gọi là chiết khấu, còn lãi thì được gọi là chuyển đổi điểm thành tiền thật lên tới 180% mỗi năm.


Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM