"Vua" chiếu xạ và nguy cơ bị đánh bật khỏi ngai vàng

08/06/2016 18:00 PM | Kinh doanh

Tính đại chúng không còn, quyền lực tập trung cùng với nguy cơ đánh mất thị phần trong tương lai là những vấn đề của chiếu xạ An Phú.

Nông nghiệp là một trong những ngành được nhiều kỳ vọng sẽ có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất khi Việt Nam ngày nhận được nhiều ưu đãi về thuế quan. Đặc biệt khi Việt Nam vừa tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do trong thời gian gần đây. Tiềm năng xuất khẩu là rất lớn, nhưng để xuất khẩu nông, thủy sản sang các thị trường khó tính như Mỹ và Châu Âu cần phải được xử lý qua khâu chiếu xạ để loại các vi sinh vật gây bệnh.

Chính vì điều này, các doanh nghiệp ngành chiếu xạ trở thành một mắt xích quan trọng để các sản phẩm trái cây, thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy vậy, do số lượng các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn rất ít nên tính cạnh tranh trong ngành rất thấp. Thậm chí, trong nhiều năm qua các nhà xuất khẩu trái cây tươi và thủy sản từ phía Bắc và Miền trung muốn xuất khẩu hàng đi Mỹ phải đưa hàng của mình vào tận phía nam để thực hiện khâu chiếu xạ, tiêu tốn chi phí rất lớn.

Hiện tại, hoạt động trong lĩnh vực này tại phía Nam có 3 doanh nghiệp tại phía Nam là chiếu xạ Chiếu xạ An Phú, Thái Sơn và Sơn Sơn. Trong đó, An Phú là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô và thị phần trong lĩnh vực này. Theo báo cáo của Công ty Chứng Khoán MBS năm 2015, An Phú hiện chiếm khoảng 60% thị phần chiếu xạ thủy sản và 70% thị phần chiếu xạ trái cây.

Chiếm thị phần lớn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành chiếu xạ là An Phú (HOSE:APC) luôn có hiệu quả rất cao, dù quy mô vốn khá nhỏ so với quy mô của các doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Lợi nhuận gộp luôn trên 50%

Nói về cái hiệu quả của APC, mặc dù doanh thu tăng trưởng chậm, nhưng lợi nhuận sinh ra trên mỗi đồng doanh thu là rất lớn. Biên lợi nhuận gộp của APC thuộc nhóm cao nhất trong tất cả các ngành nghề kinh doanh hiện nay với mức bình quân ổn định trên 50%.

Trong báo cáo hồi năm ngoái, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cho rằng biên lợi nhuận gộp của APC sẽ tăng khá nhanh khi doanh thu tăng đồng thời dự báo biên lợi nhuận gộp của công ty này sẽ duy trì ở mức cao (49,26% - 54,2%) trong các năm 2016- 2019.

Theo nghiên cứu của công ty Chứng khoán MBS, giá chiếu xạ thủy sản của APC đã tăng từ 20-25% sau khi Thái Sơn và An Phú về chung nhà và gần như độc quyền trong lĩnh vực này. Đây là yếu tố có thể giúp doanh nghiệp này đạt được kết quả kinh doanh thuận lợi trong bối cảnh chưa xuất hiện đối thủ cạnh tranh trong ngành chiếu xạ thủy sản.

MBS đánh giá APC có triển vọng tích cực dựa trên sự phục hồi của xuất khẩu nông sản trong những năm tới của Việt Nam với các yếu tố hưởng lợi về thuế và chính sách phát triển nông nghiệp.

Với lượng khách hàng có sẵn nhiều năm cùng với chi phí giá vốn thấp, APC được xem là một doanh nghiệp có đủ tiềm lực để duy trì vị thế “độc tôn” để phát triển vững chắc mà không e ngại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào khác muốn giành thị phần của mình.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những quá khứ và hiện tại, tương lai có thể sẽ rất khác.

Nguy cơ đánh mất “ngai vàng”

Theo báo cáo của MBS, sau khi Thái Sơn nắm APC, với việc gần như độc quyền trong lĩnh vực chiếu xạ thủy sản, họ đã tăng giá dịch vụ lên khoảng 20-25%. Đã có quan điểm cho rằng, do đang nắm độc quyền nên họ đẩy được giá thì họ cứ đẩy nhưng nó sẽ tạo ra động lực xâm nhập thị trường của các đối thủ mới.

Hiện nay, tại Phía Bắc cũng đã nâng cấp xong trung tâm chiếu xạ Hà Nội để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ trái cây xuất khẩu. Các loại quả vải, nhãn sẽ không còn phải hành trình ngược vào Nam để chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Tại Đà Nẵng cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy chiếu xạ phục vụ nhu cầu chiếu xạ tại các tỉnh miền Trung. Như vậy, tương lai gần APC sẽ đánh mất lượng khách hàng khá lớn tại 2 khu vực trên do lợi thế về địa lý.

Ngoài ra, theo một nguồn tin khác thì APC hiện đang đánh mất thị phần chiếu xạ trái cây tươi xuất khẩu vào tay Sơn Sơn do việc thực hiện chiếu xạ của APC làm ảnh hưởng đến sản phẩm của khách hàng. Nếu trước đây APC chiếm khoảng hơn 50% thị phần chiếu xạ trái cây thì đến nay phần lớn đã thuộc vào Sơn Sơn. Được biết, hiện nhà máy của Sơn Sơn đang chạy hết công suất và đang có kế hoạch xây dựng nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu chiếu xạ ngày càng tăng.

Về khả năng xâm nhập ngành, một vị chuyên gia trong ngành đánh giá sự xâm nhập mới không có gì là khó như mọi người vẫn nghĩ. Tình trạng xảy ra độc quyền hiện nay là do quy mô của thị trường xuất sang Mỹ chỉ mới phát triển gần đây và doanh nghiệp xuất khẩu chưa hiểu lắm về chiếu xạ chứ không phải là không làm được.

Theo vị chuyên gia này thì chỉ cần bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng là doanh nghiệp có thể tự lắp ráp được dây chuyền chiếu xạ, hiện tại trong nước đã đủ năng lực tự xây dựng và lắp đặt toàn bộ hệ thống. Do vậy, khó có thể đảm bảo vị thế “độc tôn” của An Phú và Thái Sơn sẽ được duy trì trong những năm tới.

Lợi ích lớn sẽ thuộc về ai ?

Còn nhớ trong năm 2014, mặc dù ít được chú ý nhưng sự kiện An Phú bỗng dưng lọt vào tay của “kẻ chiếu dưới” là công ty Chiếu xạ Thái Sơn là một điều mà ít ai có thể nghĩ tới.

Để chiếm được An Phú, Thái Sơn đã âm thầm mua gom cổ phần của các cổ đông lớn thoái vốn khỏi APC là Công Ty cao su Bà Rịa và Transimex Sài Gòn, SSIAM. Tỷ lệ nắm giữ của công ty này và các bên liên quan hiện nay tại An Phú lên trên 50% và đương nhiên trở thành ông chủ của đối thủ lớn hơn mình.

Kể từ khi nắm quyền kiểm soát phần lớn cổ phần của APC, Thái Sơn đã miễn nhiệm gần hết bộ máy quản trị cũ và đưa người của mình vào nắm các vị trí chủ chốt. Nổi bật nhất là quyết định đưa bà Võ Thùy Dương, con gái bà chủ công ty Thái Sơn, người sinh năm 1991 lên nắm chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty này vào kỳ HĐCĐ năm 2015.

Việc đẩy những nhân vật trụ cột, những người đã có công xây dựng và đưa APC phát triển đến ngày nay ra khỏi bộ máy quản trị của công ty này và thay thế những người mới trẻ hơn và chưa chứng tỏ được năng lực là điều mà gây nên sự quan ngại cho giới đầu tư.

Một vấn đề mà giới phân tích lo ngại đó chính là việc sát nhập An Phú và Thái Sơn thành một. BSC đánh giá với việc sát nhập giữa APC và Thái Sơn hiện chưa diễn ra thì hiện vẫn còn những lo ngại về hoạt động minh bạch giữa hai doanh nghiệp này cũng như tỷ lệ chuyển đổi khi mà chưa nắm được báo cáo tài chính của Thái Sơn.

Ngoài ra, một số quan ngại khi Thái Sơn đã nắm hơn 50% cổ phần và nắm quyền chi phối mọi hoạt động thì có thể dẫn đến những quyết định chỉ phục vụ lợi ích cục bộ.

Theo biên bản đại hội cổ đông APC năm nay, Thái Sơn đã trở thành đơn vị cung cấp nguồn xạ cho cho APC. Cụ thể, theo nghị quyết số 11 của HĐQT vào tháng 6/2015 đã ủy quyền cho bà Võ Thùy Dương được quyền chọn lựa nhà cung cấp nguồn xạ trị giá 28,6 tỷ đồng. Tiếp đó, nghị quyết HĐQT số 13 tiếp tục ủy quyền cho Bà Dương mua thêm hơn 30 tỷ đồng nguồn xạ bổ xung. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 thì Bà Dương đã mua nguồn xạ từ công ty Thái Sơn số tiền 25,96 tỷ đồng, trước đó APC tự nhập nguồn xạ.

Khi nhìn vào cách doanh nghiệp này tạo ra tiền và tiềm năng tăng trưởng từ thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng thì APC là doanh nghiệp có đủ tố chất để nhà đầu tư quan tâm. Tuy vậy, khi tính đại chúng không còn, quyền lực tập trung vào một nhóm cổ đông từ Thái Sơn cùng với nguy cơ mất thị phần trong tương lai là những rủi ro mà nhà đầu tư và các nhà phân tích hiện vẫn chưa thể cân đo đong đếm được.

Cùng chuyên mục
XEM