"Vua cá tra” Hùng Vương xin lỗi cổ đông vì dự báo sai khoản lỗ 49 tỷ đồng và nói "cứng": Chúng tôi dư sức xóa lỗ!

07/04/2017 15:02 PM | Kinh doanh

"Đầu tiên, chúng tôi xin lỗi tất cả các cổ đông. Chúng tôi có muốn có tính pháp lý, có cơ sở để trả lời, chứ không phải tránh né cổ đông. Chúng tôi đối diện trực tiếp chứ không tránh né. Những trường hợp bất khả kháng, dự báo hoàn toàn có cơ sở nhưng những tình huống bất khả kháng sau Brexit của Anh khiến tình thế thay đổi".

Sáng nay, tại TP.HCM, Công ty CP Hùng Vương (HVG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Năm 2016, lợi nhuận của công ty giảm mạnh. Năm nay, Hùng Vương dự tính đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 400 tỷ đồng.

Cơn ác mộng năm 2016

Theo nhận định của lãnh đạo Công ty Cổ phần Hùng Vương, năm 2016 là một năm đầy khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Biến động giá dầu và Brexit là hai yếu tố tác động mạnh nhất đến kết quả kinh doanh năm 2016. Công ty phải hứng chịu sự mất giá đồng tiền từ các quốc gia nhập khẩu và sự tuột giá bánh dầu đậu nành sau khi Anh quyết định rời khỏi châu Âu.

Kết quả là năm 2016, Thủy sản Hùng Vương lỗ 49 tỷ đồng sau kiểm toán. Vấn đề nằm ở chỗ, trước đó trên BCTC tự lập của công ty báo lãi ròng đến 308 tỷ đồng. Nguyên nhân có sự chênh lệch lớn này, theo giải trình từ phía công ty là do ghi nhận sai về doanh thu.

Theo lãnh đạo công ty, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những ngày cuối năm 2015, giá dầu mỏ trên thế giới liên tục giảm và rơi xuống mức thấp kỷ lục 35 USD/thùng. Sang những tháng đầu năm 2016, giá dầu đã giảm đến 25%, mức hạ sâu nhất trong cùng một khoảng thời gian tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, giá dầu thô Brent đã phá đáy khi mức giao dịch dưới 30 USD/thùng.

Giá dầu thấp làm lợi cho những nước nhập khẩu dầu và người tiêu dùng. Ngược lại, đối với những nước sản xuất dầu, giá cả sụt giảm là tin xấu. Saudi Arabia bị thâm hụt ngân sách. Venezuela đối mặt với tình trạng lạm phát cao và nền kinh tế đình trệ.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chủ chốt như Hùng Vương cũng bị ảnh hưởng. Khi các thị trường nhập khẩu không chỉ gặp khó khăn về khả năng thanh khoản và còn gặp rủi do do đồng tiền thanh toán bị mất giá.

Yếu tố thứ 2 là Brexit. Nước Anh rời liên minh châu Âu hồi tháng 6 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, chính trị và quân sự cho cả Anh, EU và toàn thế giới. Hùng Vương cũng chịu ảnh hưởng lớn từ "cơn địa chấn" Brexit.

Tại thời điểm tháng 5, tháng 6/2016, giá giao dịch bình quân của bánh dầu đậu nành lên đến 450 USD/tấn, mức cao nhất trong 2 năm qua. Ngay khi Brexit xảy ra, đồng đô la Mỹ lên mạnh, cộng thêm thời tiết chuyển biến thuận lợi tại Nam Mỹ làm cho giá bánh dầu đậu nành đang liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2016 đột ngột đổi chiều giảm mạnh. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá từ 450 đô la Mỹ rớt xuống còn 360 USD/tấn. Đến tháng 9/2016, giá chỉ còn 290 USD/tấn cho kỳ hạn 12 tháng.

Đồng đô la Mỹ chạm mức cao nhất trong 13 năm qua làm cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu kém cạnh tranh hơn. Không chỉ bánh dầu đậu nành mà cả lúa mì, bắp cũng giảm.

Dự báo sai khi cho rằng giá bánh dầu có thể tăng đến mức 500 USD/tấn, việc nhập về một số lượng lớn bã đậu nành với giá cao so với thực tế khiến Hùng Vương gánh thiệt hại lớn.

Chủ tịch HĐQT xin lỗi về dự báo sai

“Vừa rồi, cách đây không lâu, lãnh đạo Hùng Vương tuyên bố lãi 500 tỷ. Sau đó một thời gian lại thông báo lỗ 49 tỷ đồng. Đây là thông báo sốc khiến chúng tôi, những cổ đông, rất sốc và ngạc nhiên”, một cổ đông nói và yêu cầu lãnh đạo công ty giải thích về việc họ đã gửi thư mà chưa thấy trả lời.

“Đầu tiên, chúng tôi xin lỗi tất cả các cổ đông. Chúng tôi có muốn có đủ bằng chứng pháp lý, có cơ sở để trả lời, chứ không phải tránh né cổ đông. Chúng tôi đối diện trực tiếp chứ không tránh né. Những trường hợp bất khả kháng, dự báo hoàn toàn có cơ sở nhưng những tình huống bất khả kháng sau Brexit của Anh khiến tình thế thay đổi”, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG nói.

Ông Minh giải thích thêm, Brexit là trường hợp bất khả kháng đối với Hùng Vương. Nhiều doanh nghiệp chế biến phải bán tháo để giải quyết tài chính và ngân hàng. Cả thế giới đều bị ảnh hưởng của Brixet. Nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hùng Vương cũng không tránh khỏi cơn địa chấn trên.

Dư sức xóa khoản lỗ 49 tỷ


Mục tiêu của Hùng Vương năm 2017 và 2018. Nguồn: Công ty CP Hùng Vương

Mục tiêu của Hùng Vương năm 2017 và 2018. Nguồn: Công ty CP Hùng Vương

Trước câu hỏi về việc công ty có xóa được khoảng nợ 49 tỷ hay không, ông Minh khẳng định: “Chúng tôi dư sức xoá nợ trong 6 tháng đầu năm nay mà còn báo cáo có lãi tốt từ lợi nhuận các công ty con chuyển về. Có khả năng năm nay 1 cổ phiếu của Agufish từ 5.000 đồng/cp, FMC cũng vậy và riêng chỉ Việt Thắng giữ lại để thực hiện các kế hoạch đầu tư mới”.

Năm 2017, Hùng vương đang có những bước đi thận trong để đảm bảo mức tăng trưởng ổn định. Công ty đặt ra mục tiêu đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ lợi nhuận.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM