Vụ xử Vũ “nhôm”: Tranh cãi cách tính lãi

14/12/2018 09:15 AM | Xã hội

Luật sư của bị cáo Vũ "nhôm" cho rằng, theo cách tính hiện nay của các vị luật sư đưa ra yêu cầu đề nghị bồi thường là lãi chồng lãi, không đúng với quy định của pháp luật.

Sau phần công bố quan điểm của Viện kiểm sát (VKS), các luật sư tham gia tranh luận.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, tham gia bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ , hay còn gọi là Vũ “nhôm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng Bắc Nam 79.

Luật sư bổ sung về ý kiến của phía nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á (DAB). Đối với vấn đề cho rằng ông Vũ phải chịu trách nhiệm chính với số tiền 203 tỷ đồng, luật sư tranh luận và đưa ra câu hỏi với các luật sự của DAB là dựa vào căn cứ nào để đưa ra lập luận này?

Về khoản tiền hơn 203 tỷ đồng, trong phần tranh luận luật sư đã trình bày đây là khoản tiền gốc và lãi mà ông Vũ đã vay của cá nhân ông Bình từ ngày 17/1/2014 và cho đến thời điểm phiên tòa xử 4/12/2018, ông Vũ đã hoàn thành nghĩa vụ trả lại khoản vay kèm lãi cho ông Bình một cách đầy đủ. Tiền gốc 200 tỷ đồng, tiền lãi là gần 3,2 tỷ đồng tính từ ngày cho vay 17/1/2014 đến ngày 15/5/2014.

Do đó, luật sư cho rằng không thể căn cứ vào số tiền hơn 203 tỷ đồng để tính lãi suất cơ bản được. Luật sư cho rằng theo cách tính hiện nay của các vị luật sư đưa ra yêu cầu đề nghị bồi thường là lãi chồng lãi, không đúng với quy định của pháp luật.

Về số tiền 13,4 triệu USD, luật sư cũng nêu đây là khoản tiền của Vũ “nhôm” vay ông Trần Phương Bình . Khoản tiền này đã được cáo trạng xác định là ông Vũ không chịu trách nhiệm hình sự đối với khoản tiền này, do đó không thể yêu cầu ông Vũ bồi thường cho DAB được. Tuy nhiên, ông Vũ với trách nhiệm của mình đã cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho cá nhân ông Bình về số tiền này.

Đối với một số lập luận liên quan đến trách nhiệm hình sự của ông Bình và ông Vũ có hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” để làm căn cứ đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại. Luật sư cho rằng đã vượt qua phạm vi bộ Luật Tố tụng hình sự 2015. Vì cho đến này, tòa án đang xét xử và chưa đưa ra phán quyết nên không thể suy luận, đánh giá hành vi của các bị cáo một cách chủ quan, trong đó có liên quan đến ông Vũ.

Luật sư Trạch cho rằng, việc đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền chính đáng của nguyên đơn dân sự trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, phải căn cứ vào các quy định của Tố tụng Hình sự để đưa ra yêu cầu trong phạm vi nguyên đơn dân sự.

Trước đó, ở phiên sáng 12/12, luật sư của DAB cho rằng  số tiền 203 tỷ đồng là do ông Vũ nhận từ DAB nên Vũ phải có trách nhiệm trả lại DAB, ông Bình chỉ chịu trách nhiệm liên đới về số tiền này.  Còn việc bị cáo Vũ nộp tiền sau khi đã khởi tố vụ án và sau khi tòa đã xét xử thì đấy là tình tiết khắc phục hậu quả chứ không phải giảm trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho DAB, DAB là tổ chức tín dụng được cấp phép theo quy định của pháp luật. Hành vi trên đã gây ra những tổn thất gắn liền với các tài sản này do đó việc yêu cầu các cá nhân có hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại phải bồi thường lãi bằng tiền và vàng là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

Thời điểm yêu cầu bồi thường của DAB là thời điểm phát sinh thiệt hại, là từ lúc việc âm quỹ DAB đến khi phiên tòa xét xử vào 27/11/2018. Mức lãi suất đề nghị áp dụng căn cứ theo lãi suất cơ bản bằng VNĐ do Ngân hàng Nhà nước ban hành theo từng năm tài chính. Cụ thể, năm 2004 là 7,5%; 2005 là 8,25%; 2006 là 8,25%; 2008 là 14%; 2009 là 8%; 12/2010- 7/2018 ở mức 9%.

Theo Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM