Vụ Tập đoàn Đầu tư An Đông đang được xã hội, người dân rất quan tâm

11/10/2022 14:30 PM | Kinh doanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vụ việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan cùng những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đang được xã hội, người dân rất quan tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông đang được xã hội, người dân rất quan tâm
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông đang được xã hội, người dân rất quan tâm

Sáng nay, 11-10, tiếp tục phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỉ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Vụ Tập đoàn Đầu tư An Đông đang được xã hội, người dân rất quan tâm - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách và đầu tư công - Ảnh: Phạm Thắng

Trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết kinh tế - xã hội cả nước phục hồi tích cực, GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Như tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (quý III/2021 GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%) mặc dù tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2%.

Trong khi đó, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Việc "phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên" không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30-9-2022 chỉ đạt 46,7%, riêng vốn ODA chỉ đạt khoảng 15%. Có tới 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình (46,70%), trong đó có 14 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.

Cùng với đó, mặc dù giải ngân thực hiện FDI rất tích cực dự kiến cả năm đạt khoảng 21-22 tỉ USD nhưng thu hút FDI 9 tháng giảm 15,3% so với cùng kỳ, nhất là vốn đăng ký cấp mới chỉ bằng 57%, chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư.

Một điểm đáng chú ý là xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại; cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước xuất siêu 6,52 tỉ USD, tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ ước xuất siêu cả năm 1 tỉ USD, đề nghị báo cáo làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm lên tới 5,5 tỉ USD. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu quý III/2022 là 14,4%, thấp hơn mức tăng 21,2% trong quý II, bất chấp nền thấp của quý III/2021. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn (gồm Mỹ, EU) giảm mạnh do lo ngại rủi ro lạm phát và suy thoái; Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero COVID, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc về Việt Nam.

Trong khi đó, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… còn nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.

Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng năm 2022 tăng cao (38,6% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng những doanh nghiệp mới chưa đóng góp nhiều cho nền kinh tế, trong khi đó doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, 9 tháng năm 2022 bình quân mỗi tháng có 12,5 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn bình quân của năm 2020 (8,5 ngàn doanh nghiệp) và năm 2021 (gần 10 ngàn doanh nghiệp).

"Có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước" - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỉ giá đồng Việt Nam so với đồng USD trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD, nhất là tới tiềm lực dự trữ ngoại hối và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam so với các nước khác. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ nguyên nhân của nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng; đến cuối tháng 7-2022, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,7%; tỉ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,41%.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Kết thúc phiên ngày 7-10-2022, chứng khoán Việt Nam đã giảm 484 điểm, tương ứng 31,8% từ đỉnh (ngày 6-1-2022), là thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index hiện đang ở mức thấp nhất kể từ phiên ngày 10-12-2020; HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang ghi nhận mức điểm thấp nhất trong gần 2 năm trở lại đây.

"Vụ việc xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan cùng với những vụ việc khác liên quan đến thị trường trái phiếu đã xảy ra trong năm đang được xã hội, người dân rất quan tâm"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Một mối lo khác được Ủy ban Kinh tế đặt ra là thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng "đẩy giá" gây sốt ảo bất động sản. Rủi ro liên thông giữa thị trường vốn với hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản gia tăng.

Về vấn đề xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng nêu lên tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới việc khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với "lợi ích nhóm" có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoản. Như vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Trước đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị liên quan. Căn cứ kết quả điều tra, C03 đã khởi tố bị can, lệnh bắt để tạm giam, lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan (SN 1956, trú tại TP HCM), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP).

Ngoài ra, Trương Huệ Vân (SN 1988, trú tại TP HCM), Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng (SN 1984, trú tại TP HCM), trợ lý Tập đoàn VTP; Hồ Bửu Phương (SN 1972, trú tại TP HCM), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn VTP, cùng bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

3-chot-3-16652428544161007081096

Từ trái sang, từ trên xuống: Các bị can Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng và Hồ Bửu Phương tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an

Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can trên đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong thời gian 2018 - 2019.

Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, C03 đã thi hành các thủ tục tố tụng. C03 cũng thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch Tập đoàn VTP. Cơ quan Điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra hành vi phạm tội của các bị can và triệt để thu hồi tài sản.


Theo Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM