Vụ mầm non Sen Vàng: Hai cô giáo có thể bị phạt tới 7 năm tù

08/02/2017 19:45 PM | Xã hội

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Văn phòng luật sư Thiên Thanh), ngoài chịu mức phạt hành chính, 2 giáo viên trường mầm non Sen Vàng có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích

Vụ bạo hành của giáo viên trường mầm non Sen Vàng (cơ sở Minh Khai) mới đây chỉ là một trong số nhiều vụ bạo hành đối với trẻ em mầm non liên tiếp xảy ra đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật cần có biện pháp răn đe cứng rắn hơn, như truy cứu trách nhiệm hình sự thay vì dừng lại ở xử phạt hành chính đối với 2 giáo viên trường mầm non Sen Vàng nói riêng và các đối tượng có hành vi tương tự nói chung.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với một số luật sư tại Hà Nội về vấn đề này.

Hình phạt có thể lên tới 7 năm tù.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho rằng: Việc Hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vy bị pháp luật nghiêm cấm. Điều này được quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Theo luật sư: việc một số giáo viên trường Mầm non Sen Vàng mắng mỏ, đánh trẻ em đã phạm vào điều cấm của pháp luật. Các giáo viên này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng theo điều 27, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013.

Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Văn phòng luật sư Thiên Thanh), ngoài chịu mức phạt hành chính, hai giáo viên này còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể lên tới bảy năm tù!

Về trách nhiệm của Hiệu trưởng trường mầm non Sen Vàng, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết: theo quy định của “Điều lệ trường mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ là người chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý các hoạt động và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường, nhà trẻ.

Như vậy, trước sự việc xảy ra tại trường mầm non Sen Vàng, Hiệu trưởng nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với mức xử phạt, luật sư Truyền cho rằng: trường mầm non Sen Vàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền lên tới 16.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 138/2013/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

Sai lầm từ quan điểm “Yêu cho roi cho vọt”

Chia sẻ dựa trên quan điểm cá nhân, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Văn phòng luật sư Thiên Thanh) cho rằng: người Việt vẫn đang mang nặng tâm lý “Yêu cho roi cho vọt” đã ăn sâu vào tiềm thức lâu đời, chuyện dùng bạo lực để giáo dục trẻ ngay từ trong gia đình, xã hội vốn chưa bị lên án mạnh mẽ.

Mặc dù pháp luật đã quy định hết sức cụ thể hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật, Khoản 6 điều 7, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định hành vi bị cấm như sau: “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Ông Truyền bổ sung thêm: “Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP cũng diễn giải rõ hơn về điều khoản này, cụ thể những hành vi cấm được quy định là: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.”

Theo luật sư Truyền, những năm gần đây, việc các nhóm lớp mầm non mọc lên ‘như nấm” khiến cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm soát hết được. Điều này cho thấy, việc chăm sóc cho trẻ em lứa tuổi mầm non chưa thật chu đáo khiến người làm giáo dục cũng như xã hội cần xem xét lại chiến lược giáo dục và chăm sóc đối với trẻ em.

“Trên thế giới, ngành khoa học và giáo dục quan niệm, chăm sóc cho trẻ dưới 5 tuổi là nền tảng để phát triển nhân cách cho một con người trong tương lai. Nếu chúng ta không chăm sóc cho lứa tuổi này thì nhân cách của các em sau này sẽ có nhiều sự lệch lạc. Việc xác định sinh viên tốt nghiệp ngành mầm non hết sức ngặt nghèo, trải qua nhiều công đoạn. Nếu sinh viên nào không có đủ trình độ, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng chăm sóc trẻ thì nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp cho người đó.

“Thế nhưng”, ông Truyền nói tiếp: “Ở Việt Nam lại khác, nhiều cơ sở mầm non tuyển chọn giáo viên dựa theo quá trình đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng với thời gian học chỉ từ 6 tháng đến 3 năm. Hầu như sinh viên nào học xong đều được cấp bằng tốt nghiệp, tôi tin nhiều người không hề có phẩm chất đạo đức, tình yêu thương trẻ nhưng vẫn đăng ký nộp hồ sơ xin học đào tạo về giáo viên mầm non. Khi có được tấm bằng tốt nghiệp đó, họ lại sử dụng để mở trường nhằm mục đích kiếm tiền chứ không phải vì lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp và tình yêu đối với trẻ”./.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền: trong trường hợp phát hiện con cái mình là nạn nhân của các hành vy bạo hành, ngược đãi, các phụ huynh hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe, tinh thần của các con bị xâm phạm căn cứ theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.

Khoản bồi thường có thể bao gồm các chi phí hợp lý cho việc chữa trị thương tích, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, tổn thất tâm lý cho các trẻ; thu nhập bị mất của các phụ huynh trong thời gian phải chăm sóc cho các trẻ, các chi phí phát sinh khi phải thực hiện việc chuyển trường...

Theo Võ Phương

Cùng chuyên mục
XEM