Vụ lô hàng mỹ phẩm 11 tỷ không rõ nguồn gốc: Đâu là phần chìm của “tảng băng”?

06/11/2017 10:55 AM | Kinh doanh

Sau vụ Khaisilk lừa đảo người tiêu dùng, dư luận lại tiếp tục bàng hoàng khi được biết, một tên tuổi lớn khác là Cty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam đang bị tạm giữ lô hàng 14 nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá 11 tỷ đồng không rõ nguồn gốc.

Sau hơn 10 ngày bị tạm giữ, bà Nguyễn Thu Trang, chủ lô hàng nói trên, vẫn không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của chúng.

Có nghĩa lô hàng là hàng lậu, hoặc hàng nhái, hàng giả.

Dư luận bị sốc, bởi vì đã từ lâu, Cty T's Group nổi tiếng, gắn với tên tuổi bà chủ Nguyễn Thu Trang với nhiều giải thưởng như “Hiền tài đất Việt”, được đề cử đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà Châu Á  2017, diễn ra vào tháng 11 năm nay.

Các sản phẩm của công ty do bà Trang làm chủ được quảng cáo là hàng cao cấp, 100% nguồn gốc thiên nhiên, tác dụng thần kỳ sau 15-20 ngày dùng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu lô hàng nói trên được tiêu thụ trót lọt ra thị trường? Bởi đây là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được hấp thu vào cơ thể con người, nếu có yếu tố nguy hại thì hậu quả vô cùng lớn.

Khác với khăn lụa Khaisilk, tuy người dùng có mất tiền, nhưng không gây hại về sức khỏe.

Cả hai doanh nhân nói trên đều xây dựng hình ảnh “rực rỡ” trên mạng xã hội, với những phát ngôn ấn tượng về sự trung thực, vì người tiêu dùng…

Người dân đặt câu hỏi, tại sao những sự dối trá, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng như thế vẫn ung dung, khoe khoang trên báo chí, mạng xã hội, qua mặt tất cả các cơ quan chức năng.

Và còn có bao nhiêu doanh nhân, doanh nghiệp, thương hiệu… như hai trường hợp nói trên, đang múa may lừa đảo người dân, nấp sau những tên tuổi, danh hiệu, giải thưởng hào nhoáng; những kẻ làm giàu và khoe khoang bằng cách lừa dối, đầu độc người dân.

Báo chí đã phản ánh rất nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng hóa cao cấp… lừa dối người dùng. Chúng ta có hệ thống pháp luật, hệ thống quản lý, kiểm soát về kinh doanh chặt chẽ, từ cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hệ thống cơ quan chức năng từ trung ương đến cơ sở, hội Bảo vệ người tiêu dùng… mà vẫn sót lọt những vụ lớn như vậy.

Cần rà soát, xem xét hệ thống nói trên, điều chỉnh ngay những kẽ hở pháp lý, xử lý cán bộ chức năng dung túng, bao che cho doanh nghiệp sai phạm (nếu có), từ kỷ luật, cho ra khỏi ngành hoặc truy tố.

Một nghịch lý là hiện tượng kinh doanh phi pháp, bất nhân tung hoành, thậm chí những kẻ dối trá lại trở thành những “điển hình” của doanh nhân, doanh nghiệp.

Theo Quang Đại

Từ khóa:  mỹ phẩm
Cùng chuyên mục
XEM