Vụ lái xe tải cứu xe khách: Anh hùng thì không được mặc quần xà lỏn?

11/09/2016 12:50 PM | Xã hội

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã bị bầm dập khi truyện ngắn của ông dám "vẽ chân dung" một anh hùng, với vài chi tiết rất đời thường và rất con người.

Không ai làm anh hùng suốt 24/24h cả trong giấc ngủ và trong khi làm những việc không tiện kể mà người nào cũng phải làm mỗi ngày.

Tài xế xe tải Bắc chắc chắn đã góp phần cứu mạng mấy chục hành khách. Chính tài xế xe khách, hành khách, cảnh sát giao thông và cả các tài già, đã nhận thấy điều ấy.

Nhưng cái việc chắc chắn góp phần đem lại mạng sống cho nhiều người ấy, đã bị ảnh hưởng lớn vì một vài chi tiết không chắc chắn.

Đó là chuyện chiếc xe khách mất thắng lao đi với tốc độ 120 km/h.

Một bác tài từng vào sinh ra tử trên đường đã đưa ra cả clip thử nghiệm một chiếc xe khách lao vào vật cứng ở tốc độ 56km/h và kết quả tan nát ra sao để chứng minh chiếc xe trên đèo Bảo Lộc không thể có vận tốc ấy, mà vẫn dừng lại được với nguyên vẹn hành khách.


Tác giả Bùi Hải.

Tác giả Bùi Hải.

Đó là chuyện anh Bắc thấy hành khách vẫy tay kêu cứu.

Người lái xe tải không thể có "thiên lý nhãn" nhìn xuyên tấm kính kín và những hàng ghế cao hơn đầu khách, để thấy những bàn tay bên trong.

Đó là chuyện anh Bắc chủ động gọi điện và ra hiệu cho lái xe khách đâm vào đuôi xe mình rồi dìu xuống đèo. Chính lái xe tải và lái xe khách, cuối cùng đã phủ nhận điều phi lý này.

Những chi tiết không chắc chắn ấy có thể đến từ sự vội vàng của một vài tờ báo; có thể đến từ sự hoảng hốt đến mức nhầm lẫn của người lái xe khách, và hoàn toàn có thể đến từ sự vội vàng trong phát ngôn của chính anh Bắc.

Trong men say thành tựu, trong cơn tung hô đến choáng ngợp, người ta dễ nói quá đi một chút những gì thực sự xảy ra. Đó hoàn toàn không phải điều hi hữu.

Tôi còn nhớ, một vài bài báo của nhiều chục năm trước, đã dành cả đoạn dài mô tả tâm trạng của viên phi công chiến đấu bắn rơi được máy bay địch.

Đoạn mô tả ấy nói rằng, trong giờ phút đối mặt sinh tử với máy bay Mỹ, trước khi ấn nút tên lửa, viên phi công bất giác nhìn xuống đồng lúa, làng mạc quê hương. Những thứ lướt qua dưới cánh máy bay thật đẹp.

Và hình ảnh đau thương của những nạn nhân bom Mỹ hiện lên trong đầu anh như một thước phim quay chậm. Sự căm thù bốc lên ngùn ngụt và nó giúp anh quyết đoán hơn khi nhấn nút bắn.

Sau này, một tướng phi công đã cười bảo tôi rằng: Lúc ấy, chỉ nghĩ được mỗi một điều: Nó sống thì ta phải chết. Phải lựa chọn nhanh nhất cách bắn nào để ta có cơ hội sống. Chỉ có vài chục giây để quyết định, đầu óc nào mà nghĩ đến làng mạc, quê hương, phim quay chậm.

Chúng ta, từ lâu đã quá quen với kịch bản giống nhau đến kinh ngạc: Những người hùng thì phải hoàn hảo. Người hùng ấy không thể có tật xấu nào, dù nhỏ. Người hùng ấy không thể xuất hiện với quần xà lỏn và áo ba lỗ hoặc một mái tóc bù xù.

Xã hội cần rất nhiều những con người bình thường nhưng một lúc nào đó cũng có thể loé sáng, xả thân vì người khác, hơn là chỉ nhào nặn nên một vài người hùng hoàn hảo đến chân tơ kẽ tóc.

Chính vì tư tưởng đúc khuôn đó, mà rất nhiều người đã thấy bị tổn thương một cách nghiêm trọng, khi có những chuyên gia chỉ ra những chi tiết vô lý của vụ "xe tải dìu xe khách".

MC Phan Anh, trong một tư duy nhất quán "Đừng im lặng" sau vụ "60 phút mở" của VTV đã nói rằng: Trong vụ xe dìu nhau, cần phải lên tiếng, dù sự thật đó có làm ai đó đau chút ít:

"Và quan trọng nhất, người ta sẽ hiểu, sẽ chấp nhận rằng anh hùng hoàn toàn có thể xuất hiện từ những điều giản dị, anh hùng cũng có thể có lúc ích kỷ, nhỏ nhen. Anh hùng không hoàn hảo. Anh hùng cũng là người… Đã hoàn toàn qua rồi thời kỳ những anh hùng trên giấy, được tô trát, mộng mị với bao điều không thật…

Và em nghĩ, anh hùng đẹp nhất vẫn là anh hùng trong sự thật đời thường, chứ không phải vòng hào quang do công chúng, truyền thông hay tổ chức nào đó vẽ ra".

Nguyễn Thu Trang, một nhà báo làm nhiều việc thiện, cũng thấy buồn: "Hành động của anh Bắc có ý nghĩa hơn, nhân văn, sâu sắc hơn nếu truyền thông không đẩy sự việc lên thái quá, biến một người tốt thành nạn nhân của trò câu views, kinh doanh, PR…".

Hai ngày trước, tái xuất hiện sau một thời gian dài ở ẩn, tác giả "Tướng về hưu" (người đã tạo nên một hiện tượng văn học, nhưng cũng đã bầm dập vì dám vẽ đời thường anh hùng giống người thường), nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đã bình thản thú nhận tật xấu của chính mình: "Tôi cũng mê tiền, cũng thích phụ nữ…".

Nguyễn Huy Thiệp nói, một xã hội sụp đổ, hỗn loạn không phải vì kinh tế hay vấn đề gì khác mà bởi vô đạo.

Anh Bắc có thể nói sai một vài chi tiết, nhưng nếu vì thế mà anh bị một số người quay sang sỉ nhục như thể không làm gì để cứu hàng chục mạng người, thì liệu sau này anh Bắc và bao người khác có còn tin vào sự tử tế và dám làm sự tử tế?

Khi mất niềm tin vào sự tử tế trong xã hội, chúng ta đã vô tình dâng lễ vật cho vô đạo.

Theo Bùi Hải

Cùng chuyên mục
XEM