Vụ "Chuyến bay giải cứu": Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc xin được hưởng án tù

18/07/2023 14:25 PM | Xã hội

Tự bào chữa tại phiên toà "Chuyến bay giải cứu" sáng 18-7, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định không gây khó khăn, ép buộc các doanh nghiệp đưa tiền mà là doanh nghiệp tự nguyện

Sáng nay 18-7, phiên toà xét xử cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh tụng.

Vụ Chuyến bay giải cứu: Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bật khóc xin được hưởng án tù - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên được dẫn giải tới phiên toà. Ảnh: Hữu Hưng

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cáo buộc Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42 tỉ đồng bằng "thủ đoạn trắng trợn". Do đó, VKSND đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Kiên.

Bị cáo Kiên nghẹn ngào xin được hưởng mức án nhẹ hơn

Tại phiên toà sáng 18-7, cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế thừa nhận hành vi như cáo trạng đã nêu và cho biết bản thân rất ăn năn, gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng người dân về "hành động sai trái của mình". Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định không gây khó khăn, ép buộc các doanh nghiệp đưa tiền, việc đưa bao nhiêu là do doanh nghiệp tự nguyện.

Theo bị cáo Kiên, Tổ công tác 5 bộ có group chat Viber để trao đổi thông tin với nhau. Ví dụ, khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ về cấp phép chuyến bay, bị cáo Tô Anh Dũng khi đó là Thứ trưởng hay cấp dưới Đỗ Hoàng Tùng, cựu phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), sẽ báo lên group chat, xin ý kiến các chuyến bay, đề nghị sớm gửi lại ý kiến cho Bộ Ngoại giao. Gần ngày phải trả lời, bị cáo Tô Anh Dũng hoặc Đỗ Hoàng Tùng sẽ nhắc lại trên group, đề nghị các bộ nào có văn bản thì khẩn trương trả lời.

"Căn cứ nội dung đó, thể hiện một phần chuyến bay combo là bị cáo không thể làm chậm tiến độ công việc về cấp phép chuyến bay, gây ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp"- Kiên nói.

Phạm Trung Kiên dẫn chứng về một số bị cáo trong vụ đưa hối lộ cho anh ta là tự nguyện. Cụ thể, trường hợp bị cáo Lê Văn Nghĩa có gọi cho bị cáo sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản chấp thuận chuyến bay của Công ty Nhật Minh. "Anh Nghĩa gọi, bảo đang ở Khánh Hòa, biết em và Bộ Y tế tạo điều kiện nhưng chưa gặp được, khi nào có chuyến bay nội bộ trong nước sẽ gặp. Một tháng sau, anh Nghĩa gặp, chuyển số tiền như cáo trạng nêu"- Kiên khai.

Bị cáo Phạm Trung Kiên tiếp tục đưa ra một số ví dụ một số doanh nghiệp cũng chỉ chuyển 100 triệu đồng trên nhiều chuyến bay để khẳng định rằng: "Anh chị đưa bao nhiêu tiền thì nhận bấy nhiêu chứ không có sự ép bức nào"- Kiên tự bào chữa

Với số tiền 15 tỉ đồng nhận từ các doanh nghiệp liên quan đưa khách lẻ về nước, Kiên cho hay khi nhận thức được sai lầm đã chủ động khai nhận với cơ quan điều tra nên xin tòa ghi nhận đây là sự thành khẩn để giảm nhẹ. 

"Thời điểm dịch xảy ra ở Hà Nội, bị cáo thường xuyên tháp tùng thứ trưởng đi công tác phòng chống dịch ở nhiều tỉnh thành, bị cuốn vào guồng công việc mà không nhận thức được hành vi sai trái khi nhận tiền của doanh nghiệp. Khi nhận thức được, gia đình mới biết bị cáo nhận của doanh nghiệp bao nhiêu tiền, bị cáo cũng tác động gia đình nộp lại, nguyện vọng sẽ đóng 100% số tiền đã nhận hối lộ nên xin hưởng sự khoan hồng"- Kiên khai đến đây thì bật khóc và xin Hội đồng xét xử cho bị cáo mức án tù để "có cơ hội trở về".

Theo Nguyễn Hưởng - Hữu Hưng

Cùng chuyên mục
XEM