Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Người dân cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe

30/08/2019 17:11 PM | Xã hội

Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân xảy ra chủ yếu ở những người trực tiếp hoạt động ở trong đám cháy như: Lực lượng chữa cháy, người dân tham gia cứu hộ, di chuyển trong khu vực cháy… Mức độ nhiễm độc thủy ngân còn phụ thuộc vào nồng độ thủy ngân trong không khí ở nơi cháy, khói, thời gian tiếp xúc, ngược hay xuôi chiều gió…

Ngày 30/8, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh vện Bạch Mai cho biết: "Tính đến chiều 30/8, đã có 12 người (trong đó có 10 phóng viên tác nghiệp tại vụ cháy và 2 người dân) đến bệnh viện khám, kiểm tra vì lo lắng tình trạng nhiễm độc hóa chất. Các bệnh nhân có biểu hiện như: Chóng mặt, tức ngực, buồn nôn, đau đầu… và phần lớn đã ổn định, hết các triệu chứng sau khi khám, xử trí. Các bệnh nhân cũng đã được làm các xét nghiệm cơ bản liên quan, khi có kết quả, các bác sĩ sẽ có thông báo sớm nhất".

Theo khuyến cáo của Trung tâm chống độc, những biểu hiện của nhiễm độc khi tiếp xúc hít hơi khói trong vài giờ có thể xảy ra như: Ho tức ngực, khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy,… nặng hơn có thể tê yếu, run, mỏi mệt, đau đầu… Nhiễm độc thủy ngân có 2 giai đoạn: Với ngộ độc cấp, khi mới xảy ra cần xử trí nhanh nhất; còn nếu không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, có thể để lại di chứng về thần kinh.

Ngay khi tiếp xúc với thủy ngân, người dân xử trí theo cách sau: Nếu bị thủy ngân bắn vào mắt, phải rửa sạch ngay lập tức. Nếu bị thủy ngân tiếp xúc vào da cần gỡ bỏ quần áo, rửa nước sạch và kịp thời đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời. Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được xử lý theo các triệu chứng, việc điều trị chống độc phải sử dụng thuốc giải độc.

Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Người dân cần bình tĩnh theo dõi sức khỏe - Ảnh 1.

Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự cuộc họp cung cấp thông tin tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai chiều 30/8. Ảnh Lê Phú


Bên cạnh thủy ngân, trong vụ cháy này có thể tính đến cả việc nhiễm độc các hóa chất khác như: Khí CO, lưu huỳnh… Với lưu huỳnh, có thể gây kích ứng ngay tại chỗ như: Cay mắt, ho, tức ngực…

Trước những lo lắng của người dân về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân tại khu vực cháy, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho biết: "Trong môi trường có sử dụng thủy ngân, khi xảy ra cháy, có nguy cơ nhiễm độc với những người tiếp xúc trực tiếp với đám cháy, hít khói kéo dài như: Lực lượng cứu hỏa, người dân tham gia chữa cháy, người dân di chuyển trong đám cháy… Với những người ở xa, nguy cơ sẽ ít hơn. Nguy cơ nhiễm độc ít hay nhiều còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đơn cử như những nơi có lượng thủy ngân ở mức cao, không gian chật hẹp, không thông gió… thì nguy cơ cao hơn.

Trong trường hợp cháy vừa qua, là thủy ngân kim loại, khả năng nhiễm độc chủ yếu trong giai đoạn đang cháy, ở thể trạng bốc hơi, nên sau khi đám được dập tắt, nguy cơ nhiễm độc ít hơn.

"Người dân không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh để theo dõi, nếu sức khỏe không có gì bất thường thì không nhất thiết phải đổ xô đi khám, gây quá tải ở bệnh viện. Nếu có các biểu hiện bất thường như: Cay mắt mũi, ho, khó thở… người dân có thể đến các cơ sở y tế tuyến quận, huyện, đã có khả năng để kiểm tra", BS. Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Theo Tạ Nguyên-Lê Phú

Cùng chuyên mục
XEM