Vụ "cắm đầu cắm cổ" chạy chốt cọc đất: Chúng tôi sẽ xử nghiêm, tránh cơn sốt đất ảo!

23/02/2022 15:32 PM | Kinh doanh

Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh đã thông tin về chủ nhân thực sự của khu đất trong đoạn clip dựng rạp rao bán đất nền ở Bình Phước gây xôn xao dư luận.

Ông Nguyễn Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chiều hôm qua cho Tiền phong biết, UBND huyện đã cử ông đến xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh) để chủ trì buổi làm việc liên quan đến việc mua bán đất nền gây xôn xao dư luận vừa qua.

Theo đó, ở xã Lộc Khánh chưa có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép mở bán. Việc nhóm nhân viên bất động sản giới thiệu là "Dự án Lộc Khánh" để bán đất cho người dân là chưa đúng với thực tế.

"Việc đưa thông tin không đúng sự thật, dùng chiêu trò, dụ dỗ người dân dễ dẫn đến hệ lụy cho những người nhẹ dạ cả tin, làm xáo trộn lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh cơn sốt đất ảo lặp lại như hồi năm ngoái ở huyện Hớn Quản", Tiền phong dẫn lời đại diện lãnh đạo xã Lộc Khánh.

 Vụ cắm đầu cắm cổ chạy chốt cọc đất: Chúng tôi sẽ xử nghiêm, tránh cơn sốt đất ảo! - Ảnh 1.

Cảnh các nhân viên cắm đầu cắm cổ chạy để cọc đất. Ảnh cắt từ clip

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh thông tin trên tờ Sài Gòn giải phóng, khu đất nhóm người rao bán thuộc tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Song hiện không có bất cứ dự án khu dân cư nào ở xã được cấp phép.

Chủ tịch Vinh khẳng định với báo Lao động, Lộc Khánh chưa có dự án nhà ở, dự án khu dân cư, việc tổ chức rao bán đất nền dự án là chưa có căn cứ pháp lý. Ông nói, người đứng tên khu đất là bà Trần Thị T. (có địa chỉ tại khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), chứ không phải nhóm người đứng ra rao bán đất.

"Việc mua bán đất mà nhóm người này làm như chợ, không biết bán gì nữa. Khu đất này rộng chỉ khoảng hơn 1ha, phân ra khoảng 10 lô, không thể nào mà rao chốt cọc đến lô 24, lô 29 được.

Trong số những người tham gia thời điểm rao bán, ví dụ có 10 người thì có tới 9 người là "cò" chỉ có 1 người thực sự muốn mua đất. Có thể đất này đã mua bán trước đó rồi, việc đưa ra thông tin chốt cọc mua đất liên tục chỉ là dàn dựng "đóng phim" làm nóng thị trường bất động sản", một lãnh đạo xã nói trên báo Lao động.

Trước đó, đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, hàng loạt nhân viên bất động sản mặc vest, cầm cặp da cắm đầu cắm cổ chạy tứ phía để chốt giá đất nền. Nhân viên cứ thế chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC: "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi nhé". Cảnh tượng mua bán đất gây cảm giác "vui như hội" và đất "đắt như tôm tươi".

Theo Tiền phong, sự việc bán đất là của Công ty Địa ốc Nam Khương (Bình Dương).

Trước thông tin cho rằng công ty bất động sản "dựng trò sốt đất", ông Vũ Văn Khương, Giám đốc Công ty Địa ốc Nam Khương trả lời Tiền phong: "Với những lô đất có vị trí đẹp, nhiều người cùng quan tâm nên các nhân viên bán hàng phải chạy nhanh để giúp khách của mình đặt cọc sớm. Chúng tôi thấy chuyện đó là bình thường và hoàn toàn không có chuyện… diễn tuồng".

Ông Khương còn nói, vị trí đất này đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước cấp cho ông, được phép lên thổ cư ra sổ nên Công ty Nam Khương mới mở bán.

(Tổng hợp)

Theo P.V

Cùng chuyên mục
XEM