Vụ án cướp tài sản bitcoin: Tài sản số cần khung pháp lý

17/06/2023 08:24 AM | Xã hội

Phiên tòa xét xử vụ án cướp tài sản là bitcoin, quy đổi 37 tỉ đồng, tại TP HCM mới đây đặt ra về việc bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tài sản số, thúc đẩy các hoạt động liên quan đến công nghệ blockchain và kinh tế số phát triển

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Alex Phan (Phan Hồng Quân), Trưởng Ban Phát triển hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), xung quanh những vấn đề nêu trên.

Phóng viên: Thưa ông, từ vụ án cướp bitcoin vừa được đưa ra xét xử sơ thẩm, dưới góc nhìn chuyên gia, ông thấy thế nào?

Vụ án cướp tài sản bitcoin: Tài sản số cần khung pháp lý - Ảnh 1.

- Ông ALEX PHAN: Trước khi vụ án cướp bitcoin được đưa ra xét xử, VBA đã chủ động gửi công văn đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép chúng tôi cử 5 luật sư thuộc VBA, am hiểu về tài sản số, blockchain tham dự với tư cách là đơn vị độc lập có thể quan sát, tham vấn, hỗ trợ... một cách khách quan cho HĐXX về trường hợp này. Kết quả cho thấy HĐXX đã tuyên phạt 16 bị cáo với mức từ cao nhất là chung thân đến thấp nhất là 9 năm tù. Đặc biệt, trọng điểm của vụ án là HĐXX đã phản đối lại quan điểm của luật sư bào chữa (bên bị đơn) khi cho rằng các bị cáo chiếm đoạt bitcoin - tiền điện tử, chưa được pháp luật Việt Nam bảo hộ - nên các bị cáo chỉ phạm tội "Cướp tài sản" với tài sản chiếm đoạt là 3 điện thoại, 1 camera hành trình trị giá 45 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay lập tức HĐXX đã khẳng định dù "pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận bitcoin là tiền tệ, phương tiện thanh toán nhưng tòa không chỉ căn cứ vào kết luận định giá tài sản, mà theo nhận định thực tế là các bị cáo đã quy đổi số bitcoin cướp được thành gần 19 tỉ đồng và chia nhau chiếm hưởng nên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường lại số tiền trên cho bị hại".

Vụ án cướp tài sản bitcoin: Tài sản số cần khung pháp lý - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên xét xử Ảnh: TRẦN THÁI

Từ những kết luận này cho thấy cần bảo vệ những người sở hữu tài sản số, mở ra một cánh cửa rộng hơn cho kinh tế số phát triển. Bởi hiện nay Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý sát sườn tài sản số, công nghệ blockchain. Đó là khoảng trống của pháp luật, cần sớm có các chính sách, khung pháp luật để một mặt khuyến khích phát triển nền kinh tế số mới, mặt khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sở hữu tài sản số, trong bối cảnh có nhiều dự án lừa đảo tiền số (scam project) do một số người đã lợi dụng khoảng trống pháp luật này để huy động tiền trái phép, thậm chí lừa đảo mà không/chưa bị xử lý.

.Ông đánh giá về tầm quan trọng của tài sản số hiện nay, các tiềm năng, lợi ích của tài sản số trong tương lai?

- Hiện nay, tài sản số đã được nhiều nước trên thế giới thừa nhận, bởi nó có giá trị và được giao dịch trên các sàn giao dịch chính thức. Luật pháp Việt Nam có thể chưa đề cập tới tài sản số một cách cụ thể nhưng ở góc độ rộng thì Bộ Luật Dân sự năm 2015 (điều 115) đã định nghĩa về tài sản vô hình. Đảng và Chính phủ cũng đã và đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số thì câu chuyện tất yếu theo sau là phải công nhận tài sản số trong hệ thống pháp luật nước ta.

Trong báo cáo tài chính của 500 công ty lớn nhất thế giới (Fortune Global 500) thì khoảng 70%-80% tổng tài sản của họ là tài sản vô hình. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của tài sản vô hình (mà tài sản số là một thành phần trong đó) to lớn như thế nào đối với các công ty lớn thế giới.

Lâu nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào thâm dụng lao động, vốn, năng lượng... Doanh nghiệp FDI chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP là bởi họ được hưởng nhiều ưu đãi chính sách của Việt Nam (thuế, đất đai, lao động, tiêu chuẩn môi trường thấp...). Điều đó không có lợi cho tăng trưởng thực và bền vững của nền kinh tế cũng như không có nhiều đóng góp giá trị gia tăng cho thu nhập quốc nội (GNP). Giá trị xuất nhập khẩu thì có thể rất lớn, xuất siêu nhưng nền công nghiệp cơ bản của chúng ta vẫn yếu kém, phụ thuộc, giá trị gia tăng thấp...

Nền kinh tế số là cơ hội khá hiếm hoi để Việt Nam chúng ta có thể bứt phá nếu biết khai thác, phát triển tiềm năng con người. Bởi nguồn vốn con người có thể coi là vô hạn. Tiềm năng này được khai thác nhờ vào khả năng đổi mới sáng tạo. Để có điều này, chúng ta cần hơn nữa môi trường phát triển thuận lợi, với các chính sách hỗ trợ, thân thiện đối với nền kinh tế tri thức, kinh tế số bao gồm đào tạo, giáo dục, hướng nghiệp, tiếp nhận/chuyển giao tri thức... Trong đó, chiến lược tăng tốc cần định hướng vào các bạn trẻ, sinh viên các trường đại học nuôi dưỡng khát vọng, tích lũy kiến thức công nghệ và tạo các cơ hội khởi nghiệp (start-up) dễ dàng để các bạn trẻ đó có thêm niềm tin, động lực và môi trường thân thiện nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của chính mình. Đảng, Chính phủ đã có một số nghị quyết liên quan đến tạo điều kiện phát triển mạnh hơn về Chính phủ số, xã hội số và công dân số nhưng để các chủ trương đó đi vào cuộc sống vẫn cần có những sáng kiến, chính sách cụ thể hơn để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các công nghệ mới hơn nữa.

.Vấn đề luật hóa đối với tài sản số quan trọng như thế nào, thưa ông?

- Tại sao nước Mỹ có Thung lũng Silicon rất thành công? Thành công đó đến từ môi trường kinh doanh cực kỳ năng động của nước Mỹ đã có sức thu hút mạnh nhân tài công nghệ toàn cầu đến. Doanh nhân Mỹ rất ủng hộ tinh thần khởi nghiệp, dấn thân của các start-up, họ cho phép và chấp nhận thất bại, cấp vốn cho các ý tưởng công nghệ điên rồ, tinh thần sáng tạo bao trùm, thị trường chứng khoán Phố Walls đánh giá cao giá trị các công ty công nghệ, khung pháp lý thân thiện và bảo vệ doanh nghiệp, các start-up…

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5-2023 cũng không đưa vào quy định liên quan đến tài sản số. Tuy nhiên, tài sản vô hình thì đã được đề cập trong Bộ Luật Dân sự (điều 115).

Đối với tài sản vô hình, kể cả tài sản số thì người sở hữu tài sản đó đã được bảo vệ theo pháp luật. Tại các quốc gia khác trên thế giới, họ không cần định nghĩa hay ép vào khuôn khổ quá cứng nhắc về tài sản số nào, mà họ tạo ra môi trường chung để tài sản số, hoạt động của blockchain phát triển, họ đã xem nó là biến thể của tài sản vô hình.

Chính vì chưa có khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam nên việc quản lý đã bỏ ngỏ, tạo nên rủi ro cho các dự án cũng như những cá nhân có liên quan đến mảng tài sản số, công nghệ blockchain (proptech, fintech, các loại tiền số, gamefi...). Nếu có khung pháp lý cho tài sản số thì sẽ có nhiều lợi ích. Bởi tài sản số có nhiều ưu điểm như: tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tạo cơ hội đầu tư mới; đóng góp vào sự phát triển kinh tế, giảm chi phí và tăng độ giao dịch... 

Nhiều nước đã có khung pháp lý

Năm 2018, Thái Lan đã ban hành Luật Về tài sản số và Chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài sản số và tiền điện tử đăng ký hoạt động tại đây. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài sản số phải đăng ký và tuân thủ các quy định pháp lý của nước này. Ở Singapore, năm 2019, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Singapore phát hành một khung pháp lý mới cho các hoạt động liên quan đến tài sản số và tiền điện tử, cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đăng ký và hoạt động tại Singapore. Khung pháp lý này cũng đưa ra các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ người dùng, quản lý rủi ro và tuân thủ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến tài sản số. Đó là lý do 4/6 Unicorn Việt Nam đều đăng ký tại Singapore: VNPay, SkyMavis, VNG, Kyber Network.

Ở Nhật Bản thì có đạo luật về dịch vụ thanh toán và đạo luật trao đổi và công cụ tài chính. Ngoài ra còn có đạo luật ngăn chặn chuyển giao tài sản hình sự thiết lập các tiêu chuẩn AML cho tài sản số. Tài sản số được phân loại theo 4 hạng mục là tài sản mã hóa, Stablecoin, Token chứng khoán và các loại khác. Hàn Quốc có các cơ quan giám sát và quản lý hoạt động liên quan đến tài sản số, bao gồm Bộ Tài chính, Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại (KOTRA), Cục Dự trữ Liên bang Hàn Quốc và Cơ quan Giám sát và Giám định tài sản số Hàn Quốc (KISA). Mỹ thì đang tiếp cận với tài sản số và tiền điện tử bằng cách phát triển các quy định và chính sách mới để bảo đảm tính an toàn, minh bạch và tuân thủ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến tài sản số...

Theo Sơn Nhung

Cùng chuyên mục
XEM