VTV xin cơ chế xã hội hóa để đầu tư xây dựng tháp truyền hình

19/02/2017 13:23 PM | Kinh doanh

“VTV sẽ xin cơ chế xã hội hóa đầu tư xây dựng tháp truyền hình”, đây là ý kiến được ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV tiết lộ trong phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam tại Bộ TT&TT mới đây.

Trong phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam hôm 14/2/2017 tại Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV tiết lộ dự định này khi phát biểu về kế hoạch tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn triển khai hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 của VTV.

Ông Lương cho biết, mặc dù chưa được ghi vào nguồn vốn chi đầu tư của VTV trong năm 2017, nhưng sau khi làm việc với Bộ TT&TT, VTV sẽ cố gắng bố trí vốn để triển khai xây dựng các trạm phát sóng DVB-T2 tại các tỉnh sẽ số hóa truyền hình thuộc nhóm 2. Riêng đối với việc chuyển đổi phát sóng số DVB-T2 từ mạng đa tần sang mạng đơn tần là bài toán nan giải về nguồn vốn. Dự tính việc chuyển đổi này sẽ cần một khoản đầu tư từ 200-300 tỷ đồng, hiện VTV vẫn chưa có nguồn nhưng VTV dự tính sẽ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin nguồn từ số tiền thu được sau khi cổ phần hóa.

Theo đó, khi xây dựng đề án cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VTV sử dụng số tiền thu được từ bán cổ phần của VTV tại các doanh nghiệp để xây dựng tháp truyền hình. Theo Đề án xây dựng tháp truyền hình trước đây thì sẽ do VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư là chủ yếu. Nhưng sau khi xem xét lại thì nảy sinh khó khăn là nếu VTV và SCIC nắm hơn 60% vốn đầu tư tháp truyền hình sẽ khó làm được, vì tháp truyền hình để xây dựng cần có cơ chế rất đặc biệt, nên rất khó có thể dùng tiền của nhà nước để đầu tư vì sẽ phải xin rất nhiều cơ chế đặc thù.

Do đó, xu hướng của VTV là sẽ không dùng tiền bán cổ phần để đầu tư cho tháp truyền hình, mà sẽ sử dụng nguồn vốn từ xã hội hóa gần hết, VTV chỉ nắm dưới 30% vốn đầu tư vào tháp truyền hình.

Từ đó, VTV tính đến việc sẽ xin Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng số tiền thu được sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp để đầu tư sang chuyển mạng phát sóng truyền hình số từ đa tần sang đơn tần. Nếu có nguồn tiền từ cổ phần hóa được giao cho chuyển sang mạng đơn tần thì việc đầu tư cho hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 sẽ làm tốt đẹp, không phải lo lắng gì cả.


Dự án xây dựng tháp truyền hình của VTV dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa thay vì dùng tiền đầu tư của nhà nước. Ảnh minh họa: Internet

Dự án xây dựng tháp truyền hình của VTV dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa thay vì dùng tiền đầu tư của nhà nước. Ảnh minh họa: Internet

Tháp truyền hình dự kiến cao 636m với tổng mức đầu tư hơn 600 triệu USD. Dự kiến, tháp sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trong 6 năm, trong đó thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư hơn 2 năm và sẽ hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2021.

Theo thiết kế, đây là công trình vĩnh cửu, có tuổi thọ hàng trăm năm và với tính toán sơ bộ của đơn vị tư vấn, thời gian hoàn vốn cho tổ hợp dự án tháp truyền hình khoảng 15 năm kể từ ngày đưa vào vận hành khai thác. Xét về hiệu quả đầu tư, đây là thời gian thu hồi vốn có tính khả thi cao đối với loại hình công trình tương tự trên thế giới.

Theo công bố của VTV vào thời điểm đó, tổ hợp dự án tháp Truyền hình Việt Nam sẽ là biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch và các dịch vụ khác, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu của tư vấn, dự án sẽ gồm hạng mục tháp truyền hình và các hạng mục khác phục vụ kinh doanh thương mại, du lịch, giải trí.

Theo Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM