VTV đề nghị nhà nước quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền

14/04/2018 09:59 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV vừa đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu để có phương án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền, vì thị trường này có hiện tượng bù chèo, bán phá giá dịch vụ truyền hình.

VTV đề nghị nhà nước quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (người đứng) và Tổng giám đốc VTV trong buổi làm việc giữa hai đơn vị vào sáng 13/4/2018.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của Bộ TT&TT và VTV vào sáng ngày 13/4/2018, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu để ban hành phương án giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền.

Theo ông Nguyễn Thành Lương, từ khi các nhà mạng viễn thông tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền thì có hiện tượng bù chéo giá giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình. Các nhà mạng viễn thông có tiềm lực về hạ tầng, vốn lớn, lãi lớn đã bù chéo dịch vụ viễn thông và truyền hình, dẫn đến việc kinh doanh không công bằng bình đẳng trên thị trường truyền hình.

Ông Lương cho hay, VTV kiến nghị ban hành phương án giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền vì giá dịch vụ truyền hình ở Việt Nam đang rất rẻ, rẻ hơn so với các nước khác trong khu vực trong khi chất lượng các gói rất cao. Ví dụ, dịch vụ của K+ có 125.000 đồng/tháng mà xem tất cả các giải đấu lớn của quốc tế như Ngoại hạng Anh, Cúp C1, tennis, golf, nhiều nội dung mua độc quyền giá bản quyền rất cao. Không có một nước nào có gói dịch vụ truyền hình giá rẻ mà chất lượng cao như vậy.

“Nếu nhà nước có hướng dẫn về mức giá sàn các doanh nghiệp tuân thủ, hạn chế được việc bù chéo, cạnh tranh lành mạnh, làm tổng doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình tăng lên. Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán khó vì các doanh nghiệp truyền hình hoạt động theo cơ chế thị trường, dịch vụ thuận mua vừa bán”, ông Nguyễn Thành Lương đề nghị.

Trong khi nhà đài đề nghị nhà nước quản lý giá để chống bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình, thì nhà mạng viễn thông trước đây đã từng đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền để chống bán phá giá liên tục được đưa ra trong vòng 4 năm trở lại đây. Đặc biệt, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC là 1 trong 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh, trong các hội nghị của Bộ TT&TT đã liên tục kiến nghị với Bộ TT&TT cần quan tâm đến việc xây dựng chính sách chống bán phá giá dịch vụ truyền hình trả tiền.

VTV đề nghị nhà nước quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền - Ảnh 2.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long tại một Hội nghị giao ban của Bộ TT&TT hồi tháng 10/2016 cũng đề xuất, Bộ TT&TT cần nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo ông Long, hiện tại việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền có rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đua nhau bán với giá thấp, dẫn đến nguy cơ phá giá cao, do đó nhà nước cần có chính sách quản lý giá sàn đối với dịch vụ này.

Trong hai năm 2016, 2017 dịch vụ truyền hình MyTV của VNPT phát triển khá chật vật, liên tiếp không đạt kế hoạch cả về thuê bao và dịch vụ truyền hình MyTV do bị cạnh tranh. Trong khi đó, từ năm 2015 trở về trước dịch vụ MyTV tăng trưởng khá mạnh với gần 1 triệu thuê bao trong vòng 5 năm.

Kể cả SCTV, VTVcab là hai nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có số lượng thuê bao lớn nhất cũng đã có lần lên tiếng mong muốn nhà nước quản lý giá dịch vụ truyền hình trả tiền. Việc quản lý này nhằm chống nạn bán phá giá, hạ giá để cạnh tranh không lành mạnh, tận diệt đối thủ đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường truyền hình trả tiền.

Thị trường cạnh tranh về giá, đua nhau giảm cước, tăng khuyến mãi đã ảnh hưởng không tốt tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những vấn đề lớn đặt ra cho thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện nay là doanh thu trung bình trên một thuê bao (ARPU) truyền hình ở Việt Nam đang ở mức thấp so với trung bình trên thế giới và các nước trong khu vực. Ví dụ, cước thuê bao truyền hình Viettel thấp nhất chỉ tầm 35.000 đồng/tháng, các đơn vị cao nhất chỉ tầm 130.000 đồng/tháng, bình quân APRU ở Việt Nam chỉ tầm 4 USD, trong khi các nước trong khu vực ASEAN từ 10-15 USD. Phí bản quyền nội dung truyền hình cao, giá thuê bao rẻ khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt là đầu tư vào nội dung chương trình. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của dịch vụ truyền hình trả tiền, khiến thị trường trở nên mất cân đối.

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ TT&TT, năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng, thuê bao đạt 14 triệu. Trong khi đó, năm 2016, truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao, nhưng doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng. Năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu, tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng.

Theo ý kiến của một số chuyên gia về truyền hình, chỉ có cách tăng dần giá bán thuê bao thì các doanh nghiệp truyền hình mới có thể sống khỏe lên được. Còn nếu cứ duy trì mức chi phí mua bản quyền cao ngất ngưởng, trong khi giá thuê bao thấp như hiện nay thì chỉ trong vòng 5 năm, truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ chết.

Theo Luật Giá hiện hành, truyền hình trả tiền không phải là dịch vụ thiết yếu nên không nằm trong danh mục dịch vụ nhà nước phải quản lý giá. Do đó, muốn quản lý giá phải kiến nghị sửa đổi Luật Giá để nhà nước bổ sung truyền hình trả tiền vào danh mục cần quản lý giá, khi đó mới có cơ sở để Bộ TT&TT có biện pháp quản lý.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xem xét bổ sung dịch vụ truyền hình vào danh mục nhà nước quản lý giá. Vì số lượng các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình ngày càng tăng lên và truyền hình đang dần trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều người dân.

Trong lĩnh vực viễn thông, nhà nước đã có tiền lệ quy định đơn vị nào chiếm thị phần chi phối thị trường, có số lượng thuê bao lớn sẽ bị quản lý giá. Đối với truyền hình nếu xét từng doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không có doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo Luật Viễn thông, nhưng nếu tính theo số vốn cộng lại tại các doanh nghiệp trực thuộc thì sẽ xuất hiện những đơn vị truyền hình lớn có sở hữu số lượng thuê bao lớn.

Như vậy, để có thể quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình, hiện có ý kiến đưa ra hai phương án: Một là kiến nghị sửa đổi Luật Giá để quản lý theo Luật Giá, hai là áp dụng theo Luật Viễn thông quản lý giá dịch vụ của doanh nghiệp có thị phần khống chế.

Theo Minh Quyên

Cùng chuyên mục
XEM