Vòng tròn nội tại và lý do nhiều khi thật thoải mái khi làm điều chẳng ra gì

31/10/2017 17:15 PM | Sống

Đôi khi chúng ta cảm thấy rất khoan khoái khi làm điều gì không hay với một người khác, khái niệm này được lý giải bởi vòng tròn nội tại và nó tới từ sự khác biệt giữa mỗi con người.

Trong cuốn sách The Righteous Mind xuất bản vào năm 2012 của mình, Jonathan Haidt tìm hiểu tại sao chúng ta bất đồng với nhau – đặc biệt là về chính trị và tôn giáo – và, quan trọng hơn, tại sao chúng ta khó có thể coi người bất đồng ý kiến với mình là một người cũng thông minh, tử tế như mình.


Tác giả Jonathan Haidt.

Tác giả Jonathan Haidt.

Tâm điểm trong lý luận của ông là: “Trực giác luôn đến trước, sau đó mới là lý lẽ. Trực giác tự động nảy sinh và gần như ngay lập tức, rất lâu trước khi lý lẽ có cơ hội bắt đầu.”

Haidt nói rất nhiều về việc trực giác luân lý làm 2 điều: trói buộc và làm mù quáng. “Người ta tự trói buộc mình vào các phe phái chính trị có cùng tư tưởng. Một khi họ chấp nhận một tư tưởng nào đó, họ sẽ trở nên mù quáng với những thế giới luân lý khác.”

Nhưng làm thế nào chúng ta có được những trực giác luân lý ban đầu đó? Điều gì làm nảy sinh sự hình thành của một “ma trận luân lý” để từ đó một người đánh giá mọi người và mọi thứ khác?

C. S. Lewis đã trả lời câu hỏi đó vào tháng 12/1944, khi đọc diễn văn tại Đại học King’s College ở London, một giảng đường công cộng với sự góp mặt chủ yếu là các sinh viên. Lewis đã kêu gọi mọi người chú ý vào sự hiện diện của một “hệ thống thứ hai hay bất thành văn” song song với cơ cấu tổ chức chính thống – một Vòng tròn Nội tại.

Vị mục sư không phải là người có ảnh hưởng nhất trong một nhà thờ, cũng như ông sếp ở nơi làm việc. Đôi khi một nhóm người không có danh vị hay quyền lực chính thức lại là những người quyết định tổ chức hoạt động ra sao. Họ tạo nên Vòng tròn Nội tại của nó.

Lewis tin rằng “một trong những yếu tố chi phối cuộc đời mỗi người là khát khao muốn được nằm trong một Vòng tròn cục bộ và nỗi sợ hãi khi bị loại ra khỏi vòng tròn đó. Và yếu tố này mạnh mẽ đến nỗi có thể khiến một người chưa phải là xấu làm những việc tồi tệ.”

Và đây chính là quá trình hình thành nên “ma trận luân lý” (theo cách gọi của Haidt): Chúng ta đáp lại ham muốn thuộc về một nhóm người nào đó – những người ta gặp và cảm thấy thích thú. Chúng ta có thể hành động do ảnh hưởng của các yếu tố di truyền, nhưng những nét tính cách ấy được kích hoạt ra sao lại chủ yếu phụ thuộc vào những đối tượng mà ta gặp phải. Yếu tố ngẫu nhiên ở đây rất đáng sợ: nếu ta gặp một nhóm những người tử tế và thú vị nhưng có quan điểm khác biệt, thì chúng ta cũng sẽ có những quan điểm rất khác biệt.

Đối với một số người, sự hấp dẫn của những người mới gặp chính là sự thông minh; với người khác lại là sự giàu có hay vẻ bề ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Đối với những người khác nữa, có thể đó là sự khác biệt hoàn toàn (về mặt xã hội, tôn giáo hay chính trị) so với gia đình đầy phiền toái của họ.

Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, một khi chúng ta bị cuốn hút vào, và được cho phép trở thành một phần của Vòng tròn Nội tại, chúng ta sẽ duy trì địa vị bằng những hành động khẳng định nhân dạng hay bản chất của nhóm mình, và quan trọng không kém là khẳng định sự xấu xa của những người nằm ngoài nhóm, những người không phải chúng ta.

Và điều đáng ghi nhớ, như kỹ sư Avery Pennarun của Google đã từng nói, là: “Một trong những yếu tố khiến người thông minh được công nhận chính là khả năng thực hiện những hành động khẳng định bản chất hội/nhóm của họ. Những người thông minh gặp phải một vấn đề, đặc biệt là khi bạn đưa họ vào những nhóm lớn hơn. Vấn đề đó là khả năng hợp lý hóa gần như bất kỳ thứ gì họ muốn.”

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM