Vốn là "cường quốc đi bộ", tại sao người Việt hôm nay lại lười cuốc bộ?

03/04/2017 19:21 PM | Xã hội

Rất nhiều người Việt bước xuống từ những chiếc xe hơi bạc tỉ, nhưng bụng thì quá thừa mỡ, tim thì đầy bệnh tật và chân thì nhũn nhẽo.

Cuối tuần dạo bước xung quanh bờ Hồ thật đẹp. Đang cuối xuân thời tiết lành lạnh và trong lành tới mức khó ngờ. Vào hàng ăn Mỳ Quảng cạnh Nhà Hát lớn thấy vắng tanh dù ngoài phố đông nghịt.

Hỏi ra mới biết, vào những ngày cấm xe cơ giới, hàng ít khách do người ta không thể phi xe máy đến tận cửa. Gửi xe, đi bộ vài trăm mét là thách thức với nhiều người từng là phận nghèo. Rất lạ.

Đi bộ làm nên lịch sử và cái tội của những chiếc Dream II

Một quốc gia bắt nguồn từ văn minh lúa nước, dựng nước và giữ nước, người Việt từng có thói quen đi bộ nhiều nhất thế giới. Một thời có tới 90-95% dân số dùng đôi chân để di chuyển là chuyện thường ngày.

Kháng chiến chống Pháp, bộ đội, dân công lên Điện Biên bằng đôi chân vạn dặm. Hàng triệu người lính đi bộ dọc Trường Sơn vài ngàn km trong mấy tháng để đối đầu với kẻ thù. Thế mà họ làm nên những kỳ tích khó tin với cả thế giới.

Giáo sư Phan Đình Diệu kể, năm 1955 ông đi bộ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để học ĐH Sư phạm.

Hồi đó, vé tầu điện giá 5 xu nhưng sinh viên túi rỗng nên sinh viên nghèo cuốc bộ từ phố Lê Thánh Tông về nhà trọ ở Kim Liên rồi từ đó vào Cầu Giấy để học, hàng ngày vòng vèo cả chục km.

Những năm 1960, người viết bài này suốt những năm học cấp 1 và cấp 2 đi bộ hai chiều là 8km mỗi buổi tới trường. Vào cấp 3 khoảng cách đó gấp đôi là 16km từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Những năm 1980, cuộc sống không khá nhưng mua được xe đạp, người đi bộ ít dần. Từ đầu phố đến cuối phố tới nhà bạn mượn cuốn sách cũng nhảy lên xe. Dẫu vậy, đạp xe vẫn còn khá khỏe cho đôi chân.


Quang cảnh chợ Đồng Xuân thập niên 80. Ảnh: Freely.

Quang cảnh chợ Đồng Xuân thập niên 80. Ảnh: Freely.

Xe máy bùng nổ đầu những năm 1990 với chiếc Dream II mầu mận chín giá ngang bằng căn hộ lắp ghép, xe Trung Quốc giá rẻ tràn vào, rồi lắp ráp xe nội địa trăm hoa đua nở, nhiều người không biết đi bộ nữa.

Đầu thế kỷ 21, hội nhập, ăn nên làm ra, rồi mánh mung, số người sở hữu xe bốn bánh tăng đột biến.

Sau vài thập kỷ đổi mới, thói quen đi bộ dần biến mất, thay vào đó là đôi chân lười biếng lên ngôi.

Nạn nhân và tội đồ

Thủ đô có dân số 8 triệu với 6 triệu xe máy và hơn nửa triệu xe hơi, xe ngoại tỉnh vào ra hàng ngày vài triệu, dường như Hà Nội không còn ai đi bộ, trừ các em nhỏ và các cụ già. Tắc đường, ô nhiễm môi trường là đương nhiên.

Quyền làm chủ của cư dân thủ đô "tự nhiên" không ngờ. Vừa đỗ xe ở lòng đường gọi điện thoại hỏi đường tới nhà bạn thì chủ cửa hàng có thể ra đuổi xéo vì chắn khách của người ta.

Vỉa hè chiếm, lòng đường thuộc về chủ nhà, không hiểu nhà nước quản lý cái gì.

Ở xứ thời tiết khắc nghiệt, nóng nực vào mùa hè, mưa rét về mùa đông, đường phố bẩn, vỉa hè buôn bán lấn chiếm hè đường, có lúc cây xanh cưa chặt theo nhiệm kỳ, phố phường bê tông hóa, người muốn đi bộ cũng chán nản.

Gần đây chính quyền thành phố cũng nhìn ra những bất cập do văn hóa xe máy và xe hơi quá nhiều.

Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè là một hành động thiết thực trả lại quyền cho người đi bộ. Chủ nhà không thể ngang nhiên coi vỉa hè và lòng đường trước mặt là của riêng.

Luật pháp nghiêm minh, không có bảo kê và ai đó sẽ mất ghế nếu không thể quản lý sẽ giúp cho sự trong sạch của hè phố.

Xe bus với mạng lưới khá phát triển nhưng chưa dụ được dân dùng, nhất là người đi làm hàng ngày.

Họ vẫn mê xe hai bánh phi tới văn phòng dù tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, hại cho sức khỏe, đôi khi tai nạn thương tâm.

Họ than trời trên mạng xã hội, lên án sự quản lý yếu kém dù không phải không có lý, nhưng ít ai nghĩ mình vừa là nạn nhân vừa là tội đồ.

Xe bus nhanh BRT vừa ra đời đã bị ném đá không thương tiếc mà có khá đông chưa biết nó tròn méo ra sao. Giá như họ thử các loại xe bus thì cuộc đời sẽ khác.


Tắc đường tại cầu Tó, Hà Nội. Ảnh: Đào Ngọc Cương.

Tắc đường tại cầu Tó, Hà Nội. Ảnh: Đào Ngọc Cương.

Có tuyến, xe bus mới đẹp như bên... Mỹ

Từ khi về hưu ở Hà Nội thường xuyên, tôi cố tái hòa nhập vì cuộc sống bên Mỹ không còn là lựa chọn của mình.

Thời gian đầu phải dùng taxi do sợ tai nạn xe máy. Nhưng sau vài tháng thấy khó mà đương nổi với mỗi cú ra phố có giá vài trăm ngàn mà di chuyển không hề nhanh. Lúc tắc đường lại chậm hơn đi bộ.

Tôi mua cái xe máy và bắt đầu thử. Lúc đầu cũng sợ nhưng rồi lâu lâu cũng quen phản ứng trên đường đã có từ hơn chục năm trước.

Đi xe máy vừa dễ vừa khó theo kiểu người Việt "thằng tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng tây nó lúi thì mình giật tiền".

Nghĩa là đối phương lấn đường thì mình lùi chút, lạng lách, hoặc "bên ấy" nhát thì ta lấn. Đó là luật rừng giao thông bất thành văn của Hà Nội.

Vào giờ kẹt xe thì khủng khiếp, nóng hầm hập, mũ bảo hiểm không đội thì sợ công an và sợ chết, đội thì mồ hôi tóa ra như xông cảm cúm. Mưa rét lạnh kinh người, ướt lướt thướt. Tại sao trên phố ít nụ cười là vì thế.

Sau một năm tôi bắt đầu tìm hiểu hệ thống xe bus và thử xem sao. Ấn tượng loại xe này không vui vì từng bị móc túi, nghe chửi thề, buôn bán gồng gánh với lợn gà, sang trọng ai đi bus.

Vài lần đi từ đường Lạc Long Quân lên Nhà Hát Lớn tôi chọn xe 55 qua Bát Cổ. Từ nhà ra bến xe là 500m và ngần ấy đi từ Bát Cổ tới văn phòng cũ, lúc trời mưa, khi nắng, lúc lạnh.

Xe cũ nhưng sạch, có máy lạnh, phục vụ khá tốt thân thiện, nhạc du dương, cảm giác không còn kẻ cắp vặt như xưa.

Cụ già lên nhầm xe, cô bán vé chỉ bảo tận tình: Bác xuống bến tới nhé, nói với người bán vé cho nhờ một bến, họ không thu vé đâu.

Thấy ai đứng, cô bảo, bác ngồi ghế kia đi. Không mang dưa chua lên xe, bác ạ.

Học sinh, sinh viên, các cụ già khá đông. Không còn cảnh buôn bán hay hát xẩm ăn xin như xưa. Thanh niên nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ.

Giá vé đồng nhất là 7000 đồng, đưa 10 nghìn cũng trả tiền lẻ, đưa 500 ngàn hơi khó nhưng đều có giải pháp.

Mua vé 100 ngàn/tháng mọi tuyến trong Hà Nội lên tận Bắc Ninh hay phía Hà Tây, sang Bát Tràng, miễn là địa phận thủ đô. Rẻ chưa từng thấy vì được trợ giá do cánh đi xe máy xe hơi dưới đường trả hộ.

Thử xe số 33 đi Hà Đông mới và đẹp như bên Mỹ. 10 phút đi từ nhà, 10 phút từ bến xe vào nhà bạn ở Văn Quán. Xe chạy khoảng 30-40 phút vào giờ không cao điểm, cao điểm thì xe máy, xe hơi hay xe bus đều giống nhau về…sự đợi.

Đi Văn Quán bằng taxi rẻ nhất cũng mất 200 ngàn/chiều nếu loại sang thì cao hơn. Tới Nhà Hát Lớn trên dưới 100 ngàn. So với 7.000 lượt tôi đã tự làm giầu, lên xe bus "được" mấy trăm ngàn so với taxi.

Dùng xe bus với vé tháng đi khắp thủ đô chỉ mất 3000đ/ngày, không cần mũ bảo hiểm, tai nạn gần như bằng không, cái xe to đùng ấy lao trên đường, ai cũng phải tránh. Môi trường đỡ bị hủy hoại.

Về thời gian gần ngang nhau vì tắc đường không loại trừ ai. Chỉ có điều phải đi bộ chút. Nhưng nếu đi xe hơi lên phố cổ, từ chỗ đỗ xe cho phép tới chỗ cần, khoảng cách không khác nhau trừ phi muốn sỹ "có xe".

Nên quay lại những năm 60 thế kỷ trước

Người ta nói nhiều về ưu điểm của việc đi bộ giúp bớt bệnh tim mạch, đường trong máu, khí huyết lưu thông thì não thông minh, giảm cân với người béo phì.

Bên Mỹ mua nhà thường chọn cách bến xe khoảng trên dưới 1km để có dịp luyện đôi chân.

Ở Việt Nam các cụ già ở quê suốt đời ít được ăn một bữa ngon, vẫn sống hàng trăm tuổi, một phần do đi bộ.

Thời nay, cánh trẻ 40-50 tuổi đã đi gặp "tiền nhân" do ăn ngon, bổ dưỡng nhiều đạm, không chịu hoạt động, nửa bước lên xe xuống ngựa.

Người thủ đô nên quay lại thời những năm 1960 thế kỷ 20, đôi chân kết hợp với xe bus công cộng thế kỷ 21. Việc này sẽ tạo sức ép lên chính quyền phải quản vỉa hè tốt hơn và phát triển xe bus công cộng thuận tiện hơn.

Đi bộ vài km rồi làm bát mỳ Quảng sẽ ngon hơn nhiều so với bụng phệ đầy bệnh tật bước ra từ cái xe hơi bạc tỷ ngay trước cửa.

Theo Hiệu Minh

Cùng chuyên mục
XEM