Vốn hóa thị trường bốc hơi 260 tỷ USD sau 2 ngày, chuyện gì đang xảy ra với các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc?

11/11/2020 15:24 PM | Kinh doanh

Chính quyền Bắc Kinh vừa chính thức bắt tay vào "dẹp loạn" sự phát triển quá nhanh, quá nguy hiểm của các công ty như Alibaba và Tencent.

Các gã khổng lồ Trung Quốc từ Alibaba tới Tencent đã chứng kiến giá trị thị trường bị thổi bay 260 tỷ USD sau 2 ngày bán tháo điên cuồng. Nguyên nhân của việc này là bởi các nhà đầu tư đều đang lo sợ trước nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm kiểm soát chặt chẽ những công ty trong lĩnh vực tư nhân quyền lực nhất đất nước.

Cụ thể, các cổ phiếu công nghệ đã giảm trong ngày thứ 2 liên tiếp sau khi Bắc Kinh công bố những quy định mới nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày một gia tăng của các gã khổng lồ công nghệ gồm JD.com, Meituan, Alibaba, Tencent và Xiaomi. Chỉ số Hang Seng đã giảm 5,6% vào ngày thứ 3.

Ngày thứ 3, Bắc Kinh đã công bố những quy định nhằm chấm dứt hoàn toàn những hoạt động độc quyền trong ngành công nghiệp internet - một đòn đánh cực mạnh nhắm vào các doanh nghiệp trọng tâm trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Động thái này đã được nhiều người phán đoán từ 1 tuần trước sau khi các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố đình chỉ thương vụ IPO của Ant. Điều này cũng đến ngay trước thềm ngày Singles’ Day – lễ hội mua sắm lớn nhất được Jack Ma khởi xướng từ 1 thập kỷ trước.

Vốn hóa thị trường bốc hơi 260 tỷ USD sau 2 ngày, chuyện gì đang xảy ra với các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc? - Ảnh 1.

"Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh của họ. Triết lý của những công ty internet là winner-takes-all - tức là người chiến thắng sẽ giành được tất cả và đặc biệt là với những công ty điều hành các nền tảng, họ nhận được sự truy cập của lượng lớn cơ sở người dùng và xây dựng hệ sinh thái quanh đó", Zhan Hao - đến từ một công ty Luật ở Bắc Kinh nói. 

Nhìn chung chính phủ Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp nhằm làm giảm sức ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân - vốn đã trở thành cỗ máy tăng trưởng chủ yếu cho đất nước. Mặc dù trước đây chính phủ đã có những biện pháp lẻ tẻ, rời rạc nhằm chấn chỉnh các lĩnh vực từ game di động đến hàng giả trực tuyến nhưng những công ty như Alibaba và Tencent vẫn thoải mái mua lại và đầu tư cho hoạt động kinh doanh mới, trở thành đơn vị chống lưng cho những startup tiềm năng trong khi vẫn xây dựng đế chế khổng lồ của họ trải rộng từ thương mại điện tử, tài chính kỹ thuật số, truyền thông và giải trí.

"Tôi há hốc miệng vì kinh ngạc theo đúng nghĩa đen khi lần đầu tiên đọc những quy định này. Thời gian công bố lại đến đúng trong ngày lễ Độc thân – cho thấy tính chất mạnh mẽ và sự quyết tâm nhằm chấn chỉnh các gã khổng lồ công nghệ đã gây ra một cú sốc".

Các nhà làm luật Trung Quốc đang chờ phản hồi về các điều luật được xây dựng nhằm kiềm chế độc quyền như chia sẻ dữ liệu khách hàng, liên minh để loại bỏ những đối thủ nhỏ hơn và trợ giá các dịch vụ dưới cả chi phí nhằm bóp chẹt các đối thủ cạnh tranh. Họ cũng có thể yêu cầu các công ty hoạt động theo Mô hình sở hữu đặc biệt - Variable Interest Entity.

"Các gã khổng lồ Internet đã mở rộng phạm vi của họ sang cả tài chính và chăm sóc sức khỏe - đều là những vấn đề sống còn với nền kinh tế và điều đó thật sự khiến các nhà chức trách lo ngại. Bước đi này có thể sẽ khiến các công ty trong lĩnh vực công nghệ e ngại niêm yết trong tương lai gần khi họ cần có thời gian để chỉnh sửa hoạt động kinh doanh phù hợp với những quy định mới".

Trước đó, ngày 3/11, giới chức Trung Quốc đã gây sốc với giới đầu tư thế giới khi đình chỉ thương vụ IPO 35 tỷ USD của Ant – một công ty tài chính được kiểm soát bởi Jack Ma. Quyết định đến 2 ngày sau họ bắt đầu cho đặt trước cổ phiếu và thu về 3 nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư cá nhân.

Vân Đàm

Từ khóa:  trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM