Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn?

03/11/2017 16:26 PM | Kinh doanh

Tín Thành là tập đoàn hoạt động đa ngành, đang đầu tư không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Cuba, Mexico,…

Mới đây, Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và làm việc tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa của BSR vào ngày 26/10/2017.

Theo đó, Tập đoàn Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án Tín Thành trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến vào tháng 11/2017, bán khoảng 5-6% cổ phần, ước thu về 1.800-2.000 tỷ đồng.

Trong vòng 12 tháng tiếp theo, doanh nghiệp bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49%, ước tính trị giá một tỷ USD, đưa tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về dưới 50%.

Giá trị đợt IPO của BSR khá lớn và việc Tín Thành xem xét mua 5% cổ phần đặt câu hỏi nhà đầu tư này có thực lực và thế mạnh gì để cạnh tranh với các đơn vị khác?

Theo tìm hiểu, Tín Thành Group có trụ sở chính tại 71 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đình Quyền (1960), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.

Tập đoàn đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành vào ngày 08/09/2017; trước đây Công ty có tên cũ là Công ty TNHH Điện Hơi Công Nghiệp Tín Thành.

Theo số liệu của Cục đăng ký doanh nghiệp Bộ Kế hoạch đầu tư, vào ngày 03/01/2017, Tập đoàn đã tăng vốn điều lệ từ 108 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Quyền nắm giữ 80% vốn (160 tỷ) và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền chiếm 20% vốn (40 tỷ).

Một doanh nghiệp vốn điều lệ 200 tỷ có tham vọng mua 55% cổ phần của Bình Sơn khiến giới đầu tư không khỏi đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của Tập đoàn này.

Tín Thành Group hoạt động hơn 25 năm trong các lĩnh vực đầu tư đa ngành, đặc biệt là lĩnh vực Môi trường, Năng lượng và Nông nghiệp Công nghệ cao. Tín Thành là một trong các công ty hàng đầu tại Việt Nam, chuyên lắp đặt lò hơi và cung cấp hơi nước bão hòa, với công nghệ năng lượng tái tạo.

Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn? - Ảnh 2.

Oakwook Bank Corp.

Tập đoàn có các công ty thành viên là Công ty TNHH NL&NL TT Thuận Phát, Công ty TNHH Global Greentech, Công ty TNHH TM DV XNK Trung Tín và Công ty CP ĐHCN Tín Thành (tại Hoa Kỳ). Tín Thành Group cũng đang sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Ngoài ra, Tín Thành Group cũng đang triển khai thực hiện một số dự án về Năng lượng, Nhiên liệu và Nông nghiệp Công nghệ cao tại nước Cộng Hòa Cuba và hàng loạt các dự án khác tại Hoa Kỳ.

Các dự án tiêu biểu của Tín Thành

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn này phát triển trong lĩnh vực điện hơi công nghiệp và nhiên liệu động cơ.Hiện Tín Thành đang cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo cho hơn 30 Nhà máy lớn và cơ sở Công nghiệp tại Việt Nam như Sabeco, Huda Carlsberg Huế, Cao su DRC Đà Nẵng …. Tại Hoa Kỳ, Tín Thành đã trúng thầu để cung cấp năng lượng tái tạo thay thế năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch cho 21 nhà máy sản xuất Ethanol tại tiểu bang Minnesota.

Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn? - Ảnh 3.

Lò hơi Tín Thành đặt tại Công ty Bia Sabeco Củ Chi.

Trong lĩnh vực nhiên liệu sạch, Tín Thành Group giới thiệu doanh nghiệp này có hệ thống nhà máy phối trộn xăng, dầu trải dài từ Bắc chí Nam như: Xăng truyền thống như A95, A97, A92, A100 với 3 triệu lít/ngày; Xăng sinh học là E5, E10 với 1 triệu lít, ngày; Và nhà máy sản xuất Ethanol tại cụm công nông nghiệp ở Tây Nghiệp huyện EaSup tỉnh ĐăkLăk.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Tín Thành đã và đang phát triển cây cao lương ngọt (sweet sorghum) và có thể sản xuất ra 08 loại sản phẩm hàng hóa khác nhau bao gồm: ngũ cốc, syrup, ethanol, điện sinh khối, thức ăn gia súc, phân compost hữu cơ vi sinh, CO2 công nghiệp, nuôi bò thịt và CO carbon.

Với định mức 100 hecta cây trồng cho 08 loại hàng hóa nói trên, Tín Thành đã lên kế hoạch 10 năm (từ 2017-2027) phát triển dự án trên 1 triệu ha tại Cuba, 1 triệu ha tại Mỹ và 30.000ha tại huyện EaSup - tỉnh Đắk Lắk.

Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn? - Ảnh 4.

Hạt cây cao lương khi chín.

Trong lĩnh vực xử lý rác thải, Tín Thành Group đã có các nhà máy hoạt động ổn định trên 10 năm tại Việt Nam như Nhà máy xử lý rác thải Nam Thành - Yên Bái, Nhà máy xử lý rác thải Nam Thành - Ninh Thuận….

Dự kiến đến năm 2020, hiệu suất làm việc của các nhà máy trong hệ thống Tín Thành Group sẽ đạt đến 3000 tấn rác thải sinh hoạt và 300 tấn rác công nghiệp được xử lý hàng ngày. Gia tăng hiệu suất xử lý rác đồng nghĩa với việc gia tăng năng suất sản phẩm được tạo ra bao gồm: phân bón, hạt nhựa, nhiệt và điện

Trong lĩnh vực xăng dầu, Tín Thành Group đang dần hoàn thiện hệ thống xăng dầu của mình với quy mô lớn bao gồm nhà máy, cảng pha trộn xăng dầu và hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải rộng khắp các tỉnh.

Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn? - Ảnh 5.

Với hai nhà máy tại Đồng Nai và Long An với công suất 1 triệu lít/ ngày mỗi nhà máy, Tín Thành sẽ là đơn vị phân phối xăng dầu cho chính các cửa hàng bán lẻ của mình và cho các đối tác là thương nhân xăng dầu khắp đất nước.

Trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng- kiều hối, Tín Thành Group đã mua và sở hữu ngân hàng Oakwood State Bank (tại Mỹ) và đã đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Đây là một trong những ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ với bề dày lịch sử 116 năm.

Với dự án EB5, đây là chương trình xin thẻ xanh Mỹ an toàn và nhanh nhất dành cho người nước ngoài đến Mỹ theo hình thức đầu tư.

Các dự án EB5 lớn là Trung tâm thương mại và căn hộ Treasure Cove ở Orlando với 30 suất EB-5 có vốn đầu tư 75 triệu USD; Dự án trồng cây công nông nghiệp công nghệ cao tại bang Florida với vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án đầu tư nhà máy cấp hơi nước và cấp điện cho nhà máy sản xuất Ethanol ở Minnesota với 20 suất EB-5 có vốn đầu tư 50 triệu USD.

Tín Thành hỗ trợ gì cho BSR?

Đối với BSR, việc tham gia các dự án tối ưu hóa, tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải cho NMLD Dung Quất, Tập đoàn Tín Thành sẽ cùng các chuyên gia tiến hành khảo sát chi tiết và đề ra phương án, chương trình hợp tác với BSR trong tháng 11/2017. Đồng thời, Tập đoàn Tín Thành cũng sẽ tham gia vào Dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất để nâng cao hiệu quả kinh tế cho BSR.

Về việc hợp tác nghiên cứu khoa học, Tín Thành sẽ làm đầu mối hợp tác với các nhà máy lọc dầu tại Mỹ và đề xuất chương trình hợp tác về tối ưu hóa và các đề tài nghiên cứu khoa học trước ngày 31/12/2017. Sau đó, Tín Thành và BSR sẽ tổ chức ký chương trình hợp tác tại BSR.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo BSR cùng Tập đoàn Tín Thành cũng đã trao đổi, thảo luận các ý kiến về nguồn nhập – xuất dầu thô sau khi nâng cấp mở rộng Nhà máy, công suất vận hành để đảm bảo an toàn thiết bị, tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới cũng như việc thẩm định giá trị doanh nghiệp, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi giá dầu thế giới biến động…

Trước đó, ngày 29 tháng 6 năm 2017, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại Nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn? - Ảnh 6.

Nhà máy bio ethanol Dung Quất.

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (nay là Tập đoàn Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Theo Huy Lê

Cùng chuyên mục
XEM