Vợ chồng nên thoả thuận tiền bạc thế nào trước khi kết hôn?

19/11/2023 13:59 PM | Sống

Tài chính là một trong những chủ đề tương đối nhạy cảm với các cặp đôi trước khi chính thức về chung một nhà.

Vợ chồng đã nói gì về tài chính trước khi kết hôn?

Năm ngoái, vợ chồng Ngân Kim - Quyết Thắng (26 tuổi, TP. Hà Nội, cùng làm kinh doanh tự do) đã viết tiếp hành trình yêu đương kéo dài 6 năm bằng một đám cưới để về chung một nhà. Thời gian tìm hiểu và bên nhau lâu dài, đủ để họ có những cuộc nói chuyện thẳng thắn về  vấn đề tài chính trước thềm kết hôn.

Gia đình Ngân Kim quan niệm, hôn nhân là cuộc sống tự lập của vợ chồng và các con. Cũng vì thế, họ mong muốn tự chủ trong mọi quyết định và không phụ thuộc quá nhiều vào sự giúp đỡ của những người xung quanh trong cuộc sống vợ chồng.

Vợ chồng nên thoả thuận tiền bạc thế nào trước khi kết hôn? - Ảnh 1.

Vợ chồng Ngân Kim (Ảnh: NVCC)

- Đầu tiên, họ thống nhất sẽ dọn ra ở riêng. Vì Ngân Kim muốn cặp đôi có tính tự lập và trách nhiệm. Tiếp theo, họ lên kế hoạch có con luôn sau khi chụp hình cưới và định ngày kết hôn. Bởi vợ chồng cô không muốn gặp áp lực "giục đẻ" từ những người xung quanh.

Sau khi có con, họ chọn đẻ ở viện tư để được hưởng dịch vụ tốt nhất. Một nguyên nhân nữa là Ngân Kim không muốn mẹ chồng và mẹ đẻ phải vất vả chăm lo cho mình. Trước khi con chào đời, cô thống nhất về cách chăm trẻ và kiêng cữ theo phương pháp khoa học với chồng và hai mẹ để tránh các bên có quan điểm đối lập, từ đó có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh với bản thân.

- Thời gian ở cữ, cô sẽ ở nhà riêng của hai người chứ không về quê. "Bởi mình muốn chăm con theo ý cá nhân, đồng thời tránh trường hợp xảy ra xích mích không đáng có, từ đó ảnh hưởng đến tình cảm với những thành viên trong gia đình chồng khi nhà có thêm một đứa trẻ.

Sau cùng, mình trao đổi với chồng sẽ cùng mình nuôi con, để anh có sự kết nối với bé hơn, đồng thời hiểu được việc chăm sóc trẻ của vợ vất vả như thế nào", Ngân Kim nói.

Ngoài ra, trước khi tiến tới hôn nhân, cô nàng cũng có những sự chuẩn bị riêng cho cá nhân về nền tảng tài chính. Thứ nhất, cô xác định tài khoản tiết kiệm "chưa có 9 con số" thì không kết hôn. Tiếp theo, cô muốn có công việc ổn định để nuôi sống bản thân và công việc đó có thể làm online ở nhà. Như thế đến giai đoạn sinh nở, Ngân Kim vẫn có thể kiếm được tiền mà không phải phụ thuộc vào chồng, không tạo áp lực "cơm áo gạo tiền" quá nhiều lên vai đối phương.

Một trường hợp khác, vợ chồng Thuỳ Dung (32 tuổi) chia sẻ rằng trước khi lấy nhau, vợ chồng đã ngồi lại hơn một buổi để thảo luận về các vấn đề tài chính, gồm thu nhập và kế hoạch cho tương lai. Ngoài ra, họ còn nói chuyện sâu về những vấn đề sau:

- Chồng hay vợ sẽ là người giữ tiền hay cả hai?

- Nguyện vọng về chi tiêu của mỗi người ra sao?. Ví dụ như chồng Thuỳ Dung muốn dành 30% thu nhập để tiết kiệm, tích lũy cho tương lai. Song Thuỳ Dung muốn 25% thôi vì như vậy mỗi người đều dành ra 5% để chi tiêu cho những sở thích cá nhân.

"Mình cũng lên danh sách (về những chi phí cố định trong tháng (tiền nhà, thực phẩm ăn uống, xăng xe, điện, nước, phí dịch vụ…), chi phí biến đổi (cafe, ăn uống ngoài, du lịch)... sau đó phân tích cho chồng mình hiểu bài toán thu chi tổng quan. Chẳng hạn trong tháng, chi phí cố định sẽ chiếm 15% tổng thu nhập của 2 người, các chi phí biến đổi chiếm 30%, sau khi có được con số cụ thể như thế, vợ chồng mình sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng", Thuỳ Dung chia sẻ.

Vợ chồng nên thoả thuận tiền bạc thế nào trước khi kết hôn? - Ảnh 2.

Thuỳ Dung (Ảnh: NVCC)

Thuỳ Dung cho rằng, việc vợ chồng càng thảo luận chi tiết và cụ thể sẽ cho cả hai hình dung được bức tranh tài chính sắp tới sẽ ra sao, cũng như mục tiêu cần đạt được như thế nào một cách rõ ràng.

"Trước khi kết hôn, mình đã chủ động đề xuất với chồng về việc cần mua nhà và mua xe trong năm nay. Để thực hiện được kế hoạch đó, mình đã liệt kê rõ thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng vào file excel, sau đó mình thuyết trình cho chồng mình về báo cáo dòng tiền cũng như kế hoạch thực hiện để xin ý kiến cũng như lắng nghe phản hồi từ chồng mình.

Mình cũng lên luôn cả kế hoạch trả nợ từ 3-5 năm khi mua nhà và mua xe sẽ như thế nào. Khi vợ chồng mình nắm được con số cụ thể, tụi mình đã hiểu mỗi tháng cần phải tiết kiệm bao nhiêu, mỗi năm cần đạt được bao nhiêu", Thuỳ Dung nói.

Lời khuyên tài chính cho những cặp đôi trẻ dự định kết hôn

Cả Thuỳ Dung và Ngân Kim đều có chung nhận định, tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hôn nhân. 

Theo quan điểm của Ngân Kim, cô nghĩ mỗi cặp vợ chồng nên có tổng thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên mới nên tiến đến hôn nhân. Còn nếu dự định sinh con, bạn nên chuẩn bị tối thiểu là 1 năm chi phí sinh hoạt. Như thế, cuộc sống hôn nhân sau khi có em bé sẽ nhẹ nhàng và tinh thần ít bị ảnh hưởng.

Còn với Thuỳ Dung, cô cho rằng việc vợ chồng thảo luận tài chính không chỉ dừng lại trước khi làm đám cưới mà nên tiếp tục khi đã ở cùng nhau. Nhiều người có thể cho rằng, chỉ cần các quyết định tài chính lớn chẳng hạn như mua nhà hay mua xe mới cần bàn bạc với nhau. Còn những khoản lặt vặt như mua đồ hàng ngày thì không cần thiết. Song, Thuỳ Dung không cho là vậy.

Thực tế, vợ chồng cô vẫn duy trì tần suất nói về chuyện về tài chính khá thường xuyên, từ những việc nhỏ nhất như chi phí mua thực phẩm hàng ngày, những chương trình giảm giá hàng tháng đến việc mua nhà, mua xe như thế nào.

"Chồng mình được thưởng dự án hay được thêm các khoản nào cũng đều sẽ chia sẻ với mình để cả hai nắm được tình hình tài chính chung, và mình cũng sẽ như vậy. Mình sẽ là người chủ động báo cáo với chồng mình về việc tháng này đã chi tiêu bao nhiêu trong ngân sách chung hoặc có những chi phí phát sinh ngoài mà không thuộc những hạng mục mua sắm hàng tháng vẫn có. 

Mình thấy việc minh bạch tài chính với nhau và thảo luận về vấn đề này khiến cho vợ chồng mình thoải mái hơn để thảo luận cho việc mua sắm những tài sản lớn hơn hoặc dễ dàng hiểu rõ dòng tiền của hai người đang ở mức nào", Thuỳ Dung chia sẻ.

Cùng chuyên mục
XEM