Vợ chồng đại gia Trần Đình Long muốn chi cả trăm tỷ đồng gom mua cổ phiếu Hoà Phát

19/06/2019 17:06 PM | Kinh doanh

Hai vợ chồng chủ tịch HĐQT Trần Đình Long vừa thông báo sẽ đăng ký mua tổng cộng 6.415.259 cổ phiếu HPG trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 1-2019 ghi nhận sự cải thiện.

Vợ chồng chủ tịch Hoà Phát chi trăm tỉ mua cổ phiếu

Cụ thể, từ ngày 21-6 đến ngày 19-7, ông Trần Đình Long đăng ký mua 5.566.010 cổ phiếu HPG để nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 25,15% lên 25,35%.

Số cổ phiếu ông Long sở hữu sau giao dịch dự kiến là 700 triệu cổ phiếu, tương ứng với tổng tài sản trị giá 16.135 tỉ đồng (tính theo thị giá cổ phiếu mở đầu ngày giao dịch 19-6).

Cùng thời điểm nói trên, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) đăng ký mua là 849.249 cổ phiếu, nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 7,29% lên 7,32%. Khối lượng cổ phiếu HPG do bà Hiền sở hữu sau giao dịch dự kiến là 202 triệu cổ phiếu, tương ứng với tổng tài sản trị giá hơn 4.656 tỉ đồng (tính theo giá cổ phiếu mở đầu ngày giao dịch 19-6).

Theo ước tính, vợ chồng tỉ phú Trần Đình Long sẽ phải chi gần 150 tỉ đồng để sở hữu 6.415.259 cổ phiếu HPG. 

Ngoài vợ chồng của đại gia Trần Đình Long đang nắm giữ 32,44% cổ phần ở Tập đoàn Hoà phát. Các cá nhân và tổ chức có liên quan đến gia đình ông Long cũng tham gia sở hữu cổ phần.

Hiện tại, các ông/bà là ông Trần Đình Tân (anh trai ông Long), bà Trần Ánh Tuyết (em gái ông Long) và ông Trần Đình Thăng (anh trai ông Long) đều nắm giữ 0,02% cổ phần tại Tập đoàn Hòa Phát.

Riêng Công ty TNHH thương mại và đầu tư Đại Phong do con trai ông Long là ông Trần Vũ Minh làm giám đốc đang nắm giữ 1,3 triệu cổ phiếu HPG (tương ứng với tỉ lệ sở hữu 0,05%).

Vợ chồng đại gia Trần Đình Long muốn chi cả trăm tỷ đồng gom mua cổ phiếu Hoà Phát - Ảnh 1.

Tập đoàn Hoà Phát vẫn dẫn đầu thị phần thép quốc nội, với 20.000 nhân viên, có quy mô hoạt động trải rộng trên 25 tỉnh, thành phố khắp cả nước và một văn phòng đại diện tại Singapore.

Thắng kiện ở thị trường Úc, quyết tâm với dự án tại Dung Quất

Động thái mua khối lượng lớn của phiếu của vợ chồng đại gia ngành thép diễn ra không lâu sau khi ông Trần Đình Long công bố hai thông tin quan trọng trong thư gửi đến các cổ đông Hoà Phát.

Đầu tiên, Tập đoàn Hòa Phát đã thắng kiện và không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Úc. Sự kiện trên được doanh nghiệp khẳng định là "thắng lợi quan trọng trong giao thương quốc tế, thể hiện sự tích cực, chủ động của Hòa Phát trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu".

Bên cạnh đó, dự án Khu Liên hợp Gang Thép Dung Quất Hòa Phát đang được triển khai đúng tiến độ với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất từ các nước G7. Nhà máy cán thép đầu tiên của Hòa Phát Dung Quất với công suất 600.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động, các hạng mục đều sẵn sàng để lò cao số 1 có thể khởi động trong quý 2/2019.

Theo thông tin từ ông Trần Đình Long, sản xuất gang thép Hòa Phát tại Dung Quất hoạt động đúng tiến độ, toàn bộ dây chuyền thiết bị sẽ đưa vào hoạt động đồng bộ vào cuối năm 2019 đầu năm 2020.

Mặc dù báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán quý 1-2019 ghi nhận lợi nhuận sau thuế là hơn 1.810 tỉ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu tài chính này lại là dấu hiệu khởi sắc so với sự trầm lắng của quý 4/2018, khi lợi nhuận sau thuế bắt đầu sụt giảm đáng kể nếu so với quý 2/2018 và quý 3/2018.

Báo cáo cũng cho thấy dự án Dung Quất chiếm tỉ trọng hơn 90% chi phí xây dựng cơ bản của Tập đoàn Hoà phát, giá trị tuyệt đối tính tới thời điểm 31/3/2019 đạt hơn 36.800 tỉ đồng.

Ở thị trường thép trong nước, Tập đoàn Hoà Phát vẫn dẫn đầu thị phần thép, với 20.000 nhân viên, có quy mô hoạt động trải rộng trên 25 tỉnh, thành phố khắp cả nước và một văn phòng đại diện tại Singapore.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM