Vinaxuki muốn vay tiền mua lại nợ xấu "Dự án nội địa hóa ô tô con", nhưng Bộ tài chính nói "Không"

11/10/2017 14:16 PM | Kinh doanh

Vinaxuki muốn vay vốn Ngân hàng Phát triển Việt Nam để mua lại nợ xấu là dự án ô tô từ VAMC. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc này.

Tháng 9 vừa qua, Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của ông Bùi Ngọc Huyên đã gửi đề nghị lên Văn phòng Chính phủ về việc muốn được vay vốn để mua lại nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Đây là nợ xấu của các ngân hàng cho vay Dự án nội địa hóa ô tô con của Vinaxuki đã bị bán lại cho VAMC.

Sau khi nhận được đề nghị này, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đề nghị của Vinaxuki đến Bộ Tài chính xem xét cho ý kiến trả lời doanh nghiệp, và Bộ Tài chính mới đây đã chính thức có câu trả lời.

Theo đó, Bộ Tài chính đã bác bỏ đề xuất của Vinaxuki. Bộ Tài chính lý giải, tại Nghị định được ban hành hồi tháng 3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước, không có quy định về việc vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng phát triển Việt Nam để mua lại khoản nợ xấu mà ngân hàng thương mại đã bán cho các tổ chức khác. Vì thế, đề nghị vay vốn để mua lại khoản nợ xấu của Vinaxuki là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Vinaxuki muốn vay tiền mua lại nợ xấu Dự án nội địa hóa ô tô con, nhưng Bộ tài chính nói Không - Ảnh 1.

Vinaxuki và Trường Hải là hai doanh nghiệp ô tô tư nhân đầu tiên được Chính phủ cấp giấy phép sản xuất các loại ô tô và phụ tùng ô tô. Điều ít ai biết, cả hai doanh nghiệp này cùng được cấp phép một ngày, vào 24/2/2014. Nhà máy đầu tiên của Vinaxuki được khởi công tại Vĩnh Phúc với công suất 20.000 xe/năm và hoàn thành vào năm 2005. Liên tiếp trong ba năm sau đó, tại nhà máy này đã sản xuất được trên 20 dòng xe tải, 3 dòng xe con với mức lãi tốt.

Thế nhưng, khủng hoảng ập đến từ năm 2010. Khi đó, Vinaxuki đang tập trung nguồn vốn chủ sở hữu cho đầu tư thì bị ngân hàng cắt vốn lưu động. Thêm nữa, thị trường ô tô giai đoạn này bắt đầu ngừng trệ, cộng thêm lãi suất ngân hàng quá cao đã khiến cho Vinaxuki không thể chống đỡ được. Hệ quả là, năm 2011, ngân hàng yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ và sau đó, ngay cả thời kỳ tiêu thụ xe ô tô phục hồi trở lại vào năm 2012, Vinaxuki cũng đành bất lực nhìn miếng bánh thị trường rơi vào tay các nhà sản xuất, nhập khẩu khác.

Theo công suất thiết kế nhà máy của Vinaxuki, nhân sự là 6.000 người, trong đó Thái Nguyên là 300 người, Thanh Hóa là 3.000. Tổng số cán bộ công nhân viên của Vinaxuki nếu đủ vốn hoạt động hết công suất lên đến hơn 9.000 người, sản xuất ra 30.000 xe/năm. Theo ông Huyên, tỷ lệ nội địa hóa của Vinaxuki với xe 4 chỗ có thể lên đến 50% và xe tải là trên 40%, so với tỷ lệ trên thị trường là 5-8% cho xe con và 25-27% cho xe tải.

Tuy nhiên, từ năm 2013, các nhà máy của Vinaxuki đều đã đóng cửa ngừng hoạt động, các ngân hàng rao bán nhà máy để siết nợ nhưng cũng khó tìm được người mua. Các dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại của Vinaxuki đã đắp chiếu, hoen gỉ, chỉ được bán với giá... sắt vụn.

Suốt một khoảng thời gian dài vừa qua, ông Bùi Ngọc Huyên đã nhiều lần gửi đề nghị lên các cấp để mong vay vốn lưu động tiếp tục sản xuất ô tô. Tuy nhiên, các đề nghị của Vinaxuki liên tục bị bác bỏ. Bản thân ông Bùi Ngọc Huyên đã phải bán nhiều tài sản của gia đình, như nhà cửa, đất đai để trả nợ nhưng chừng đó là không đủ để cứu vãn tình hình.

Vinaxuki muốn vay tiền mua lại nợ xấu Dự án nội địa hóa ô tô con, nhưng Bộ tài chính nói Không - Ảnh 2.

Khuôn viên nhà máy

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM