Viettel Global lỗ tiếp 108 tỷ quý I

05/07/2018 17:16 PM | Kinh doanh

Chi phí thuế TNDN ăn mòn khiến Viettel Global vẫn lỗ sau thuế 108 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I, hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) vẫn ổn định với mức doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh giúp tổng công ty ghi nhận lãi gộp 904 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Viettel Global lỗ tiếp 108 tỷ quý I - Ảnh 1.

Doanh thu tài chính tăng mạnh gần 4 lần lên 550 tỷ đồng do Viettel Global ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá đột biến đến 428 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 13 tỷ). Tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp lỗ tài chính 32 tỷ đồng.

Việc các khoản chi phí khác cũng gia tăng khiến lãi trước thuế của tổng công ty chỉ còn gần 14 tỷ đồng, vẫn cải thiện nhiều so với mức lỗ 139 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I, Viettel Global phải trả tổng cộng hơn 121 tỷ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ thêm 108 tỷ đồng sau thuế.

Hiện công ty mẹ chịu thuế 20% trên lợi nhuận tính thuế. Các công ty con và công ty liên kết áp dụng tùy từng biểu thuế khác nhau, nhưng có công ty bị áp thuế tới 33% (Công ty Viettel Cameroon).

Viettel Global lỗ tiếp 108 tỷ quý I - Ảnh 2.

Viettel Global cho biết, kết quả quý I/2018 có nhiều thay đổi tích cực so với năm 2017 ở 2 điểm. Thứ nhất, hoạt động kinh doanh ở tất cả các thị trường quốc tế đều tăng trưởng tốt. Thứ hai, diễn biến tỷ giá ở các thị trường châu Phi có chiều hướng tích cực.

Cập nhật đến cuối tháng 6/2018, 7/9 thị trường tính vào kết quả kinh doanh của Viettel Global đã kinh doanh có lãi gồm Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor, Mozambique và Cameroon. Hai thị trường còn lỗ kế hoạch là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương hôm 9/6/2018). Riêng thị trường Peru do Viettel Global quản lý và kinh doanh nhưng chưa được đưa vào kết quả hợp nhất (dù có lợi nhuận lớn nhất) là do quy định của Chính phủ Peru yêu cầu Tập đoàn Viettel phải đứng tên chủ đầu tư.

Giải thích việc nhiều thị trường đã kinh doanh có lãi nhưng lợi nhuận hợp nhất chưa cao, đại diện Viettel Global cho biết, do các thị trường đầu tư sau có quy mô lớn hơn các thị trường đầu tư trước đó nhiều nên lợi nhuận từ các thị trường trước chưa đủ để bù lại các khoản đầu tư ban đầu rất lớn.

Ví dụ, diện tích 3 nước Tanzania, Cameroon và Myanmar gấp 1,7 so với diện tích 5 nước kinh doanh trên 3 năm sau khai trương và đã có lãi là Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Mozambique; dân số thì gấp 2,1 lần.

Trên thực tế, với các doanh nghiệp đi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, thời gian để đạt được điểm hoà vốn kể từ khi chính thức khai trương tối thiểu từ 4-5 năm với các thị trường có mức độ cạnh tranh cao. Trong khi đó, Viettel đặt mục tiêu chỉ là 3 năm phải có lãi.

Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Viettel Global đạt gần 51.688 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 51.967 tỷ đồng hồi đầu năm. Tổng nợ vay là 19.925 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu 18.335 tỷ đồng, đáng chú ý doanh nghiệp đang lỗ lũy kế gần 3.600 tỷ đồng.

Theo Huy Lê

Từ khóa:  Viettel
Cùng chuyên mục
XEM