Khách quốc tế tăng mạnh sẽ là trợ lực cho Vietjet Air trong những năm tới

04/10/2018 15:25 PM | Kinh doanh

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, tăng trưởng của Vietjet Air trong thời gian tới sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các đường bay quốc tế, trong bối cảnh khách nội địa tăng trưởng chậm lại.

Khách nội tăng chậm, được bù đắp bằng khách quốc tế và doanh thu phụ trợ

Trong nửa đầu năm 2018, doanh thu hoạt động cốt lõi của Vietjet Air tăng trưởng 53% so với cùng kỳ, đạt 16.500 tỷ đồng. Rồng Việt nhận định, không nhiều doanh nghiệp niêm yết có thể duy trì mức tăng trưởng ấn tượng như vậy.

Thứ nhất, là sản lượng hành khách trong nửa đầu 2018 vẫn tăng trưởng 34%, đạt hơn 11 triệu lượt, cho dù tăng trưởng khách nội địa đã có dấu hiệu chững lại, và được bù đắp bằng mức tăng cao của lượng khách quốc tế.

Vietjet Air đứng trước một loạt thách thức: Giá dầu tăng, khách nội địa tăng chậm, đối thủ mới Bamboo Airways gia nhập ngành - Ảnh 1.

Thứ hai, doanh thu phụ trợ/hành khách tiếp tục cải thiện, đạt 15,1 USD. Con số này so với các hãng hàng không khác cho thấy dư địa cải thiện vẫn còn và một cải thiện nhỏ cũng sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của Vietjet. Trung bình từ 2013 đến nay, chỉ số này tăng trưởng khoảng 13%/năm.

Vietjet Air đứng trước một loạt thách thức: Giá dầu tăng, khách nội địa tăng chậm, đối thủ mới Bamboo Airways gia nhập ngành - Ảnh 2.

Giá dầu tăng cao phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận Vietjet

Giá nhiên liệu tăng tới 25% trong vòng một năm. Tuy nhiên, giá vé trung bình mỗi hành khách tăng lên (do điều chỉnh giá và thực hiện nhiều hơn các chuyến bay quốc tế), và hiệu suất hoạt động/chuyến bay được cải thiện cũng phần nào hạn chế tác động của giá nhiên liệu đến biên lợi nhuận của Vietjet Air.

Vietjet Air đứng trước một loạt thách thức: Giá dầu tăng, khách nội địa tăng chậm, đối thủ mới Bamboo Airways gia nhập ngành - Ảnh 3.

Cạnh tranh từ Bamboo Airways

Cạnh tranh từ Bamboo Airways, nếu có, sẽ chưa đáng ngại. Theo các thông tin công bố, Bamboo nhiều khả năng sẽ hoạt động theo mô hình "điểm tới điểm" (Point to point) thay vì mô hình "trục và nan hoa" (Hub and spoke). Hãng sẽ kết nối các thành phồ cỡ vừa tại Việt Nam, và các địa điểm quốc tế trong khu vực (sau đó mở rộng thêm châu Âu và Mỹ) tới thẳng các quần thể nghỉ dưỡng của FLC. Như vậy, hãng đi vào thị trường ngách, và không cạnh tranh trực tiếp với những đường bay chính của VJC kết nối các trung tâm như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Việc khai thác thị trường ngách khó có thể đảm bảo lưu lượng khách tương xứng với đội bay tầm cỡ mà Bamboo lên kế hoạch triển khai. Hãng đã đặt mua 20 chiếc Boeing 787-9 (trị giá 5,6 tỷ USD, giao trong 2020-2021) và 24 chiếc A321-Neo (3 tỷ USD, giao 2022-2025). Với một hãng mới, lựa chọn khai thác lượng lớn máy bay Boeing đường dài ngay trong những năm đầu là hết sức rủi ro.

Nhìn chung, sự gấp rút của Bamboo khiến Rồng Việt cho rằng hãng chưa có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cần thiết, và khó trở thành một đối trọng trên thị trường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Bamboo Airline cũng cho thấy thị trường những năm tới đây hoàn toàn có thể có thêm những người chơi mới với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính lớn hơn, và làm bài toán cạnh tranh thêm phần gay gắt.

Triển vọng 2018-2019

Rồng Việt nhận định, tăng trưởng của Vietjet Air sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các đường bay quốc tế. Điểm thuận lợi với Vietjet là khách quốc tế đến Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, đây là yếu tố cần theo dõi sát sao vì xu hướng này hoàn toàn có thể bị đảo ngược bởi các nhân tố bất ngờ. Dư địa mở các đường bay quốc tế cũng sẽ hẹp lại khi mà Vietjet đã phủ tương đối nhiều đường bay trong các năm vừa qua. Hãng sẽ cần tăng được tần suất của các dường bay hiện hữu.

Doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động bán tái mua (sale and leaseback) sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian dài.

Từ 2019, VJC sẽ nhận thêm 100 máy bay Boeing 737 Max 200 (4 chiếc trong 2019 và trung bình 24 chiếc trong 4 năm tiếp theo). Cộng thêm hợp đồng với Airbus, đội bay của VJC ước tính tăng từ 55 chiếc trong quý 2/2018 lên tới gần 200 chiếc trong 2022. Trong khi đó, VJC ước tính chỉ sử dụng khoảng 120 máy bay cho thị trường Việt Nam vào 2022. Phần còn lại hãng dự kiến khai thác tại các thị trường khác trong khu vực (như Thái Vietjet) hoặc tiếp tục cho thuê lại (như đã từng hợp tác với hãng hàng không quốc gia Pakistan). Tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi nhu cầu lớn ở các thị trường khác.

Theo đó, VJC vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động bán tái mua, và đồng nghĩa tiếp tục ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động này. Gần đây nhất, Vietjet đã đặt mua thêm 150 máy bay tại triển lãm Farnborough. Trước mắt, hãng sẽ tiếp nhận 13 tàu bay theo đúng kế hoạch 2H 2018.

Rồng Việt cho rằng, 2018-2019 là giai đoạn mà đội bay của Vietjet đạt được hiệu suất khai thác cao nhất. Điều này còn giúp Vietjet chống chọi ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, nhìn xa hơn có những rủi ro nhất định về việc tăng trưởng hành khách chậm lại, trong khi đội bay ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó là các rủi ro về tỷ giá, lãi suất hay căng thẳng chính trị.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM