Việt Nam “vô địch” uống bia, nhưng lợi nhuận Bia Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm

02/02/2019 14:36 PM | Kinh doanh

Lũy kế năm 2018, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.311 tỷ đồng, giảm 5%; Lợi nhuận trước thuế 666,7 tỷ đồng, giảm 23% so với năm trước và là năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận.

Tổng CTCP Bia Rượu NGK Hà Nội – Habeco (Mã CK: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018 với doanh thu thuần 2.533 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,5% so với năm trước. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế quý lại giảm sâu 92% xuống còn 9,9 tỷ đồng.

Việc lợi nhuận trong quý vừa qua của Habeco giảm sâu có nguyên nhân từ các chi phí phát sinh tăng mạnh, đặc biệt chi phí bán hàng tăng tới 85 tỷ đồng lên 469 tỷ đồng. Trong chi phí bán hàng, khoản mục chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ tăng mạnh 73 tỷ đồng lên 305 tỷ đồng. Có thể thấy, Habeco đã khá "bạo chi" cho hoạt động quảng cáo trong quý 4/2018, nhưng hiệu quả thu về là không như mong đợi.

Bên cạnh đó, việc lợi nhuận Habeco giảm mạnh còn có nguyên nhân từ giá vốn hàng bán tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp Habeco trong quý 4/2018 chỉ còn 22%, trong khi quý 4/2017 biên lãi gộp đạt 24,5%.

 Việt Nam “vô địch” uống bia, nhưng lợi nhuận Bia Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm  - Ảnh 1.

Lũy kế năm 2018, Habeco ghi nhận doanh thu thuần 9.311 tỷ đồng, giảm 5%; Lợi nhuận trước thuế 666,7 tỷ đồng, giảm 23%; Lợi nhuận sau thuế 518,6 tỷ đồng, giảm 21% so với năm trước và là năm thứ 3 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận.

 Việt Nam “vô địch” uống bia, nhưng lợi nhuận Bia Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm  - Ảnh 2.

Lợi nhuận Habeco xuống mức thấp nhất nhiều năm


Có thể nói, kết quả kinh doanh năm qua của Habeco là khá thất vọng trong bối cảnh thị trường bia vẫn tăng trưởng khá tốt và Việt Nam nằm trong top 10 thị trường bia lớn nhất Thế giới.

Trong năm 2017, tổng sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đạt 4 tỷ lít, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Trong năm 2018, với mức tiêu thụ ước tính 4,2 tỷ lít bia, Việt Nam có thể vượt qua Ba Lan và trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 9 trên Thế giới. Theo dự báo của CTCK FPTS, tiêu thụ bia Việt Nam trong năm 2019 sẽ tương đương với năm 2018, vào khoảng 5-6%.

 Việt Nam “vô địch” uống bia, nhưng lợi nhuận Bia Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm  - Ảnh 3.

Việt Nam nằm trong top 10 thị trường tiêu thụ bia lớn nhất Thế giới


Thị trường bia tăng mạnh, vì sao Habeco "đi giật lùi"?

Việc thị trường bia Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng Habeco lại "đi giật lùi" có thể đến từ khẩu vị người tiêu dùng đang thay đổi. Phân khúc bia của Habeco chủ yếu ở mức trung bình, bia hơi. Nhưng những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển lên các phân khúc bia cao cấp hơn và điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần Habeco.

Có thể thấy, trong giai đoạn 2014 – 2017, tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp CAGR đạt 15%, ngược lại phân khúc giá rẻ có mức tăng trưởng thấp CAGR chỉ đạt 4,8% cho thấy người Việt đang có xu hướng chuyển lên sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn.

Theo đánh giá của CTCK FPTS, việc uống bia bên cạnh thưởng thức hương vị bia còn là nơi thể hiện đẳng cấp xã hội, xây dựng các mối quan hệ nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm bia cao cấp, thương hiệu mạnh.

Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng từ 2.012 USD năm 2014 lên mức hơn 2.500 USD năm 2018. Kéo theo đó, tỷ lệ người trong tầng lớp giàu có và trung lưu cũng tăng mạnh khiến xu hướng tiêu dùng của họ thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm có giá bán cao hơn.

FPTS cũng cho rằng tâm lý sính ngoại của người Việt với quan điểm các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng tốt hơn cũng là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu cao cấp sẽ tăng.

 Việt Nam “vô địch” uống bia, nhưng lợi nhuận Bia Hà Nội đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm  - Ảnh 4.

Diễn biến cổ phiếu BHN từ khi lên sàn tới nay


Một yếu tố không thể không nhắc đến cho sự sa sút của Habeco là quá trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này đang gặp không ít trở ngại. Hiện tại, Bộ Công thương vẫn là cổ đông lớn nắm giữ gần 82% cổ phần Habeco, điều này khiến việc mạnh dạn đổi mới là không dễ dàng vì nhiều rào cản cơ chế. Mặc dù lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco đã diễn ra vài năm nay nhưng vẫn chưa tiến triển do ràng buộc điều khoản với Carlsberg. Khúc mắc lớn nhất của thương vụ này có lẽ là giá, và có lẽ cho đến khi chưa thoái vốn Nhà nước thì khó có thể kỳ vọng sự bứt phá của Habeco.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM