Việt Nam 'trải thảm' mời gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm, quyết không thua kém Singapore, Malaysia, Thái Lan

11/04/2016 14:32 PM | Công nghệ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn dự thảo luật hợp thức hoá khung pháp lý để đón đầu làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam. Đây được xem là nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết nhu cầu cấp bách của cộng đồng khởi nghiệp trong nước.

Theo đánh giá của giới đầu tư, vào những năm 2007-2008, Việt Nam đã kéo được rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư cho quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thị phần về đầu tư mạo hiểm của Việt Nam giảm rất đáng kể, thay thế vào đó là sự trỗi dậy của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đi sang những đất nước này bởi cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn, về phát triển mở rộng thị trường của mình.

Trước thực trạng này, hồi đầu năm, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì và phối hợp với các Bộ/ngành đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2016.

Đúng với kế hoạch, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo luật hợp thức hoá khung pháp lý để đón đầu làn sóng đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam.

Dự thảo nêu rõ, Quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Quỹ này không phải tuân thủ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán.

Việc đầu tư vào quỹ này chỉ phù hợp đối với cá nhân, tổ chức sẵn sàng chấp nhận mức rủi ro cao từ việc đầu tư của quỹ. Cá nhân, tổ chức đầu tư vào quỹ này cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia góp vốn, quyết định đầu tư.

Sau khi thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, các thành viên sẽ bầu ra một vị đại diện gọi là giám đốc quỹ.

Các thành viên ủy quyền cho Giám đốc quỹ mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để quản lý nguồn vốn đầu tư, các thành viên phải góp đủ và đúng số tền đã cam kết đăng ký thành lập quỹ.

Tuy nhiên, các thành viên không được dùng vốn ủy thác, vốn vay dưới bất kỳ hình thức nào để góp vốn vào quỹ và phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp.

Quỹ có thể tăng vốn thông qua việc huy động thêm từ thành viên hiện hữu hoặc từ thành viên mới, tuy nhiên không được phép đi vay để thực hiện hoạt động đầu tư.

Và việc phân chia lợi nhuận sẽ được tính trên lượng vốn góp của từng thành viên.

Các thủ tục thành lập quỹ được tối thiểu hoá chỉ mất 3 ngày để thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Tên quỹ phải được viết bằng tiếng Việt và phí thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quỹ là 200.000 đồng.

Có thể nói, dự thảo của Bộ Kế hoạch Đầu tư được đưa ra trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bùng nổ về cả chất và lượng. Tuy nhiên, đối với các Startup, khó khăn về vốn là một bài toán nan giải nhất.

Thực tế cho thấy, hiện nay các khởi nghiệp ở Việt Nam chủ yếu huy động vốn từ các "nhà đầu tư thiên thần". Hầu hết là các cá nhân, tổ chức chuyên đi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sớm, khi chưa có lợi nhuận, thậm chí mới chỉ là ý tưởng và chưa có sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp, để thành lập một quỹ đầu tư như mô hình quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán thì các điều kiện thành lập quá cao, khắt khe mà các nhà đầu tư quy mô nhỏ không thể đáp ứng.

Chẳng hạn Theo Luật Chứng khoán, quỹ phải có ít nhất 100 nhà đầu tư, tổng giá trị quỹ phải đạt 50 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối với start-up, các nhà đầu tư thiên thần chỉ cần góp một lượng vốn 5.000-50.000 USD để biến ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng trưởng nhanh.

Vì vậy, nếu áp dụng quy định của Luật chứng khoán cho quỹ đầu tư mạo hiểm khởi nghiệp sáng tạo sẽ không phù hợp và không khuyến khích được việc góp vốn thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup.

Trong một lần trao đổi với báo giới, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường Doanh nghiệp cho rằng, những chính sách hiện nay giúp cho nhà đầu tư cá nhân, các công ty, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang còn có những khó khăn so với những nước ở trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Thái Lan.

Như vậy ngay ở trong khu vực có thể chúng ta sẽ mất một thị phần rất lớn từ nguồn đầu tư nước ngoài trong mảng đầu tư mạo hiểm.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sẽ đi sang những đất nước khác mà có cơ chế thuận lợi hơn về gọi vốn, thoái vốn, về phát triển mở rộng thị trường của mình.

Do đó, theo ông Quất, Nhà nước có thể công nhận các hình thức đầu tư đang tồn tại ở các nước trong khu vực một cách phổ biến, được hợp pháp ở Việt Nam, tránh việc Luật hình sự coi đó là lập quỹ trái phép.

Các nhà đầu tư thiên thần, các công ty có tiền nhàn rỗi muốn đầu tư lĩnh vực đó phải được cởi mở, thủ tục rất là thông thoáng, điều kiện đơn giản.

"Nếu chúng ta cứ hình sự hóa các hoạt động về huy động vốn trong kinh tế thì sẽ không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Quan trọng nhất là chúng ta kiểm soát được hoạt động hiệu quả của họ", ông Quất nhấn mạnh.

Tại cuộc hội thảo "Khởi động sáng kiến khởi nghiệp quốc gia" diễn ra hồi cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳn thắn khi cho rằng, nếu mong muốn là một quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải là từ khóa ở mọi diễn đàn, nhen dần lên để cộng đồng nhỏ lan ra toàn xã hội mà không cần "đao to búa lớn".

"Điều quan trọng nhất là tất cả mọi người phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải sáng tạo để đất nước giàu lên, không cẩn thận từ khóa 'quốc gia khởi nghiệp' lại giống mấy chục năm trước nói công nghiệp hóa mà chỉ là hình thức. Tôi muốn bước ra cùng các bạn để tạo cộng đồng, vườn ươm để Việt Nam của thế hệ tiếp theo có thể đào sâu hơn nữa", ông Đam bày tỏ.

Dạ Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM