Việt Nam sẽ là quốc gia thiệt hại vòng 2 từ việc phá giá đồng CNY

09/08/2019 16:54 PM | Xã hội

Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là những người thiệt hại lớn nhất khi Trung Quốc phá giá tiền tệ.

Nhật Bản và Hàn Quốc - những nền kinh tế hàng đầu châu Á đang là nạn nhân của chiến thuật phá giá đồng CNY của Trung Quốc, nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Nền kinh tế của Thủ tướng Shinzu Abe và Tổng thống Moon Jae-in được cho là sẽ chịu thiệt hại tồi tệ nhất khi thuế quan của Trump xoay quanh nền kinh tế Trung Quốc. Các hiệu ứng kích nổ chỉ mới bắt đầu, không chỉ ở Bắc Á mà trên toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Vào ngày 5/8, chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên đẩy giá đồng CNY xuống mức thấp kỷ lục từ năm 2008. Không thể bỏ qua khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình làm vậy để chống lại mối đe dọa thuế quan mới nhất của Mỹ, thuế 10% trên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ đại lục bắt đầu từ tháng 9. Trong vòng vài giờ sau đó, Kho bạc Hoa Kỳ gắn mác Trung Quốc là "thao túng tiền tệ" lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Chính quyền Bắc Kinh đã dành hai năm rưỡi trở lại đây để hỗ trợ đồng CNY, không phá giá nó. Bởi lẽ nếu họ làm vậy, họ phải đối mặt với sự chảy máu vốn, và một khoản nợ bị đội lên khổng lồ. Trung Quốc đang chứng kiến sự tăng trưởng chậm nhất trong 27 năm, có lẽ điều đó sẽ khiến cầu đối với đồng CNY giảm nghiêm trọng.

Việt Nam sẽ là quốc gia thiệt hại vòng 2 từ việc phá giá đồng CNY - Ảnh 1.

Tuy nhiên, bởi lẽ xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ, một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ không quá 6,2%, thì tỷ giá hối đoái yếu hơn có thể là đồng lực phục hồi xuất khẩu quan trọng .

Đó là thiệt hại cho Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á trong nửa cuối năm 2019.

Tin tốt: cho đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không cho phép phá giá đồng CNY quá sâu. Chính phủ Trung Quốc muốn tránh gây hoảng loạn thị trường thế giới đã ở bờ vực. Họ cũng không muốn leo thang thêm nữa sự căng thẳng với Tổng thống Trump.

Tin xấu: tỷ giá giảm xuống mức yếu hơn 7, cho thấy Mỹ và Trung Quốc đã mất hết hy vọng về một thỏa thuận thương mại, là một đòn giáng trực tiếp vào khả năng cạnh tranh của các quốc gia châu Á khác.

Arthur Kroeber của Viện nghiên cứu Gavekal tập trung vào Trung Quốc cho biết, việc "làm xấu đi quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc sẽ gây ra tác động tiêu cực lớn đối với niềm tin kinh tế và tâm lý thị trường trong phần còn lại của năm".

Tình hình vốn đã tồi tệ đối với Hàn Quốc, và điều này đang làm cho nó tồi tệ hơn. Nền kinh tế của ông Moon đang gánh chịu sự suy giảm trong xuất khẩu sang Trung Quốc: trong tháng 7, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 16,3%. Các lô hàng bán dẫn ở Trung Quốc đã giảm hơn 28%. Khi tăng trưởng của Hàn Quốc đang chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 10,5% và lạm phát là 0,6% - giống như Nhật Bản, sự biến động tỷ giá là điều thực sự tồi tệ.

Điều tương tự cũng xảy ra với Nhật Bản, nơi tiền lương thực tế giảm liên tiếp trong vòng 6 tháng. Đó là một cú đánh vào nỗ lực tránh giảm phát của ông Abe. Đồng JPY hiện đang tăng mạnh khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi ẩn náu để tránh đồng CNY. Mức tăng 3% của đồng JPY trong năm nay càng khiến người ta mất niềm tin vào việc các công ty Nhật sẽ tăng tiền lương vào năm 2020.

Các quốc gia Đông Nam Á sẽ là những người thiệt hại vòng 2. Trong khi các loại tiền tệ ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và các nơi khác không còn được gắn với đồng đô la, nhiều quốc gia vẫn duy trì liên kết "mềm" - neo giá đồng nội tệ với USD. Nếu ông Trump chủ động làm suy yếu đồng USD, tạo ra một cuộc chiến căng thẳng với Trung Quốc, các quốc gia này sẽ bị mất cân bằng.

Đồng CNY yếu hơn làm giảm sức mua của Trung Quốc, khiến các quốc gia xuất khẩu sang Trung Quốc bị thiệt hại: từ Việt Nam đến Singapore hay Úc. Đồng thời, nó cũng làm cho các nhà máy của Việt Nam, lao động Việt Nam và hoạt động sản xuất nói chung trở nên kém cạnh tranh hơn.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM