Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có chỉ số PMI cải thiện tại Đông Nam Á trong tháng 7

01/08/2017 10:10 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo mới đây của Nikkei, Philippines và Việt Nam vẫn là 2 quốc gia đứng đầu về chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tại Đông Nam Á trong tháng 7/2017 và cũng như có cải thiện trong điều kiện kinh doanh ngành sản xuất.

Tình hình ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng trong tháng 7/2017 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng dù tốc độ tăng chậm hơn trước. Thậm chí, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới khá nhanh khiến lượng công việc tồn đọng trong ngành tăng lên.

Cũng từ đó, tồn kho hàng thành phẩm đã giảm khi hàng lưu kho được sử dụng để đáp ứng các đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, tốc độ tạo thêm việc làm mới chỉ thay đổi một chút so với tháng 6/2017.

Chỉ số của Việt Nam đã giảm từ mức 52,5 điểm trong tháng 6/2017 xuống còn 51,7 điểm trong tháng 7/2017. Kết quả chỉ số cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã cải thiện ở mức vừa phải.

Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có chỉ số PMI cải thiện tại Đông Nam Á trong tháng 7 - Ảnh 1.

Trong tháng 7/2017, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng chậm hơn. Đặc biệt mức tăng sản lượng là chậm nhất trong 9 tháng qua. Trái ngược lại, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng liên tục kể từ tháng 12/2015 và tăng rất mạnh trong tháng 7. Tình trạng tương tự được ghi nhận đối với số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài.

Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh hơn sản lượng, lượng công việc tồn đọng đã tăng và tồn kho hàng thành phẩm giảm. Mức tăng lượng công việc chưa thực hiện là mạnh nhất kể từ tháng 4/2011. Trong khi đó, hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm nhẹ lần đầu tiên trong ba tháng khi các công ty đã sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn đặt hàng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và yêu cầu về sản lượng cao hơn đã làm các nhà sản xuất phải tăng số lượng nhân công. Đây đã là tháng tăng số lượng việc làm thứ 16 liên tiếp.

Chi phí đầu vào tăng ở mức vừa phải và là mức yếu nhất kể từ tháng 6/2016. Mức tăng giá đầu vào gần đây nhất là chậm hơn nhiều so với quý I năm nay. Với sức ép chi phí giảm đi, các nhà sản xuất tiếp tục giảm giá cả đầu ra trong tháng 7 và đây là lần giảm thứ ba liên tiếp.

Tình trạng thiếu hụt hàng hóa tại các nhà cung cấp là nhân tố chính dẫn đến thời gian giao hàng tiếp tục bị kéo dài. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy mức giảm sút hiệu suất hoạt động của các công ty phân phối không quá lớn.

Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia có chỉ số PMI cải thiện tại Đông Nam Á trong tháng 7 - Ảnh 2.

Các nhà sản xuất đã tăng hoạt động mua hàng trong tháng 7. Các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới nhờ các dự báo về số lượng đơn đặt hàng mới tăng và các kế hoạch mở rộng sản xuất. Mức độ lạc quan trong ngành sản xuất đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua khi gần 50% số thành viên nhóm khảo sát dự đoán có sự tăng trưởng trong sản lượng sản xuất.

Chuyên gia Andrew Harker của IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát trên, nói: "Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 7 tăng yếu nhất trong 9 tháng qua, từ đó tiếp tục xu hướng tăng ở mức vừa phải hơn so với đầu năm 2017. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng chậm lại. Tuy nhiên, tình trạng không hoàn toàn bi quan. Số lượng đơn đặt hàng mới vẫn ở mức cao. Trong khi đó, tình trạng lượng công việc tồn đọng tăng nhanh nhất trong sáu năm và tồn kho hàng thành phẩm giảm, cho thấy các công ty sẽ tăng sản lượng trong những tháng tới."

BT

Cùng chuyên mục
XEM