“Việt Nam không theo đuổi chính sách phá giá nội tệ để giành lợi thế thương mại”

14/05/2019 08:43 AM | Kinh tế vĩ mô

Tình huống Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách giám sát nâng cao qua góc nhìn của người bám sát những chuyển động xoay quanh.

Như BizLIVE đề cập ở bài viết trước , cuối tuần qua một số hãng tin quốc tế đề cập tình huống Mỹ đang xem xét mở rộng danh sách các quốc gia mà Mỹ cho là “thao túng tiền tệ”, trong đó có trường hợp Việt Nam.

Đón nhận thông tin này, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB nói với BizLIVE rằng:

Trước tiên phải nói có sự trùng hợp ngẫu nhiên ở chỗ, tin này ra đúng vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang lúc kịch tính nhất và được cả thế giới hồi hộp dõi theo.

Có lẽ chính bởi thế, mức độ kích thích tâm lý những người quan tâm, tiếp nhận tin này, trở nên thái quá.

NỐI TIẾP QUAN ĐIỂM CỦA ÔNG TRUMP

Nếu có phần thái quá như ông nói, thì bình thường tình huống này đặt ra như thế nào?

Thực ra, việc mà cơ quan hữu trách Mỹ vừa làm thuộc hoạt động Xuân - Thu nhị kỳ, đã được thực thi từ nhiều năm nay, tuân theo Đạo luật Thương mại và cạnh tranh Omnibus năm 1988 (“Đạo luật 1988”) và Đạo luật Thúc đẩy thương mại năm 2015 (“Đạo luật 2015”).

Cụ thể, theo Đạo luật 1988, Bộ Tài chính Mỹ định kỳ năm 2 lần, vào tháng 4 và tháng 10, phải báo cáo Quốc hội Mỹ về kinh tế và chính sách ngoại hối quốc tế.

Theo Điều 3004 Đạo luật này, Bộ phải: “Xem xét các nước thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ với USD để phòng ngừa những điều chỉnh trong cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”.

Và tuân theo Đạo luật 2015, Bộ được yêu cầu phải giám sát chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ của các đối tác thương mại chính, tiến hành các phân tích chuyên sâu về các đối tác này nếu họ vi phạm những tiêu chí cụ thể về việc tiến hành những hoạt động ngoại hối có thể không công bằng.

Ba tiêu chí để nhận diện, đó là: thặng dư thương mại song phương đáng kể với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dự tài khoản vãng lai tối thiểu 3% GDP; và can thiệp một chiều khi mua ròng ngoại tệ liên tục với tổng tối thiểu 2% GDP của nước đó. Cả 3 tiêu chí xét trong thời kỳ 12 tháng.

Tất nhiên, đó mới chỉ là cảnh báo khi có những dấu hiệu nhận diện. Để có thể kết luận được một quốc gia nào đó thao túng tiền tệ, Mỹ sẽ phải tiến hành những điều tra, phân tích, bàn thảo với đối phương một cách kỹ lưỡng. Và điều này đòi hỏi khá nhiều thời gian.

Nhưng lần này tình huống đặt ra là Mỹ có thể mở rộng danh sách từ 12 lên 20 quốc gia và điều chỉnh tiêu chí?

Tình huống điều chỉnh tiêu chí xem xét và mở rộng danh sách các quốc gia được cho là thao túng tiền tệ, thể hiện động thái tiếp nối quan điểm của ông Trump từ khi lên làm Tổng thống là tập trung thương lương song phương thay vì thương lượng đa phương để giải quyết triệt để vấn đề thương mại của Mỹ.

Giờ đây, khi mà Nội các của ông Trump đã thành thục hơn, có kinh nghiệm hơn qua những cuộc thương lượng lớn với Mexico, Canada, EU và China, họ có thể triển khai hoạt động này rộng hơn nhằm đạt lợi ích lớn hơn cho nước Mỹ.

Với trường hợp của Việt Nam, tình huống này làm gia tăng khả năng Việt Nam bị lọt vào vòng ngắm mới của Mỹ.

Tất nhiên, như vừa trả lời, để đi đến được kết luận cuối cùng, sẽ phải có những nghiên cứu, phân tích mổ xẻ, có xét tới tính đặc thù, khác biệt của thể chế kinh tế Việt Nam.

ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VIỆT NAM ĐÃ ĐỔI MỚI MẠNH MẼ

Nếu mổ xẻ các tiêu chí, cũng như thông tin truyền thông quốc tế đề cập vừa qua, thì việc điều hành chính sách tiền tệ và hạ giá đồng nội tệ là một trong những điểm quan trọng. Là người theo dõi sát việc điều hành và diễn biến thị trường nhiều năm qua cho đến nay, ông đánh giá thế nào thực tiễn tại Việt Nam gắn với tiêu chí trên?

Câu hỏi của bạn rất thú vị.

Như chúng ta được biết, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của cả đất nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã và đang được đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước và hướng tới thông lệ quốc tế tốt.

Cụ thể, các công cụ, biện pháp nghiệp vụ chính sách tiền tệ mang tính thị trường và thông dụng được sử dụng ngày càng nhiều hơn, thay thế dần cho các công cụ, biện pháp có tính hành chính, quản lý trực tiếp.

Đơn cử như, từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã giới thiệu ra cơ chế điều hành tỉ giá mới - “tỉ giá trung tâm”, theo đó, cho phép một mức độ linh hoạt cao của tỉ giá thị trường. Ngân hàng Nhà nước đóng đúng vai trò là người mua - bán cuối cùng, giải quyết phần dư cung hoặc dư cầu ngoại tệ khi thị trường không tự cân đối được, nhằm giữ ổn định tỉ giá, bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Rõ ràng là Việt Nam không theo đuổi chính sách phá giá nội tệ để giành lợi thế thương mại như một vài nền kinh tế mới nổi khác. Bởi, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, chúng ta vẫn mưu cầu thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn cải cách cấu trúc kinh tế trong nước. Bao trùm, Việt Nam nhiều năm nay nhất quán theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thực tế, số liệu thống kê mức độ lên giá, xuống giá đồng bản tệ của các quốc gia so với đô la Mỹ những năm qua (phần trăm thay đổi tỉ giá hối đoái danh nghĩa), đặc biệt là của một số nền kinh tế mới nổi, cho thấy rõ nhận định trên.

Như bạn cũng biết đó, theo đánh giá gần đây của một số tổ chức quốc tế, VND được cho là có mức độ ổn định nhất so với nhiều đồng bản tệ của các nước trong khu vực, khi mà VND chỉ mất giá có 1,22% cả năm 2016, lên giá 0,21% năm 2017, lại mất giá 2,14% năm 2018 và rớt giá tiếp 0,56% tính từ đầu năm 2019 tới nay (xét tỉ giá USD/VND liên ngân hàng giao ngay).

Có một thực tế, nhìn theo năm, thì suốt nhiều năm qua tỷ giá USD/VND chỉ có tăng và không có giảm, hay VND xuống giá qua từng năm … Ông nhìn nhận thế nào về điểm này?

Nhận định của bạn về cơ bản là đúng. Nhưng điều này thực ra rất dễ hiểu khi mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với tốc độ lạm phát cũng cao hơn so với của nhóm nước phát triển, cũng như so mức bình quân thế giới.

Xét riêng việc chúng ta liên tục bội chi ngân sách nhà nước để có tiền cho đầu tư phát triển, cũng góp phần làm VND mất giá qua từng năm.

Không chỉ có vậy, nội lực của nền kinh tế Việt Nam - khả năng sản xuất và cung cấp hàng hóa, dịch vụ của ta, vẫn chưa đủ mạnh để có thể nâng giá trị của VND. Phần giá trị tăng thêm (trong chuỗi sản xuất toàn cầu) đến từ Việt nam vẫn chưa đáng kể.

Và chừng nào Việt Nam vẫn chưa cải thiện tích cực vấn đề bội chi ngân sách, năng lực sản xuất hàng hóa, dịch vụ thì chừng đó, VND vẫn rất khó để có thể tăng giá.

Ngay cả trong bối cảnh cải cách và mở cửa hiện nay khiến dòng vốn ngoại chảy vào khá, thì xét trong ngắn hạn, VND sẽ chịu áp lực tăng giá. Nhưng trong trung hạn, VND vẫn chịu áp lực mất giá do nhiều nhân tố lấn át khác chi phối.

Điều này hàm ý, xu hướng mất giá hàng năm của VND so với USD là cơ bản. Nói cách khác, nhìn chung tỉ giá USD/VND tăng dần hàng năm là một xu hướng tất yếu.

Việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi mục tiêu giữ ổn định tỉ giá nên được hiểu là giữ đúng xu hướng trên ở mức hợp lý, tránh hoặc làm giảm thiểu tác động của các cú sốc gây biến động tỉ giá ở mức độ lớn, theo đó, tạo lạm phát kỳ vọng.

THƯƠNG MẠI VIỆT - MỸ BỔ SUNG CHO NHAU

Như trên, đầu mối chức năng hai bên vẫn đang trong quá trình thảo luận, đánh giá trước khi có kết luận cuối cùng. Trong tình huống Việt Nam bị đưa vào danh sách đó, theo ông sẽ có những tác động và ảnh hưởng gì đáng chú ý trong tương lai?

Trước hết, chúng ta đều biết là một bản danh sách các quốc gia bị Mỹ cho là có dấu hiệu thao túng tiền tệ, đã tồn tại nhiều năm qua, tuy nhiên suốt hơn 20 năm qua vẫn chưa có bất kỳ một quốc gia cụ thể nào, kể cả Trung Quốc, bị Mỹ chính thức kết luận là “thao túng tiền tệ”.

Trong tình huống chính thức bị lọt vào danh sách đó, phía Mỹ sẽ đặt quốc gia bị nghi vấn vào diện giám sát nâng cao về tiền tệ, thương mại. Khi đó, những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong hoạt động thương mại, đầu tư, thanh toán quốc tế… sẽ gia tăng.

Nhưng thực tế tới nay, quan hệ thương mại giữa Mỹ với nhiều quốc gia trong danh sách đó vẫn được bảo đảm và được thúc đẩy, không hẳn là sẽ bị dựng thêm hoặc bị nâng cao các hàng rào kỹ thuật về thương mại.

Hơn nữa, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ đang phát triển thuận lợi. Thủ tướng Chính phủ ta đã từng tuyên bố, nếu phía Mỹ có đề nghị chính thức, Việt Nam sẵn sàng có biện pháp để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Dẫu vậy, chúng ta cũng cần tích cực và chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó.

Việt Nam là một quốc gia còn yếu về công nghệ cao, ngược lại nước Mỹ là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ bao gồm công nghệ thông tin, hàng không, ô tô, y tế, giáo dục... Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu công nghệ cao từ nước Mỹ, tận dụng lợi thế nhân công giá vừa phải để sản xuất và bán những mặt hàng thương hiệu Mỹ ở Châu Á...

Bên cạnh đó, Việt Nam lại là một quốc gia có khả năng cung cấp nhiều loại hình du lịch trải nghiệm có giá trị với nước Mỹ. Chúng ta có thể chủ động tìm đến các bạn hàng từ nước Mỹ.

Hợp tác thương mại Việt nam và Mỹ không có sự xung đột trực diện mà là bổ sung cho nhau. Nếu làm tốt điều này, Mỹ sẽ trở thành một đối tác lớn, mạnh của Việt Nam.

Theo Minh Đức

Cùng chuyên mục
XEM