Việt Nam hưởng lợi khi Trung Quốc nâng cấp chuỗi giá trị

10/08/2016 14:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Người chiến thắng lớn nhất khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nâng cấp chuỗi giá trị chỉ có thể là Việt Nam và kẻ phải đối mặt với những thất bại chính là Hàn Quốc.

Quá trình chuyển đổi từ trung tâm sản xuất của thế giới sang thành trung tâm công nghệ của thế giới của Trung Quốc đang tạo nên một làn sóng trên khắp châu Á.

Người chiến thắng lớn nhất khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nâng cấp chuỗi giá trị chỉ có thể là Việt Nam và kẻ phải đối mặt với những thất bại chính là Hàn Quốc.

Vấn đề của Hàn Quốc đang bị nhân đôi. Thứ nhất, khi các nhà sản xuất Trung Quốc thành thạo công nghệ hơn, họ sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiều hàng hóa trung gian có giá trị cao mà họ thường phải nhập khẩu từ các nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc.

Theo nhà kinh tế châu Á cấp cao Gareth Leather của Capital Economics, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa trung gian của Trung Quốc đã giảm từ 67% trong năm 2011 xuống còn 52% trong năm 2015.

Thứ hai, Hàn Quốc là một nhà xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao trong nhiều năm nay và giờ Trung Quốc đang muốn giành lấy thị phần của họ. Trong vòng 5 năm qua, các công ty Hàn Quốc đã mất thị phần vào tay Trung Quốc trong các mảng như điện thoại di động hay tivi màn hình phẳng.

Tỷ lệ thay đổi thị phần của Trung Quốc và Hàn Quốc trong 2 mảng điện thoại và tivi mang hình phẳng giai đoạn 2010-2015
Tỷ lệ thay đổi thị phần của Trung Quốc và Hàn Quốc trong 2 mảng điện thoại và tivi mang hình phẳng giai đoạn 2010-2015

Tệ hơn nữa, ông Leather lo ngại rằng các lĩnh vực khác của Hàn Quốc sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc đang tiếp tục phát triển năng lực sản xuất của mình.

Cho tới nay, hầu hết các công ty điện tử của Hàn Quốc đã bị tác động ít nhiều nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. Các công ty sản xuất xe hơi của Trung Quốc đang làm rất tốt tại các thị trường mới nổi và sẽ sớm giành lấy thị phần của các công ty Hàn Quốc.

Ngành công nghiệp đóng tàu cũng cho thấy sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc để vươn lên trở thành nhà sản xuất tàu biển lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, trong quý I/2016, các nhà đóng tàu Trung Quốc đã khẳng định vị thế số 1 của mình khi dành lấy gần một nửa các đơn hàng đóng tàu thương mại mới. Theo công ty môi giới Clarksons, số hợp đồng Hàn Quốc ký được chỉ chiếm 7,4%.

Trên lý thuyết, ít ra thì các công ty Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng bởi họ là những nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cao cấp.

Tuy nhiên, hàng tiêu dùng hiện nay chỉ chiếm 3,4% kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc. Ông Leather cho rằng ngay cả khi nhập khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc có tăng mạnh thì cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt cho Hàn Quốc.

Tính cạnh tranh ngày càng cao của Trung Quốc là một trong những mối đe dọa với Hàn Quốc bên cạnh mức nợ cao của các hộ gia đình, dân số trong tuổi lao động giảm và sự thiếu hụt phản ứng của chính phủ. Capital Economics tin rằng Hàn Quốc sẽ phải đấu tranh với những vấn đề trên để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2%/năm trong vòng 10 năm tới.

Những người có khả năng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc nâng cấp chuỗi giá trị chính là các quốc gia sản xuất cấp thấp. Các ngành kinh doanh không còn được đánh giá cao tại Trung Quốc sẽ chuyển hướng phát triển sang các thị trường cấp thấp hơn, điển hình như ngành công nghiệp dệt may.

Theo số liệu của Capital Economics, mức lương tháng của các công nhân nhà máy tại các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hay Sri Lanka thường ở mức 100-200 USD, thấp hơn nhiều so với con số 420 USD/tháng tại Trung Quốc.

Ngân hàng Standard Chartered đã đào sâu vào chủ đề này khi công bố báo cáo hàng năm về các nhà sản xuất tại khu vực Đồng bằng Châu Giang (bao gồm các thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến hay Đông Quan).

290 nhà sản xuất trong cuộc khảo sát dự báo rằng nguồn cung lao động sẽ thu hẹp hơn trong năm nay bởi dân số trong độ tuổi lao động của quốc gia này đang giảm nhanh.

Điều này khiến họ đưa ra dự báo rằng mức lương sẽ tăng trung bình 7,7% trong năm 2016, thấp hơn mức 7,8% của năm 2015 và 8,1% của năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, các nhà sản xuất dự báo rằng lợi nhuận của họ sẽ giảm khoảng 6,1% trong năm nay, mạnh hơn rất nhiều so với mức 0,4% cách đây 1 năm.

Với tình hình này, 30% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ muốn chuyển cơ sở sản xuất ra địa điểm khác.

Các nhà sản xuất vẫn ưu tiên việc chuyển cơ sở sang các vùng khác thuộc Trung Quốc nhưng chỉ 17% cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện tình hình, giảm 3% so với số liệu năm 2015 và giảm 11% so với năm 2014. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ưu tiên chuyển cơ sở hạ tầng sang các quốc gia khác tăng từ 9% trong năm 2013 lên 13% trong năm nay.

Đặc biệt, đa phần các doanh nghiệp chỉ ra rằng nguồn cung lao động tốt hơn và những lợi ích của việc nằm trong các thỏa thuận thương mại tự do khác nhau là những lý do khiến họ tìm kiếm các địa chỉ ở ngoài Trung Quốc.

Với những công ty đang có kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài, Việt Nam đã nổi lên là một điểm đến yêu thích của họ, tiếp theo đó là Campuchia. Trong khi đó, triển vọng của các quốc gia trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á khác lại không được hấp dẫn như vậy.

Điểm đến ưa thích của 290 nhà sản xuất trong khảo sát của Standard Chartered
Điểm đến ưa thích của 290 nhà sản xuất trong khảo sát của Standard Chartered

Các nhà sản xuất Trung Quốc thường mong đợi sẽ cắt giảm chi phí sản xuất khoảng 20-25% khi chuyển cơ sở vật chất sang quốc gia khác.

Tuy nhiên, Việt Nam, và ở mức độ nào đó thấp hơn một chút là Campuchia, lại vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ khác trong việc thừa hưởng miếng bánh từ Trung Quốc nếu xét trên các phương diện cung ứng lao động, chi phí kinh doanh không lương, triển vọng kinh tế, vị trí địa lý và lợi ích từ các hiệp định thương mại.

Nhà kinh tế Chidu Narayanan của StanChart nhận định rằng Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất chế tạo tiếp theo của thế giới khi Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng dịch vụ.

Những lợi thế của Việt Nam vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực
Những lợi thế của Việt Nam vượt trội so với các quốc gia khác trong khu vực

Bên cạnh những lợi ích rõ ràng từ giá lao động rẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại khu vực Đông Nam Á sẽ mang tới cho các nhà sản xuất cơ hội để tiếp cận với thị trường dùng rộng lớn và đang phát triển.

Ông Narayanan tin rằng Việt Nam sẽ là điểm đến ưa thích và hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này bởi họ có lực lượng lao động giá rẻ và có giáo dục, dân số ở độ tuổi lao động lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có.

StanChart cho rằng, để tận dụng được hết những cơ hội này, các quốc gia Đông Nam Á cần cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, con đường của họ sẽ không thể dễ dàng như vậy bởi sự nổi lên của việc sử dụng người máy trong sản xuất đang đe dọa các lao động bằng xương bằng thịt.

Theo ông Narayanan, công nghệ đang là thách thức lớn nhất của khu vực Đông Nam Á trong quá trình trở thành trung tâm sản xuất chế tạo của thế giới. Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và sự lặp đi lặp lại đang có xu hướng chuyển sang các nước trong khu vực này nhưng lại hoàn toàn có thể thay thế bằng các máy móc lập trình và tiến bộ kỹ thuật.

Theo Thạch Thảo

Cùng chuyên mục
XEM